Đồng Nai không để học sinh phải học ca ba

Ngành Giáo dục Đồng Nai đã bắt đầu triển khai tiếp nhận hồ sơ học sinh vào lớp 1 tại các trường Tiểu học năm học 2022 - 2023. Theo dự tính năm nay, toàn tỉnh tăng hơn 22.000 học sinh, chủ yếu là cấp Tiểu học nên áp lực về trường lớp và sĩ số trên lớp rất lớn. Tuy nhiên, ngành Giáo dục tỉnh xác định sẽ cố gắng không để xảy ra tình trạng phải học ca ba.

Thành phố Biên Hòa chịu nhiều áp lực trường lớp

Chú thích ảnh
Học sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng (thành phố Biên Hòa) tan học buổi sáng phải về nhà vào buổi chiều do không thể học 2 buổi/ngày. Ảnh (tư liệu): baodongnai.com.vn

Trong nhiều năm qua, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa luôn là địa phương nóng nhất về áp lực trường lớp. Đây là địa phương từng xảy ra tình trạng học sinh phải học ca ba do thiếu lớp học và giáo viên.
 
Phường hiện có 3 trường Tiểu học bắt đầu tiếp nhận hồ sơ vào lớp 1. Năm học này, Trường Tiểu học Trảng Dài dự kiến tiếp nhận 800 học sinh, Tiểu học Hà Huy Giáp là 900 học sinh và Tiểu học Nguyễn Thái Học hơn 600 học sinh, nâng tổng số học sinh cả 3 trường tại phường Trảng Dài là gần 2.300 học sinh. Đây là một con số kỷ lục về số lượng học sinh tiểu học của một phường/xã trên cả nước.
 
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (phường Trảng Dài) cho biết, năm học này để tránh việc học sinh phải học ca ba, thành phố Biên Hòa đã đầu tư xây mới thêm 12 phòng học trên đất hiện hữu tại trường, đồng thời mượn một số phòng học tại Trường Trung học Cơ sở Trường Sa và Trung học Cơ sở Trảng Dài cho học sinh lớp 1 học tạm trong khi chờ xây thêm các trường học mới. Tuy nhiên thực tế phường Trảng Dài hàng năm dân số cơ học tăng cao nên khó tránh khỏi tình trạng học sinh quá tải.
 
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Biên Hòa, hàng năm, thành phố luôn quan tâm, đầu tư nhiều dự án công trình trường học mới. Do số lượng học sinh tăng quá nhanh nên các dự án trường học xây mới chưa đáp ứng kịp nhu cầu.
 
Năm học này, thành phố hoàn thành đưa vào sử dụng 3 dự án trường học mới và 5 dự án xây thêm khối phòng học trên đất hiện hữu. Trong khi đó, số lượng học sinh tăng hơn 10.000 em so với năm học trước nên vẫn không thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Vì vậy, nhiều trường phải dồn gần 50 học sinh/1 lớp để tránh tình trạng học ca ba (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có 35 học sinh/1 lớp).
 
Ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Biên Hòa nêu rõ, do đặc thù là thành phố trung tâm của tỉnh, có quá trình phát triển công nghiệp lâu dài, dân cư tập trung đông, nhất là con công nhân lao động có số lượng lớn nên việc giải quyết quá tải về trường lớp rất khó khăn. Trừ một số ít trường chuẩn quốc gia đang đảm bảo số lượng 35 học sinh/lớp, còn phần lớn các trường công lập bậc Mầm non và Trung học Cơ sở trên địa bàn thành phố Biên Hòa đang phải chấp nhận sĩ số quá tải từ 40 - 50 học sinh/lớp. Năm nay tuy không tái diễn tình trạng học ca ba nhưng thực trạng quá tải không thể tránh được.
 
Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trường học
 
Hiện các ngành chức năng thành phố Biên Hòa đang nỗ lực cùng những đơn vị thi công hoàn thành nhiều công trình trường học nhằm kịp thời đưa vào sử dụng dịp khai giảng năm học mới 2022 - 2023.
 
Trường Trung học Cơ sở Phước Tân 3 (phường Phước Tân) đang được xây dựng với quy mô 2 dãy phòng học có tổng số 40 phòng, 1 khối hiệu bộ và phòng chức năng. Tổng kinh phí đầu tư dự án là trên 80 tỷ đồng. Đến thời điểm này, khối lượng xây lắp đã đạt trên 95% và đang được đơn vị thi công hoàn thành một số hạng mục cuối cùng.
 
Tương tự, Trường Mầm non Tân Hạnh (phường Tân Hạnh) với tổng mức đầu tư hơn 46 tỷ đồng cũng cơ bản hoàn thành và đang thi công hạng mục phụ như: tường bao, sân trường, nhà để xe và gói lắp đặt trang thiết bị phòng học.
 
Ông Đoàn Văn Chung, Phó Giám đốc Công ty Xây dựng DTC - đơn vị thi công công trình trường học cho biết, thực hiện theo hồ sơ thiết kế và hợp đồng xây dựng đã được duyệt, ngay từ bước đầu, đơn vị thi công đã tập trung nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị thi công đảm bảo chất lượng, kỹ thuật , mỹ thuật theo đúng thiết kế. Hai công trình xây dựng trường Trung học Cơ sở Phước Tân 3 và Mầm non Tân Hạnh sẽ kịp hoàn thành trước ngày khai giảng (5/9).
 
Theo Ban Quản lý dự án thành phố Biên Hòa, để đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn thành phố, hiện địa phương đã và đang đầu tư trên 30 dự án công trình trường học, trong đó có những dự án xây mới hoàn toàn và những dự án xây thêm khối lớp học tại các trường học hiện hữu. Ông Văn Quang Mỹ, Phó Ban Quản lý dự án thành phố Biên Hòa cho biết, thành phố đang tập trung thực hiện một số dự án trên nền đất hiện hữu của nhà trường; trong đó, Ban quản lý dự án sẽ sớm hoàn thành dự án Trường Tiểu học Hà Huy Giáp, Tiểu học Chu Văn An, Trường Tiểu học Tam Phước 1. Đây là 3 dự án thành phố đang tập trung thực hiện những hạng mục cuối cùng để góp phần giải quyết được một số phòng học đáp ứng nhu cầu của học sinh.
 
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, dự báo đến năm học 2024 - 2025, thành phố Biên Hòa sẽ tăng thêm khoảng 103.000 học sinh và đến năm 2029 - 2030 sẽ tăng khoảng 146.000 học sinh. Giải pháp trước mắt và lâu dài cho vấn đề quá tải trường lớp là xây dựng thêm nhiều trường học mới, trong đó những trường xây dựng mới phải linh hoạt trong thiết kế xây dựng, nâng số tầng. Những tầng cao hơn có thể phục vụ cho giáo viên và ban giám hiệu hoặc những phòng không sử dụng thường xuyên. Với những trường còn đất trống, nếu quá tải có thể xem xét xây thêm phòng học. Đồng thời, địa phương huy động nguồn lực xã hội để phát triển thêm mạng lưới các trường tư thục trên địa bàn, ưu tiên kêu gọi đầu tư ở những phường đông dân cư, công nhân lao động.

Lê Xuân (TTXVN)
Thiếu giáo viên, trường mầm non chưa thể hoạt động hết công suất
Thiếu giáo viên, trường mầm non chưa thể hoạt động hết công suất

Hà Nội đã cho trường mầm non mở cửa đón trẻ từ ngày 13/4, nhưng đến nay, một số trường mầm non dân lập, tư thục vẫn đang kiện toàn cơ sở vật chất, tuyển giáo viên để đón trẻ trở lại trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN