Kỳ vọng vào 12 điều cấm

Xin được nói ngay, đó là 12 điều cấm được nêu trong Quyết định số 592/QĐ- BGTVT được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành ngày 3/3/2014, quy định những điều mà ban quản lý dự án, công chức, viên chức trực thuộc không được làm. 12 điều cấm mà Bộ GTVT đưa ra, chạm đến hầu hết các lĩnh vực nhạy cảm của một dự án giao thông, từ khâu tổ chức thầu, đến tư vấn thiết kế, giám sát, thi công, nghiệm thu dự án... Có thể coi, đây là đòn điểm huyệt vào vấn nạn tham nhũng trong các công trình, dự án giao thông, mà bấy lâu gây nhức nhối dư luận xã hội.


Xin nêu vài điều cấm đáng chú ý trong quyết định của Bộ GTVT: Các ban quản lý dự án, công chức, viên chức không được lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu. Không đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận trong đấu thầu. Không cử công chức, viên chức trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu, dự án mà người đại diện pháp luật của nhà thầu tham dự thầu là cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột. Không tiết lộ những tài liệu, thông tin yêu cầu bảo mật theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Không che giấu các sai phạm, sự cố xảy ra trong quá trình thi công xây dựng làm ảnh hưởng đến chất lượng và giá thành công trình. Không được sử dụng sai mục đích các nguồn vốn, kinh phí và tài sản dự án...


Các quy định trong Quyết định số 592/QĐ- BGTVT dù đã được đề cập trong các luật, nghị định trước đó, nhưng dư luận đánh giá, nó vẫn hết sức cần thiết ở vào thời điểm các công trình dự án giao thông đang báo động về chất lượng. Có ý kiến cho rằng, các điều nêu trong quy định cấm của Bộ GTVT đã được nhìn nhận từ lâu, nhưng chưa được thực hiện triệt để trong thực tế, thế nên nó vẫn có đất tồn tại và hậu quả ngày một nghiêm trọng. Khi triển khai dự án, khó có thể tránh những cú điện thoại, những cuộc gặp gỡ để đặt vấn đề chọn nhà thầu, mua vật liệu,... do vậy đã tạo ra một môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh trong việc đấu thầu các dự án, công trình giao thông.


Thực tế, có không ít nhà thầu có uy tín đã phải ngậm ngùi thua thầu trước một doanh nghiệp tư nhân nhỏ, nhưng giỏi quan hệ. Hệ quả là hiệu quả đầu tư giảm, công trình chậm tiến độ và chất lượng không đảm bảo, công trình vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp. Xin dẫn chứng, các dự án: Hoàn thiện đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường vành đai 3 - Hà Nội, mặt cầu Thăng Long… đều có vấn đề về chất lượng. Mới đây nhất, cầu Đà Rằng (Phú Yên) - cây cầu dài nhất miền Trung, dù đưa vào sử dụng chưa đầy 10 năm, đã đứng trước nguy cơ bị sập...


Những công trình giao thông kém chất lượng không chỉ làm tổn hao tài sản nhà nước, mà còn làm giảm lòng tin của người dân về năng lực quản lý cũng như việc sử dụng vốn ngân sách đầu tư cho các công trình, dự án giao thông. Điều đáng nói là chưa có đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân nào chịu trách nhiệm trước những biểu hiện kém chất lượng, xuống cấp của các công trình, dự án giao thông. Trong thực tế, có rất nhiều công trình, dự án giao thông đã phải trả giá cho sự lãng phí, mà nguyên nhân là do buông lỏng công tác quản lý.


Với 12 điều cấm vừa được ban hành là thông điệp cho thấy quyết tâm của ngành GTVT trong việc siết chặt công tác quản lý chất lượng các công trình giao thông, chống biểu hiện tiêu cực, thông thầu, “quân xanh quân đỏ” ở các dự án, công trình giao thông mà đã một thời gian dài gây dư luận xấu trong xã hội. Hy vọng, quyết tâm của ngành GTVT sẽ biến thành hành động quyết liệt, không xuê xoa, đánh trống bỏ dùi. Mà một trong những việc cần phải làm ngay đó là phải chỉ ra được những địa chỉ trách nhiệm đối với các công trình, dự án đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí vốn ngân sách.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN