Ông Drung Yuir giúp dân ấm no

Người dân làng Klot, xã Kon Gang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai rất yêu thương và kính phục ông Drung Yuir (ảnh) bởi ông đã góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho dân làng.


Cách đây 7 năm, gia đình ông Drung Yuir cũng nghèo khó như bao gia đình khác trong làng. Tuy nhiên, ông đã sớm mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm. Qua tìm hiểu, thấy cây cà phê phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của làng Klot, thu nhập từ cây cà phê không phải là nhỏ và đã "tai nghe mắt thấy" về những hộ làm giàu từ loại cây trồng này; ông Drung Yuir bàn bạc với vợ con và quyết định vay vốn, mượn thêm tiền trong bà con dòng tộc để cải tạo lại vườn đồi, đưa vào trồng cây cà phê. Năm đầu tiên (2008), ông trồng thử 5 sào và thấy có kết quả rõ rệt, cây trồng phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Từ đó ông dần mở rộng diện tích lên gần 2 ha. Đất không phụ công người, đến năm thứ 3 và liên tục những năm kế tiếp, năm nào cũng thu nhập không dưới 50 triệu đồng (đã trừ đi các khoản chi phí). Theo đà phát triển cây cà phê, ông dần từng bước cải tạo lại 5 sào lúa nước 2 vụ có thuận lợi về nguồn nước, đào ao thả cá, nuôi 7 con bò sinh sản.

Điều đáng quý là ông Drung Yui không chỉ làm giàu cho riêng mình mà có tinh thần giúp đỡ cộng đồng vươn lên trong cuộc sống. Ông cùng với già làng đến tận từng nhà để tuyên truyền, vận động bà con mạnh dạn chuyển dịch cây trồng và nhất là cây cà phê. Ông cũng tận tình hướng dẫn lại quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê cho người dân trong làng. Ai có nhu cầu trồng cà phê mà thiếu vốn, vợ chồng ông cho mượn không tính lãi, thậm chí giúp công trồng và chăm sóc. Cây cà phê ở làng Klot ngày càng tăng, trải dài một màu xanh bạt ngàn, khẳng định sự vươn lên ấm no trong cuộc sống. Từ chỗ cả làng có hơn 50% số hộ nghèo vào năm 2010, đến nay giảm xuống còn khoảng 20%.

Ông Drung Yuir chia sẻ: “Tôi đang cùng với già làng thuyết phục, tạo điều kiện thuận lợi để bà con đưa quỹ đất vào trồng cà phê. Những năm tới, gia đình sẽ đầu tư mở rộng, trồng 10 ha cà phê và tiêu, phát triển chăn nuôi đàn bò sinh sản và nhất là đưa bò lai vào thay thế bò cỏ địa phương.

Bài và ảnh: Văn Thông
Già làng tài năng
Già làng tài năng

Già làng Bhríu Pố, thôn A Rớh, xã Lăng, huyện Tây Giang (Quảng Nam) không những tận tụy với việc của cộng đồng mà còn giỏi làm kinh tế từ cây dược liệu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN