Hà Nội giải quyết việc làm cho 64,6 nghìn lao động

Sau đợt dịch COVID-19 kéo dài gây ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng, khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội phá sản và giải thể. Từ đó, kéo theo hậu quả nhiều lao động mất việc làm hoặc việc làm không ổn định, thiếu thu nhập.

Chú thích ảnh
Tháng 4/2023, thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 20 nghìn lao động. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Từ đầu năm 2023 đến nay, nhờ có nhiều giải pháp đồng bộ, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Hàng nghìn doanh nghiệp được thành lập mới. Thêm vào đó, thành phố thu hút mạnh vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và trong nước nên số lao động được giải quyết việc làm tăng cao.

Bên cạnh đó, thành phố đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung tiến độ nhiều công trình, dự án trọng điểm sử dụng ngân sách nhà nước nên số lao động trong lĩnh vực xây dựng giao thông cũng được giải quyết khá lớn.

Tính riêng tháng 4/2023, thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 20 nghìn lao động; trong đó thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho các đối tượng nghèo, đối tượng chính sách vay với số tiền 331 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 6,7 nghìn lao động.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 25 phiên giao dịch việc làm với 761 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 13,4 nghìn người, số lao động được tuyển dụng là hơn 2 nghìn người; số lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác là 11,4 nghìn lao động.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố Hà Nội giải quyết việc làm cho 64,6 nghìn lao động, đạt 39,9% kế hoạch năm. Thành phố đã ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp 21,5 nghìn người với số tiền được hỗ trợ là 620 tỷ đồng; tư vấn giới thiệu việc làm cho 22,4 nghìn người; hỗ trợ học nghề cho 363 người, số tiền hỗ trợ học nghề là 1,6 tỷ đồng.

Thành phố cũng luôn quan tâm phát triển hệ thông đào tạo nghề để người lao động có cơ hội tìm việc tốt hơn. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 304 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; trong đó có 67 trường cao đẳng, 56 trường trung cấp, 36 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Trong 4 tháng đầu năm, thành phố Hà Nội đã tuyển sinh 40,4 nghìn lượt người, đạt 17,6% kế hoạch tuyển sinh năm 2023.

Mảng doanh nghiệp thành lập mới của Thủ đô cũng giải quyết thêm việc làm cho người lao động. Tính chung 4 tháng đầu năm, Hà Nội có 10,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 93,1 nghìn tỷ đồng, giảm 24%; thực hiện thủ tục giải thể cho 1,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 2%; 1.413 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 7%; 11,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 25%; 4,2 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 22%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

Mảng sản xuất công nghiệp trên địa bàn cũng đang thu hút nhiều lao động cho thành phố Hà Nội. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tính tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,1% và tăng 3,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,6% và tăng 3,6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 2% và tăng 12,1%. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8,4%; khai khoáng giảm 8,1%.

Mặc dù lượng lao động được giải quyết việc làm tăng, chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng, nhưng do nhiều nguyên nhân khó khăn của nên kinh tế nói chung khiến lao động việc làm ở lĩnh vực công nghiệp có chiều hướng giảm. 4 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực Nhà nước giảm 2,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 7,1%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 1,4%.

Chia theo ngành kinh tế thì lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo giảm 3,8% (trong đó sản xuất máy móc, thiết bị giảm 16,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 10,9%; sản xuất da và sản phẩm liên quan giảm 10,8%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 10,5%; sản xuất trang phục giảm 7,2%); cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,9%; khai khoáng giảm 7,3%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tương đương với cùng kỳ năm trước.

Thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm cải thiện thủ tục hành chính thu hút đầu tư; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nhiều lĩnh vực như công nghiệp sạch, chế tạo, môi trường, giáo dục, y tế, giao thông, xây dựng… để giải quyết việc làm cho người lao động.

Đồng thời, thành phố đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, khuyến khích các mô hình sản xuất chuyên canh, chất lượng cao, sản phẩm sạch gây được cạnh tranh để nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình sản xuất, đưa sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tới đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài thành phố và tăng cường giới thiệu sản phẩm của các làng nghề truyền thống cho khách du lịch thập phương. Từ những hoạt động này, hàng năm thành phố có hàng vạn người có việc làm, ổn định cuộc sống.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Hàng nghìn sinh viên được tiếp cận việc làm với doanh nghiệp
Hàng nghìn sinh viên được tiếp cận việc làm với doanh nghiệp

Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội tiếp cận với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để tìm việc làm và định hướng việc làm trong tương lai, ngày 26/4,Trường Đại học Phenikaa tổ chức ngày hội hành trình nghề nghiệp và Kết nối việc làm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN