Phản hồi bài viết “Lãng phí chất xám tiến sĩ, thạc sĩ”

Loạt bài viết “Lãng phí chất xám tiến sĩ, thạc sĩ” và bài “Những đề án tiến sĩ đi đâu, về đâu” đăng báo Tin Tức ngày 4 và 15/8 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc. Để rộng đường dư luận, báo Tin Tức xin đăng tải một số ý kiến của “người trong cuộc”, là đại diện các trường đại học và các chuyên gia giáo dục, xung quanh vấn đề này.

 

TS Nguyễn Tiến Thảo, khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội: Môi trường đại học phải hướng tới hoạt động nghiên cứu khoa học


Đối với những người đã học tiến sĩ (TS) ở nước ngoài về, dù theo học bổng của Nhà nước hay tự xin học bổng thì chế độ đãi ngộ chỉ là một phần nhỏ trước quyết định sẽ làm ở đâu của họ. Điều quan trọng nhất với bất cứ TS nào là môi trường làm việc, là được tự do làm khoa học và có trang thiết bị tốt phục vụ nghiên cứu. Sau đó mới là chế độ chính sách, lương bổng, cơ chế làm việc và môi trường giảng dạy. Chỉ khi những điều kiện trên không đáp ứng thì mới dẫn đến tâm lý mặc cảm, so sánh với môi trường làm việc khác hoặc với nơi đã theo học.

 

Một môi trường giảng dạy chuẩn là 50% thời lượng trong tuần của giảng viên là nghiên cứu khoa học, 50% thời lượng còn lại là giảng dạy. Ở nhiều nước phát triển thời gian nghiên cứu khoa học lên tới 75 - 80%, thậm chí 95%. Nhưng ở Việt Nam, lâu nay vẫn quan niệm giáo viên là đi dạy nhiều và thực tế, giảng viên không có bất cứ nguồn thu nào ngoài việc giảng dạy. Còn TS tại những trường ĐH hoặc viện nghiên cứu, do có ít nghiên cứu khoa học, thậm chí không có, nên còn đặt nặng vấn đề chế độ chính sách.


Tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên, thời lượng nghiên cứu của các giảng viên đã đạt tới 30%. Những đề tài nghiên cứu từ cấp trường, cấp bộ, quốc gia, quốc tế đều được ứng dụng, cũng có nhiều bài báo được công bố ở tạp chí nổi tiếng trên thế giới. Như năm vừa qua, ĐH Khoa học Tự nhiên có 38 bài đăng tạp chí danh tiếng thế giới, những nghiên cứu cơ bản đã được ứng dụng trong cuộc sống như: “Xử lý chất thải”, “Xử lý nước lọc”... Bởi vậy, ngoài mức lương giảng dạy, giảng viên sẽ có thêm thu nhập từ những đề tài nghiên cứu. Gần đây, một số doanh nghiệp đã tìm đến khoa Hóa của trường để liên kết, đặt vấn đề nghiên cứu. Như vậy, hoạt động trong trường đại học sẽ không chỉ đơn thuần là giảng dạy và hợp tác quốc tế nữa. Đây chính là giải pháp lâu dài và cần khuyến khích để những TS trẻ có thể phát huy khả năng của mình và yên tâm giảng dạy, đào tạo thế hệ trẻ kế tiếp.

 

Ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi Hà Nội: Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với khả năng


Thực tế, cũng có trường hợp TS thất nghiệp hoặc không được làm đúng chuyên môn. Nhưng với ĐH Thủy lợi thì chuyện TS trở về rồi thất vọng vì môi trường làm việc là không có. Một số người đi không trở về là do họ ở lại học lên tiếp. Trước thực tế một số TS nản vì môi trường làm việc, mức lương, chúng tôi cũng tìm cách tạo điều kiện hết sức để họ an tâm làm việc. Cụ thể, thay vì thi tuyển viên chức thì với những người có bằng TS ở nước ngoài chúng tôi chỉ xét tuyển và nhận vào làm việc mức lương khởi điểm 3.0. Còn với các cán bộ nhà trường được cử đi học TS thì khi trở về sẽ được tăng lương trước thời hạn. Đồng thời, tạo điều kiện để cho họ tham gia các đề tài, hoạt động khoa học công nghệ.


Về chế độ chính sách thì gần như không thể thay đổi được nhưng tới đây nhà trường cũng sẽ có Quy chế nội bộ lương tự chủ bổ sung. Theo đó, nhà trường sẽ có mức lương phù hợp với những TS tại trường. Thực tế, nhân lực chất lượng cao đang thiếu trầm trọng nên chúng tôi luôn cố phải tạo điều kiện để họ sống và làm việc trong một môi trường thoải mái nhất. Thậm chí, biết thu nhập tại trường cũng chưa đáp ứng đủ, nếu họ có đi làm ngoài thì nhà trường cũng đành “nhắm mắt làm ngơ”. Hiện nay, Nhà nước chưa có chế tài cũng như chế độ thực sự xứng đáng so với tài năng họ cống hiến; do đó, nếu không có một môi trường làm việc thoải mái thì nhiều TS sẵn sàng nộp phạt để đi làm ngoài là có thực.

 

PGS.TS Phạm Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Vinh: Cần nâng cao chế độ đãi ngộ

 

Bộ GD - ĐT cần có những đề nghị với Chính phủ về việc nâng cao chế độ chính sách cho đội ngũ giảng viên, đặc biệt là với những giảng viên có trình độ TS.


Hiện tại, ĐH Vinh có khoảng 40 - 50 TS. Họ có tuổi đời khá trẻ và thường là học một mạch mới về nước giảng dạy. Tuy nhiên, hiện nay những người này đang hưởng mức lương theo ngạch bậc mà chưa có thêm chế độ nào. Đối với những người có học hàm là GS, PGS đều có chế độ cụ thể nhưng đối với trình độ TS thì chưa. Với trình độ TS mà yêu cầu họ thi giảng viên chính rồi mới có chế độ thì chưa phù hợp. Đây không phải là thực trạng của riêng ĐH Vinh mà còn của nhiều trường khác như: ĐH Hồng Đức, ĐH Quảng Nam, ĐH Cần Thơ...


Theo Bộ GD - ĐT, hiện nay các phòng thí nghiệm ở các trường đại học chưa đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu khoa học. Cả nước chỉ có 15,5% phòng thí nghiệm đạt chuẩn và chỉ tập trung ở một số trường đại học trọng điểm như trường ĐH Quốc gia Hà Nội và trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Đây là một rào cản lớn trong việc phát huy khả năng, triển khai nghiên cứu khoa học của các TS trẻ.


Lê Vân

Lãng phí chất xám Tiến sĩ, thạc sĩ
Lãng phí chất xám Tiến sĩ, thạc sĩ

Cầm tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ “ngoại” về nước, không ít người đã bị sốc bởi mức thu nhập cũng như môi trường làm việc. Tệ hơn, một số người đã bị chính nơi cử đi khước từ vì không thể bố trí công việc phù hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN