Khi nhiều trường đại học muốn trở thành đại học trọng điểm, đại học quốc gia

Ngày 30/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức toạ đàm lấy ý kiến góp ý về "Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Nhiều trường đại học muốn trở thành đại học trọng điểm, đại học quốc gia.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm

Lý do quy hoạch các đại học vùng, đại học trọng điểm 

"Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" đã hoàn thành và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi các cơ sở giáo dục đại học, các tỉnh, thành phố, chuyên gia trong cả nước, trước khi trình Chính phủ vào tháng 12/2023. 

Theo báo cáo Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ GD&ĐT, việc sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở Giáo dục đại học (GDĐH) theo hướng cơ bản giữ ổn định về số lượng và cơ cấu, tập trung tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô của các cơ sở GDĐH.

PGS. TS Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT đã thông tin: Đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở GDĐH và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở GDĐH đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng, trong đó: Khoảng 30 cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia, bao gồm 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng và từ 18 - 20 cơ sở GDĐH trọng điểm ngành quốc gia; khoảng 100 cơ sở GDĐH đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; ít nhất 70 cơ sở GDĐH tư thục, bao gồm cả các cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia căn cứ tiềm lực và uy tín gắn với vai trò, sứ mạng trong hệ thống GDĐH.

Chú thích ảnh
PGS. TS Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT trình bày báo cáo về dự thảo quy hoạch

PGS. TS Nguyễn Anh Dũng cho biết, Đại học Quốc gia nằm trong trung tâm của vùng kinh tế động lực, có sứ mạng dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia về phát triển nhân tài, nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu cả nước về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và một số lĩnh vực, ngành trọng điểm khác của quốc gia.

Theo dự thảo Quy hoạch này, tới năm 2030, phát triển thêm 3 đại học quốc gia trên cơ sở Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trở thành các đại học thuộc nhóm hàng đầu Châu Á. Có ít nhất 20 lượt lĩnh vực nằm trong tốp 1.000 thuộc các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Các đại học quốc gia giữ ổn định quy mô đào tạo trình độ đại học, tập trung nâng cao chất lượng và tăng tỉ trọng đào tạo sau đại học gắn với phát triển nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, nhất là ở các lĩnh vực, ngành trọng điểm.

Sau năm 2030, có thể phát triển thêm một số đại học quốc gia từ các đại học vùng, đại học trọng điểm ngành quốc gia có tiềm lực mạnh và uy tín cao trong hệ thống. Đại học vùng nằm trong trung tâm của vùng, tiểu vùng, có sứ mạng dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ cho vùng; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu vùng trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm của vùng.  

Tới năm 2030, phát triển thêm 4 đại học vùng trên cơ sở Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Cần Thơ, cùng với Đại học Thái Nguyên trở thành các đại học có uy tín trong khu vực và thế giới. Các đại học vùng chú trọng nâng cao chất lượng, từng bước mở rộng quy mô đào tạo, tăng tỉ trọng đào tạo sau đại học gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nhất là trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm của vùng.  

Trong đó, với vấn đề đào tạo giáo viên, Bộ GD&ĐT dự kiến từng bước chuyển việc đào tạo ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng sang các trường đại học sư phạm và các cơ sở giáo dục đại học đa ngành có nhóm ngành đào tạo giáo viên; từ sau 2030 chỉ tổ chức đào tạo giáo viên tại các cơ sở giáo dục đại học. 

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, hiện nay, Việt Nam có 103 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó có: 15 trường đại học sư phạm, 50 trường đại học đa ngành, trường đại học đặc thù có đào tạo giáo viên; 20 trường cao đẳng sư phạm; 18 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên.

Dự kiến năm 2030, toàn quốc có khoảng 50 cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo giáo viên các trình độ, cụ thể như sau: 11 cơ sở giáo dục đại học giữ vai trò hạt nhân và nòng cốt của mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên trong từng vùng và khu vực; tập trung nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo chất lượng cao, trình độ cao với khoảng 50% tổng quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc; khoảng 22 trường đại học (hầu hết trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh) đào tạo đáp ứng nhu cầu đội ngũ giáo viên các cấp học của địa phương và các tỉnh lân cận với khoảng 44% quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc.

Năm 2030, không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm và các trường cao đẳng đa ngành. Sáp nhập vào một trường đại học sư phạm hoặc một cơ sở giáo dục đại học  có đào tạo giáo viên trong vùng; sáp nhập vào một cơ sở giáo dục đại học tại địa phương.

Khi nhiều trường muốn trở thành trọng điểm  

Trước vấn đề quy hoạch này, nhiều trường đại học bày tỏ mong muốn trở thành đại học trọng điểm cũng như Đại học Quốc gia.  

GS. Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Trường Đại hoc Dược Hà Nội nhất trí với định phướng quy hoạch các trường đại học Quốc gia, đại học vùng và đại học trọng điểm.

Tuy nhiên, GS. Nguyễn Hải Nam khẳng định, ngành Dược học là ngành học hết sức quan trọng, toàn quốc chỉ duy nhất một trường đại học Dược. Đào tạo dược học có vai trò hết sức quan trọng. Và là lơi đào tạo giảng viên cho các trường có đào tạo ngành dược. Vì vậy, GS. Nguyễn Hải Nam đề nghị trong danh sách trọng điểm Quốc gia có bổ sung thêm Trường ĐH Dược Hà Nội.

PGS. TS Đinh Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho rằng, cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia ở lĩnh vực nghệ thuật chỉ có hai trường được quy hoạch là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội sẽ chưa đủ. Bởi danh mục đào tạo nghệ thuật còn rất nhiều lĩnh vực khác có bề dày truyền thống. PGS. Đinh Công Tuấn đề nghị chọn các cơ sở dào tạo nghệ thuật theo tiêu chí đa ngành phục vụ phát triển nguồn nhân lực văn hóa, kinh doanh xuất bản phẩm

Tuy nhiên, về vấn đề này PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng trường nên có đề xuất kiến nghị bằng văn bản và có ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch để góp ý chính thức cho dự thảo này.  \

Chú thích ảnh
PGS. TS Đỗ Hồng Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc chia sẻ tại tọa đàm

Liên quan đến bổ sung đào tạo trong quy hoạch, PGS. TS Đỗ Hồng Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc cho biết, hội cựu giáo chức của trường quan tâm đến vai trò của Trường Đại học Tây Bắc sẽ quy hoạch ra sao? Mặc dù trong quy hoạch đã xác định Trường Đại học Tây Bắc là đại học vùng, nhưng cần bổ sung thêm đào tạo giáo viên.  

Cũng liên quan đến việc đến năm 2030 không còn đào tạo giáo viên trong trường cao đẳng, bà Nguyễn Thị Thanh, Phó hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Trung ương đề xuất sáp nhập 3 trường Cao đẳng trực thuộc Bộ là Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP Hồ Chí Minh, để đào tạo giáo viên mầm non phục vụ trong giai đoạn tới.    

Tuy nhiên, về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn giải thích, quy hoạch có phạm vi, nội dung, không làm được quá nhiều việc như nhiều thầy cô mong đợi.

Dự thảo báo cáo quy hoạch các trường đại học có nói khuyến khích các trường đại học, sáp nhập đại học thành đại học lớn. Nhưng cần nhấn mạnh là khuyến khích. Nếu được trường nào tự nguyện sáp nhập sẽ có ưu tiên đầu tư. Bộ GD&ĐT sẽ lưu tâm cơ chế chính sách về đầu tư ở khía cạnh này.  

Về ý kiến sáp nhật các trường cao đẳng đào tạo giáo viên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, Bộ quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên, quy hoạch ạng lưới các trường làm  sao tăng cường năng lực, chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên trong cả nước. Tuy nhiên, sẽ không còn trường cao đẳng sư phạm từ năm 2030 là một quan điểm thống nhất.  

Liên quan đến đưa các trường vào danh mục trọng điểm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, Bộ cũng muốn nhưng nguồn lực đầu tư của Nhà nước có hạn. Dự thảo hiện nay có 30 cơ sở giáo dục đầu mối, không thể đưa tất cả vào. Mà tập trung những ngành học tehn chốt để tăng trưởng kinh tế. Dự kiến, tuần tới, Bộ GD&ĐT sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành, nhưng mỗi lĩnh vực cũng chỉ xác định 1 - 2 cơ sở đào tạo. Nếu đưa vào nhiều sẽ không còn là trọng điểm. 

Còn với Trường Đại học Tây Bắc được xác định có ý nghĩa về địa chính trị quan trọng. Nhưng trường cũng cần nỗ lực phấn đấu để có kết quả, thành tích như thế nào để đầu tư gắn với cam kết, chỉ số đạt được thực sự, không phải chỉ là dựa vào tiêu chí vùng miền.

Lê Vân/Báo Tin tức
Nâng cao chất lượng đào tạo tài năng khoa học trẻ trong các cơ sở giáo dục Đại học
Nâng cao chất lượng đào tạo tài năng khoa học trẻ trong các cơ sở giáo dục Đại học

Ngày 10/11, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam - VIFOTEC), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Lễ trao Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục Đại học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN