Không khoan nhượng với cát “tặc”

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ ngày 27/10 dưới sự chủ trì của các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải xoay quanh vấn nạn “cát tặc”, đã cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề.


Từ sông Đồng Nai, Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu, Vu Gia - Thu Bồn, đến sông Hồng - đoạn sát Thủ đô Hà Nội... đâu đâu cũng thấy “cát tặc” hoành hành. Không còn là vấn nạn nữa, như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là một loại tội phạm cần phải kiên quyết loại trừ.

Không còn là nguy cơ nữa, tình trạng khai thác cát trái phép đang hiện hữu ở nhiều địa phương, gây hậu quả thật nặng nề: môi trường bị hủy hoại, thất thu thuế, thách thức dư luận, gây sạt lở bờ sông, trôi nhà cửa, vườn tược của dân, uy hiếp cả đê điều đe dọa tính mạng của cả cộng đồng. Nhiều hộ dân sinh sống gần bờ sông bức xúc phản đối thì bị các chủ tàu, công nhân làm thuê chửi bới, đe dọa... Tại đoạn sông Hồng dài hơn 10 km chảy qua địa bàn huyện Phúc Thọ (Hà Nội), trong những ngày gần đây, có hàng chục tàu cuốc, tàu hút cát hoạt động tấp nập làm sạt lở bờ sông, cuốn trôi đất nông nghiệp, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng nghìn hộ dân. Dân địa phương bức xúc, cơ quan chức năng huyện Phúc Thọ cũng đã vào cuộc, nhưng lợi dụng địa bàn giáp ranh, nên khi bị truy đuổi ở địa bàn huyện Phúc Thọ (Hà Nội), thì chúng lại chạy sang địa bàn huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Chẳng khác gì đèn cù, càng khó lòng dẹp khi thiếu sự phối hợp giữa cơ quan chức năng của các địa phương có liên quan.

Có “uẩn khúc” gì chăng xung quanh nạn “cát tặc” mà bấy lâu dư luận day dứt, nhưng chưa có giải pháp “dẹp” nạn này một cách hiệu quả. Tại nhiều địa phương, người dân phản ánh chính quyền làm ngơ, thậm chí chung chi, để mặc “cát tặc” hoành hành. Ai cũng biết, hiện trường “cát tặc” thì lồ lộ, máy móc, thiết bị rầm rộ như một công trường, muốn giấu cũng không thể. Vậy mà, chính quyền địa phương ở nơi “cát tặc” lộng hành lại không nhìn ra. Còn có dư luận, chủ của những vựa “cát tặc” còn được “phím” trước để xóa hiện trường mỗi khi có đoàn liên ngành kiểm tra. Khi đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương để xảy ra nạn “cát tặc”, thì điệp khúc hết sức quen thuộc là: “Địa phương không đủ con người, không đủ thẩm quyền, sẽ báo cáo lên cấp trên xem xét xử lý...”.

Nạn “cát tặc” không còn là hành vi đơn lẻ, mà có sự câu kết, hình thành đường dây khai thác có tổ chức. Vậy có cách nào để ngăn chặn nạn “cát tặc”? Có lẽ, cùng với chế tài mạnh (như kỷ luật lãnh đạo địa phương để xảy ra nạn “cát tặc”), cần sự phối hợp giữa chính quyền các địa bàn vùng giáp ranh nhằm xử lý triệt để, làm đến cùng; không xử lý theo kiểu “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, đùn đẩy, đuổi “cát tặc” chạy ra khỏi địa bàn mình quản lý là hết trách nhiệm. Địa phương nào để xảy ra nạn khai thác cát trái phép thì lãnh đạo ở địa phương đó phải chịu trách nhiệm, chứ không thể đổ lỗi qua lại như lâu nay. Cụ thể, bí thư, chủ tịch, công an phải chịu trách nhiệm khi để tội phạm “cát tặc” lộng hành.

Dư luận đồng tình với kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ: Khi đã xác định “cát tặc” là một loại tội phạm thì không có lý do gì để kẻ phạm tội nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Yến Nhi
Khởi tố vụ hút cát trái phép trên sông Đuống
Khởi tố vụ hút cát trái phép trên sông Đuống

Ngày 27/10, Văn phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với chủ tàu Vũ Văn Tám, lái tàu Hà Văn Lý về tội vi phạm các qui định về khai thác tài nguyên trái phép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN