Chi 10 tỉ USD và 10 năm phát triển, vì sao dự án ô tô của Apple bị huỷ bỏ

Trong thập kỷ qua, nhiều nhân viên Apple làm việc trong dự án xe hơi bí mật của công ty với tên gọi nội bộ là Titan, đã đặt cho nó một cái tên khác: Titanic. Họ biết dự án có thể sẽ thất bại.

Chú thích ảnh
Những bất đồng nội bộ về phương hướng phát triển xe hơi của Apple đã khiến nỗ lực này bị trì trệ trong nhiều năm trước khi bị hủy bỏ trong tuần này. Trong ảnh, Giám đốc điều hành Tim Cook giới thiệu về Apple Car năm 2019. Ảnh: Carwow

Trong suốt thời gian tồn tại, nỗ lực sản xuất ô tô của Apple đã bị bỏ rồi khởi động lại nhiều lần, khiến nhiều lãnh đạo bị thay thế và hàng trăm nhân lực bị sa thải. Dự án đã bắt đầu với ý tưởng một chiếc xe điện cạnh tranh với Tesla rồi chuyển thành một chiếc xe tự lái để cạnh tranh với Waymo của Google. Nhưng số phận của nó đã được định đoạt bởi những quan điểm mâu thuẫn nhau của các nhà lãnh đạo.

Vào thời điểm dự án chấm dứt, hôm 27/2, khi các giám đốc điều hành Apple thông báo nội bộ rằng  dự án đã bị hủy bỏ và nhiều thành viên trong nhóm đang được phân công lại để làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, "Táo khuyết" đã đốt hơn 10 tỷ USD cho Apple Car.

Sự sụp đổ của dự án ô tô là minh chứng cho thấy Apple đã phải vật lộn để phát triển sản phẩm mới trong những năm qua, kể từ khi huyền thoại Steve Jobs qua đời vào năm 2011. Nỗ lực này đã trải qua bốn nhà lãnh đạo khác nhau, với nhiều đợt sa thải. Nhưng nó đã trở nên tồi tệ và cuối cùng thất bại, phần lớn là do việc phát triển phần mềm và thuật toán cho một chiếc ô tô có tính năng lái tự động quá khó khăn.

GIA NHẬP CUỘC ĐUA XE TỰ HÀNH

Khi dự án ô tô của Apple được khởi động vào năm 2014, nó tham gia vào cuộc chạy đua của các nhà đầu tư, giám đốc điều hành, kỹ sư và công ty theo đuổi ý tưởng về một chiếc ô tô tự lái. Sau khi Google bắt đầu thử nghiệm các nguyên mẫu trên đường công cộng ở California, khắp Thung lũng Silicon đã lan truyền tiếng nói khẳng định rằng xe tự hành sẽ sớm trở nên phổ biến. Và Apple không muốn bị bỏ lại phía sau.

Vào thời điểm đó, công ty đang đối mặt với nhiều câu hỏi mà các kỹ sư hàng đầu trong dự án mới của họ đưa ra. Họ vừa hoàn thành chiếc Apple Watch, và nhiều kỹ sư đang bồn chồn bắt tay vào làm một thứ gì đó mới. Tim Cook, giám đốc điều hành của Apple, đã phê duyệt dự án ô tô một phần nhằm ngăn chặn tình trạng các kỹ sư bỏ sang Tesla.

Apple cũng cần tìm ra những cách mới để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Công ty đã dự đoán rằng doanh số bán iPhone sẽ chậm lại trong những năm tới. Ô tô là một phần của ngành vận tải trị giá 2 nghìn tỷ USD và có thể giúp ích cho Apple, lúc đó là một doanh nghiệp trị giá gần 200 tỷ USD.

Chú thích ảnh
Apple đã chi hơn 10 tỷ USD và một thập kỷ cho nỗ lực sản xuất ô tô của mình. Ảnh: Wired

RẮC RỐI PHÁT SINH

Theo sáu nhân viên quen thuộc với dự án, mặc dù đã nhận được sự ủng hộ từ giám đốc điều hành của Apple, nhưng các thành viên trong nhóm biết rằng họ đang làm việc chống lại một thực tế khắc nghiệt. Nếu được tung ra thị trường, một chiếc ô tô của Apple có thể sẽ có giá ít nhất 100.000 USD và vẫn tạo ra lợi nhuận rất nhỏ so với điện thoại thông minh và tai nghe. Nó cũng sẽ xuất hiện nhiều năm sau khi Tesla thống trị thị trường.

Công ty đã tổ chức một số cuộc thảo luận với Elon Musk về việc mua lại Tesla. Nhưng cuối cùng, họ quyết định rằng việc sản xuất ô tô riêng sẽ hợp lý hơn là mua và sáp nhập một doanh nghiệp khác.

Những người quen thuộc với dự án cho biết, ngay từ khi bắt đầu, dự án ô tô Apple đã gặp rắc rối bởi những quan điểm khác nhau. Steve Zadesky, nhà lãnh đạo đầu tiên dẫn đầu nỗ lực này, muốn chế tạo một chiếc xe điện cạnh tranh với Tesla. Jony Ive, giám đốc thiết kế của Apple, muốn theo đuổi một chiếc xe tự lái, điều mà các thành viên của nhóm phần mềm cho rằng có thể thực hiện được.

Apple, lúc đó có 155 tỷ USD tiền mặt, đã chi rất nhiều tiền để thuê hàng trăm người có kinh nghiệm về học máy (machine learning), một loại A.I. công nghệ, và các khả năng quan trọng khác để tạo ra một chiếc xe tự lái. Dòng người đổ vào khiến dự án này trở thành một trong những dự án đầu tiên Apple phát triển với rất nhiều người bên ngoài chưa quen với văn hóa của công ty.

Đội ngũ xe hơi Apple, bao gồm hơn 2.000 nhân viên tính đến năm nay, có cả các kỹ sư từng làm việc cho NASA và phát triển xe đua cho Porsche. Nhóm đã phát triển một loạt công nghệ mới, bao gồm kính chắn gió có thể hiển thị hướng dẫn từng chặng và nóc xe làm từ polymer đặc biệt để giảm nhiệt từ mặt trời.

Để thúc đẩy tinh thần và tăng cường vai trò lãnh dạo, các giám đốc điều hành nổi tiếng như ông Ive và người đứng đầu bộ phận kỹ thuật Mac, Bob Mansfield, đã tham gia dự án. Công ty còn mua lại một số công ty khởi nghiệp để gia nhập nhóm xe hơi. Vào năm 2021, để đưa dự án đi đến thành công, Apple đã giao Kevin Lynch, giám đốc điều hành đằng sau chiếc Apple Watch nổi tiếng của hãng, phụ trách mảng ô tô.

Ban đầu, ông Ive và nhóm thiết kế đã lên ý tưởng cho một chiếc ô tô trông giống như một chiếc minivan của châu Âu, như Fiat Multipla 600, có đến 6 cửa sổ và một mái cong. Nó không có vô lăng và sẽ được điều khiển bằng trợ lý ảo Siri của Apple.

Chú thích ảnh
Một ý tưởng về chiếc iCar. Ảnh: Geekinsider

Một ngày nọ, vào mùa thu năm 2015, Ive và Tim Cook gặp nhau tại trụ sở dự án ở Sunnyvale, California để mô tả cách thức hoạt động của chiếc xe. Hai người ngồi vào ghế của một khoang nội thất giống như cabin xe. Bên ngoài, một diễn viên lồng tiếng đọc kịch bản những gì Siri sẽ nói khi họ xuống phố trên chiếc xe tưởng tượng. Ông Ive hỏi Siri họ đã đi qua nhà hàng nào và nam diễn viên đọc câu trả lời.

NHỮNG KHÚC RẼ ĐẦY BỐI RỐI

Nhưng đến năm 2016, rõ ràng nỗ lực sản xuất ô tô đang gặp khó khăn. Ba người quen thuộc với sự thay đổi này cho biết ông Zadesky rời Apple và người kế nhiệm ông, Mansfield, nói với nhóm làm việc trong dự án rằng họ sẽ chuyển trọng tâm từ chế tạo ô tô sang xây dựng phần mềm xe tự lái.

Apple đã nhận được giấy phép từ California để bắt đầu thử nghiệm xe thể thao đa dụng Lexus được trang bị cảm biến và máy tính. Họ đã tổ chức các cuộc thảo luận với các nhà sản xuất ô tô như BMW, Nissan và Mercedes-Benz trước khi đạt được thỏa thuận với Volkswagen về cung cấp xe tải Transporter làm xe đưa đón tự lái trong khuôn viên của Apple.

Thêm hai nhà lãnh đạo nữa đã tiếp quản nỗ lực phát triển ô tô trong những năm sau đó. Doug Field, cựu giám đốc của Tesla, đã sa thải hơn 200 nhân viên trong dự án khi ông nỗ lực xây dựng hệ thống tự lái. Sau đó, người kế nhiệm là Lynch, trong những năm gần đây, đã đảo ngược kế hoạch của công ty và quay trở lại ý tưởng ban đầu là sản xuất xe điện.

DỪNG DỰ ÁN, TẬP TRUNG CHO A.I

Vào đầu năm nay, ban lãnh đạo Apple đã quyết định rằng công ty tốt hơn nên sử dụng thời gian để phát triển A.I. chứ không phải ô tô. Trong một cuộc họp nội bộ hôm 27/2, công ty cho biết một số thành viên của nhóm Dự án Titan sẽ được phân công lại làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Trong các cuộc phỏng vấn vào 28/2 với tờ New York Times, những người làm việc trong dự án đã ca ngợi quyết định ngừng Titan Project, nói rằng công nghệ AI có thể là vô giá đối với tương lai của hoạt động kinh doanh iPhone vốn cực kỳ quan trọng của công ty.

Dự án ô tô đã chết của Apple sẽ được tiếp nối nhờ các công nghệ cơ bản của nó. Theo ba người hiểu về dự án, Apple có kế hoạch áp dụng những gì đã học được về trí tuệ nhân tạo và tự động hóa vào các công nghệ khác đang được nghiên cứu, bao gồm AirPods được hỗ trợ bởi AI, trợ lý robot và thực tế tăng cường.

Mặc dù các kỹ sư làm việc về phần mềm tự động hóa sẽ bắt tay vào làm việc trong các dự án trí tuệ nhân tạo, nhưng những người khác trong nhóm ô tô đã được thông báo rằng họ sẽ cần phải ứng tuyển vào các vai trò khác nhau tại công ty.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo NYT, Insider)
Apple nâng cấp iMessage, sẵn sàng thách thức mọi công nghệ giải mã tin nhắn
Apple nâng cấp iMessage, sẵn sàng thách thức mọi công nghệ giải mã tin nhắn

Apple chuẩn bị nâng cấp nền tảng nhắn tin iMessage để đảm bảo vô hiệu hóa mọi công nghệ giải mã tin nhắn trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN