Lớp học miễn phí của thầy giáo tật nguyền

Ngay từ nhỏ đã bị bại liệt cả hai chân, đôi bàn tay cũng trở lên yếu ớt, nên những việc đơn giản, Bùi Văn Bình (thôn Yên, xã Kim Truy, huyện Kim Bôi, Hòa Bình) cũng không tự làm được, phải nhờ vào người em gái.

Thày giáo Bùi Văn Bình đang dạy học cho các em. Ảnh: Tamguong


Nhưng với nghị lực vượt khó vươn lên, anh đã cố gắng học tập tốt để rồi hơn 10 năm qua, lớp học miễn phí, không phân biệt độ tuổi, đơn sơ trong ngôi nhà nhỏ của anh luôn rộn tiếng ê, a đọc bài của những em nhỏ.

Lớp học trong ngôi nhà nhỏ rộng khoảng 15 m2. Chúng tôi đếm được 20 học sinh, ở các lứa tuổi khác nhau, đang ngồi quanh chiếc giường của người thầy tật nguyền để học chữ.

Thấy có khách lạ, anh Bình ngưng giảng bài để trò chuyện với chúng tôi. Anh tâm sự: Sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Kim Truy, huyện Kim Bôi, ngày nhỏ Bùi Văn Bình cũng khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng thật không may, khi đang học lớp 4, anh bị một trận ốm liệt giường.

Do nhà nghèo, không có điều kiện chữa bệnh, nên đôi chân của anh đã bị liệt, hai bàn tay cũng trở lên yếu ớt. Bệnh tật như vậy, nhưng cũng không ngăn được nỗi khát khao đến trường của anh.

Lúc đó, trường học xa nhà vài cây số, kinh tế gia đình lại khó khăn, nhưng Bùi Văn Bình nhất quyết không nghỉ học, kể cả những ngày mưa rét, nắng nóng, anh vẫn cố gắng đến trường đều đặn. Cảm phục trước ý chí học tập của anh, những người bạn cùng trường, lớp đã hàng ngày thay nhau cõng anh đi học.

Với đức tính cần cù, siêng năng và trí thông minh, nên trong suốt những năm học sau đó, Bùi Văn Bình đều là học sinh khá, giỏi của trường. Nhưng cuộc đời dường như vẫn muốn trêu đùa với chàng thanh niên đầy bản lĩnh này.

Thày giáo Bùi Văn Bình và những học trò nghèo của mình. Ảnh: Tamguong


Cuối năm học lớp 12, anh lại bị ốm một trận “thập tử nhất sinh” không thể đến trường thi tốt nghiệp. Giấc mơ vào giảng đường Đại học của anh vì thế đành dang dở. Do bệnh tật, hàng ngày anh Bình chỉ lầm lũi trong ngôi nhà nhỏ của mình và đọc sách để quên đi nỗi buồn, cùng những cơn đau hành hạ.

Nhưng với trái tim nhân hậu, anh không cam chịu số phận, mà vẫn muốn vươn lên cống hiến cho xã hội. Nhận thấy trẻ em trong xóm muốn học thêm, nhưng cha, mẹ các em không có tiền, anh đã nảy ra ý định mở một lớp học thêm miễn phí tại nhà.

Lúc đầu, chỉ có vài em nhỏ đến học. Thấy anh dạy dễ hiểu, các em tiếp thu nhanh, lại chẳng tốn tiền, nên các em đến học ngày càng đông. Vào dịp hè, mỗi ngày có khoảng 40 - 50 em đến học, với mọi lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 5. Những ngày đó, anh Bình phải chia lớp thành 3 ca/ngày.

Anh cho biết: “Dạy học tuy mệt nhưng thấy vui vì đã giúp cho trẻ em quê mình có kiến thức. Tôi hy vọng rằng cùng với kiến thức học từ nhà trường, mai này ra đời, các em sẽ là người có ích cho xã hội”.

Để bắt kịp với chương trình giảng dạy mới, anh Bình thường nhờ học sinh mua sách để tham khảo và nghiên cứu đọc thêm tài liệu để giúp cho bài giảng sinh động hơn. Không chỉ dạy các em nắm vững kiến thức trong sách vở, anh Bình còn dạy các em biết yêu thương, chia sẻ...

Chị Bùi Thị Dinh, xóm Yên, xã Kim Truy, cho biết: Bản thân thầy Bình bệnh tật, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, nhưng thầy chỉ dạy kèm miễn phí cho các em học sinh. Mặc dù nhiều gia đình muốn trả tiền công, nhưng thầy nhất quyết không nhận.

Bù lại, các em học sinh và bà con trong xóm đỡ đần những công việc nặng mà thầy không thể đảm đương được hoặc thi thoảng có mớ rau, con cá, cha mẹ các em lại gửi sang biếu thầy để cải thiện bữa ăn.

Nhờ lớp học đặc biệt của thầy Bùi Văn Bình mà nhiều em nhỏ trong xóm, xã thoát khỏi mù chữ và vươn lên đạt thành tích trong học tập. Thầy Bình thực sự được học sinh và người dân trong xã quý mến, tin yêu.


Vũ Hà


1
Chủ tịch nước dự lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN