Ứng xử tùy tiện với di tích

Vấn nạn trùng tu, tôn tạo di tích “quá đà”, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích tại một số di tích quốc gia xảy ra trong thời gian gần đây đang làm dư luận bức xúc. Theo các nhà khoa học, chuyên gia về di tích, nguy cơ lớn nhất đối với di tích lịch sử văn hóa hiện nay là: tôn tạo quá đà, xây dựng cơ bản hóa công tác trùng tu, tôn tạo di tích; làm kinh tế bằng di tích hay chính là du lịch hóa di tích. (Xem tiếp trang 2)

1. Cái đáng lo nhất hiện nay là công tác trùng tu, bảo tồn di tích hết sức tùy tiện, đang dần làm mất giá trị khoa học của di tích. Rất nhiều di tích bị sai lệch, thay đổi và mất mát giá trị do tôn tạo, trùng tu tùy tiện như khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), đình Kim Liên, chùa Trấn Quốc, hay thành nhà Mạc thành “lò gạch”. Mới đây nhất, là việc dựng một số bia đá tại khuôn viên di tích đền Trần (Thái Bình). Những bia đá được thiết kế các hoa văn, họa tiết rồng, lá đề, chim thần, hoa cúc dây, sóng nước,… đã sử dụng, copy, chỉnh sửa từ các hoa văn họa tiết thời Lý - Trần tại các di tích và hiện vật khai quật khảo cổ như: Chùa Phật Tích (Bắc Ninh), Chùa Đọi Sơn (Hà Nam), Chùa Thái Lạc (Hưng Yên), Hoàng thành Thăng Long… Tuy nhiên, nội dung các văn bia chưa được nghiên cứu đầy đủ, chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, quy cách trích dẫn, trình bày chưa thống nhất, khoa học, còn nhiều lỗi chính tả; phần dịch sang tiếng Anh có chỗ chưa chính xác...

Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Hưng Hà, số bia đá trên do một số người Thái Bình sinh sống tại nước ngoài đưa về cung tiến. Phải thấy rằng, tình cảm của người dân, đặc biệt là những người con ở xa Tổ quốc mong muốn được cung tiến hiện vật cho di tích là rất đáng trân trọng. Tuy vậy, không thể tùy tiện tiếp nhận hiện vật khi chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ, chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định.

Có không ít bài học cần rút ra từ việc dựng bia đá tại đền Trần. Nhưng bài học lớn hơn cả là việc thiếu trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước đối với di sản. Rõ ràng, cả chính quyền địa phương cũng như cơ quan quản lý di tích, văn hóa đã không làm hết trách nhiệm của mình. Sự việc xảy ra ở đền Trần nếu không được xử lý nghiêm khắc, không quy rõ trách nhiệm, chắc chắn nó sẽ tái diễn và sẽ gây không ít khó khăn trong việc giải quyết hậu quả.

2. Bảo tồn di tích được hiểu cần đảm bảo hai yếu tố là giữ gìn và phát huy giá trị của di tích. Có nghĩa, ngoài việc gìn giữ, bảo quản tốt di tích, cần phải biết khai thác giá trị của di tích, thu được lợi nhuận từ di tích. Nếu không gìn giữ tốt thì không phát huy được giá trị di tích. Ngược lại nếu không phát triển dịch vụ ở di tích, thì sẽ không có nguồn kinh phí để phục vụ công tác tu bổ. Tuy nhiên, việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và khai thác giá trị di tích đang là bài toán khó. Những vướng mắc về cơ chế, cụ thể là cho phép phát triển các dịch vụ phù hợp tại di tích đang là vấn đề cần được giải đáp, nhất là trong bối cảnh nguồn kinh phí nhà nước phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích có hạn. Hẳn nhiều người còn nhớ, cách đây chưa lâu UNESCO từng cảnh báo việc tước danh hiệu của hai di sản thế giới là Cố đô Huế và Vịnh Hạ Long do hai di sản này bị xâm hại. Có lẽ, bản chất của vấn đề chỉ ở mức UNESCO khuyến nghị Việt Nam là cần tăng cường các biện pháp để chống sự xâm hại hai di sản nói trên, đồng thời giải quyết hài hòa giữa việc bảo tồn giá trị gốc với việc khai thác giá trị di sản thế giới nói trên phục vụ phát triển du lịch.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận của cơ quan quản lý văn hóa mới đây cho thấy, rất nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm “lấy di tích nuôi di tích” thông qua hoạt động du lịch. Vấn đề đặt ra, việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa cần đồng hành với hoạt động phát triển du lịch, có sự tham gia của các thành phần kinh tế và cộng đồng xã hội, dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền, của cơ quan quản lý văn hóa. Nếu chỉ bảo tồn mà không chú ý tới khai thác sẽ gây lãng phí tài nguyên, hạn chế việc phát huy giá trị của di tích. Còn nếu chỉ khai thác, mà không chú ý bảo tồn thì sẽ gây hủy hoại di tích, hủy hoại môi trường và nguồn tài nguyên di tích sẽ bị cạn kiệt.

Yến Nhi
Di tích cấp quốc gia đặc biệt 'dài cổ' chờ trùng tu
Di tích cấp quốc gia đặc biệt 'dài cổ' chờ trùng tu

Di tích cấp quốc gia đặc biệt Đền Trần (Nam Định) xuống cấp vẫn "dài cổ" chờ trùng tu không phải là câu chuyện thiếu kinh phí, mà là do cách làm của địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN