Chưa chốt phương án cho kỳ thi quốc gia năm 2015

Ngày 29/7, tại Hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã công bố Dự thảo Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia (thay kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng). Ba phương án mà Bộ GD - ĐT đưa ra trong dự thảo đã làm “nóng” hội nghị. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự hội nghị và cho ý kiến chỉ đạo cụ thể.

 

Nghiêng theo phương án 1

 

Trước 3 phương án Bộ GD - ĐT đưa ra, ông Bùi Đức Cường, Giám đốc Sở GD - ĐT Thái Nguyên đã “nghiêng” về phương án 1. Ông Bùi Đức Cường cho rằng, có 2 điểm làm căn cứ để đề xuất, đó là thực trạng dạy và học hiện nay phù hợp với cách kiểm tra đánh giá, gần với công việc ngành giáo dục đã làm, không gây ra tâm lý lo lắng trong xã hội. Thứ hai, cách ra đề thi tốt nghiệp năm 2014 rất thích hợp, bảo đảm các kiến thức cơ bản, bảo đảm học sinh có khả năng được sáng tạo trong quá trình làm bài. Do đó, lựa chọn phương án 1 trong thời gian tới là phù hợp; còn phương án 2 và 3 cần thêm thời gian chuẩn bị mới có thể triển khai được.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.


Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã được tổ chức và nhận được sự đánh giá cao của đội ngũ giáo viên, học sinh, nhà trường. Cách ra đề kỳ thi theo hướng tự chọn đã gắn với ứng dụng thực tiễn, các em học sinh phải suy luận, tạo sự thích thú không chỉ cho học sinh mà còn khơi gợi cảm hứng cho giáo viên. Tuy nhiên, nếu triển khai ngay trong năm 2015, ông Sơn cho rằng nên tổ chức kỳ thi theo phương án 1. Bởi các địa phương cần có thời gian chuẩn bị cho phương án khác. Đổi mới thi liên quan đến 2 nội dung cơ bản là người ra đề thi và học sinh phải được dạy, được hướng dẫn trước, làm quen…


"Phương án 2 có thể thực hiện sớm nhất vào năm 2016, là phương án đáp ứng kịp với cách thức đổi mới tổ chức dạy học. Quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên, chuyên viên sở có thể đáp ứng điều kiện ra đề. Sau khi rút kinh nghiệm, có thực tiễn, có thời gian chuẩn bị sẽ tổ chức phương án 3”, ông Sơn khẳng định.


Còn ông Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định lại đồng tình với phương án 2, để tăng khả năng tích hợp của học sinh. Tuy nhiên, thời gian thực hiện cần tính toán kỹ, nếu năm 2015 triển khai ngay có thể sẽ khó khăn. Phương án 2 nên thực hiện từ năm 2016.


Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD - ĐT Cần Thơ nhận định, để hướng đến một kỳ thi chung thì nên chọn phương án 1. Bởi về lâu dài vẫn bảo đảm giảm áp lực cho học sinh. Đối với học sinh lựa chọn theo trường hướng nghiệp vẫn có lợi thế về môn thi. Phương án 1 cũng bảo đảm không gây xáo trộn trong phụ huynh. Đến năm 2017, mới thực hiện ra đề thi theo hướng tích hợp nhiều môn.


"Tôi thấy phương án 2 triệt để nhất nhưng nếu thực hiện luôn sẽ gây xáo trộn. Do đó, năm 2015 vẫn nên thực hiện phương án 1, đến năm 2016 thực hiện phương án 2 và 2020 thực hiện phương án 3. Nếu tổ chức thi theo cụm, chấm theo cụm thì cần có lộ trình chuẩn bị phương án thi khoảng 1 năm. Phương án 2 nên điều chỉnh theo hướng nhanh chóng công khai đổi mới tuyển sinh và xét tuyển ĐH, CĐ”, ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhận định.


Cần lắng nghe ý kiến rộng rãi


Sau khi lắng nghe các ý kiến khác nhau xoay quanh 3 phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Bộ GD - ĐT cần thận trọng, lắng nghe các ý kiến rộng rãi để lựa chọn phương án khả thi nhất. Phó Thủ tướng cho biết, có thể sẽ không chỉ có 3 phương án đã đề xuất mà còn có thể có những phương án khác, hợp lý hơn, khả thi hơn. Nhưng dù là phương án nào đều phải dựa vào nguyên tắc không được tách rời mục tiêu, định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang được triển khai.


“Chúng ta phải đổi mới, làm nghiêm túc, trách nhiệm, trung thực. Tất cả những đổi mới nếu khó khăn cho ngành giáo dục nhưng có lợi cho xã hội thì vẫn nên làm. Nếu cảm thấy một kỳ thi bớt được tốn kém cho xã hội, cho các gia đình, tiệm cận được với mục tiêu đổi mới, thì phải quyết tâm và phải đổi mới quyết liệt, đi đến cùng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


Xoay quanh các phương án mà Bộ GD - ĐT công bố ở dự thảo, Phó Thủ tướng phân tích: Phương án 1, phương án 2 thực chất là 1 phương án, đó là phương án không bắt học sinh thi hết tất cả các môn. Phương án 3 là học gì thi nấy. Phương án 1 và phương án 2 chỉ khác nhau là thi theo môn và thi theo bài. Các bài thi hiện tại chưa có gì liên quan tới thay đổi nội dung chương trình học. Điều quan trọng nhất ở các trường đại học cần gì ở kỳ thi phổ thông để đáp ứng. Theo 3 phương án này, hoàn toàn không có việc tổng điểm bao nhiêu, trượt bao nhiêu. Bộ GD - ĐT cung cấp cho xã hội một “số đo” trình độ kiến thức chung của học sinh, công khai cả nước cùng biết, trên cơ sở đó các trường lựa vào danh sách sơ tuyển, tạo nhiều cơ hội học tập cho học sinh, nhất là học sinh nghèo.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD - ĐT lấy ý kiến rồi đưa ra Hội đồng giáo dục Quốc gia để quyết phương án chính thức.

 

Thời gian tới, những vấn đề đổi mới trong thi cử sẽ được tiếp tục lấy ý kiến đóng góp các chuyên gia, của toàn xã hội trên các kênh thông tin truyền thông. Các nguồn ý kiến này sẽ được Bộ GD - ĐT tổng hợp, báo cáo Hội đồng giáo dục Quốc gia. Trên cơ sở đó sẽ đưa ra kết quả cuối cùng về việc sẽ lựa chọn phương án nào cho kỳ thi quốc gia dự kiến sẽ thực hiện ngay trong năm 2015.

 

Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD - ĐT Kiên Giang: Tiếp tục lấy ý kiến các nhà giáo Để có phương án phù hợp và có những phân tích thấu đáo, Bộ GD - ĐT cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của xã hội, nhất là trong đội ngũ nhà giáo. Theo tôi, đề thi nên tích hợp để khắc phục tình trạng học lệch, nhưng phải nghiên cứu thêm. Bởi bài thi khoa học xã hội ra đề theo hướng tích hợp thì rất thuận lợi nhưng ở các môn khoa học tự nhiên phải có thời gian mới triển khai được. Bên cạnh đó, không nên quy định bắt buộc thi môn ngoại ngữ. Nhu cầu học cao của học sinh phổ thông tại những địa phương phổ biến nghề nông, ngư nghiệp không nhiều như các tỉnh khác. Số đông các em học xong THPT thì đi học nghề và đánh bắt theo nghề của gia đình. Ví như, các điều kiện triển khai dạy ngoại ngữ tại tỉnh Kiên Giang cũng có nhiều hạn chế, không thuận lợi như các vùng, miền khác. Chính vì vậy ở đâu có điều kiện ở đâu dạy tốt ngoại ngữ thì nên thi.

 

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội: Có thể thực hiện phương án 2 trong năm tới Nhiều ý kiến cho rằng về lâu dài một kỳ thi THPT quốc gia nên theo phương án 2 nhưng chưa tổ chức được ngay trong năm 2015 tới mà nên để đến năm 2016 trở đi. Tuy nhiên, tôi thấy phương án này có thể thực hiện ngay trong năm 2015. Bởi, phương án 2 đề xuất theo hướng “thi theo bài” sẽ chỉ tổng hợp câu hỏi của các môn khác nhau trong bài thi tổng hợp liên môn. Chỉ sau khi việc dạy học ở bậc phổ thông đã điều chỉnh thì đề thi mới ra theo các câu hỏi mang tính tổng hợp, vận dụng kiến thức liên môn. Vì vậy sẽ không lo bị xáo trộn như lo lắng của nhiều người.


 

Lê Vân

Đổi mới thi tốt nghiệp tác động tích cực đến dạy và học
Đổi mới thi tốt nghiệp tác động tích cực đến dạy và học

Đã có 60 tỉnh, thành phố công bố kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014, với tỷ lệ tốt nghiệp hệ THPT đạt 98,99%, hệ giáo dục thường xuyên đạt trên 88%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN