Những người hùng sau siêu bão Katrina

Cô lập giữa biển nước


Không chỉ nhân viên mà các chỉ huy trong Sở cảnh sát New Orleans cũng tham gia hoạt động cứu nạn bằng thuyền. Đại úy Tim Bayard, chỉ huy đội phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội của sở, đã cùng một nhóm cảnh sát đi tìm người sống sót sau cơn bão. Anh kể lại: “Chỉ toàn nước là nước. Đó là tất cả những gì bạn thấy”. Đội của Bayard đã làm việc đến khi mệt lả. Mỗi khi thuyền của họ vào khu vực ngập lụt, nó lại chở chật kín người dân trong trạng thái hoảng loạn chen chúc nhau, có lúc con thuyền tưởng như không quay ra nổi.


Đưa người dân ra khỏi nhà ngập nước.


Đại úy Robert Norton, chỉ huy đội lặn và đơn vị thủy quân lục chiến, nói: “Chúng tôi biết nước đang dâng lên nhưng tôi không bao giờ hình dung ra mọi thứ tồi tệ đến mức nào cho đến khi ra ngoài và chứng kiến điều đang xảy ra”.


Norton và 100 nhân viên đã tránh bão trong một tòa nhà của trường Đại học bang Louisiana. Sau khi bão đi qua, anh thực sự sốc trước cảnh tượng nhìn thấy: Gió đã lột sạch mái của các ngôi nhà, nhổ bật cột điện thoại và nhấc bổng những cây sồi 200 tuổi khỏi mặt đất. Nước hồ Pontchartrain tràn khắp thành phố và biến khu vực xung quanh thành hồ. Toàn bộ xe cảnh sát đỗ bên ngoài tòa nhà đều “chết đuối” trong dòng nước.


Đội của Norton chỉ còn duy nhất một chiếc thuyền. Anh cùng một nhân viên leo lên và bắt đầu đi tìm người sống sót. Khi mới ra khỏi tòa nhà, họ nhìn thấy một người đàn ông đứng trên nóc ô tô. Anh này đã đứng đó suốt 10 tiếng qua, vật lộn để không bị rơi xuống dòng nước đang dâng cao. Sau khi đưa người thanh niên tới nơi khô ráo, Norton và đồng nghiệp liên tục ra rồi vào vùng ngập, mỗi lần chở theo nhiều người còn sống sót. Họ miệt mài cứu hộ cho đến khi động cơ chiếc thuyền bị kẹt cứng vì vướng nhiều rác rưởi.


Siêu thị Wal-Mart bị cướp phá.


Trong khi đồng nghiệp tìm cách làm sạch động cơ của thuyền, Norton phải bám vào một biển hiệu trên phố để neo chiếc thuyền lại, không cho gió thổi bạt nó vào một gốc cây hay một ngôi nhà nào đó. Động cơ cuối cùng đã hoạt động trở lại nhưng cũng chỉ đủ lâu để hai cảnh sát trở về khu trường đại học. Vậy là họ bị kẹt trên một hoang đảo, không lối ra, không liên lạc.


Norton và 100 cảnh sát đã phải sống 3 ngày trong khu nhà này. Bên ngoài, nước ngập đến cổ. Bên trong không điện, không nước, không đồ ăn. Họ phải cầm cự cho đến khi được một đội thuyền từ Bộ Ngư nghiệp và Động vật hoang dã đi qua và đưa họ đến vùng đất cao.


Tuy nhiên, khi vừa đến được trung tâm chỉ huy tạm thời, Norton và đồng nghiệp đã không kịp nghỉ ngơi mà tiếp tục tỏa đi khắp nơi làm nhiệm vụ cứu nạn.


Chìm trong hỗn loạn


Khi Katrina tràn vào New Orleans, nó mang theo cả một làn sóng hỗn loạn và bạo lực. Sau cơn bão, những kẻ cướp phá ào vào cửa hàng, cửa hiệu ngay giữa ban ngày. Tay lăm lăm súng lấy từ các cửa hàng cầm đồ, chúng càn quét các khu phố, cướp bóc, uy hiếp người dân. Sở cảnh sát bị chúng tấn công. Trực thăng cứu nạn bị bắn. Xe tải cứu hộ bị cướp. Nhà cửa bị đốt cháy. Trong khi đó, các bệnh viện hết nhiên liệu cho máy phát điện, số bệnh nhân tử vong gia tăng. Quang cảnh thành phố không khác gì đống hoang tàn sau một trận chiến long trời lở đất.


Dọc thành phố, người dân bị mắc kẹt vì bão phải bám trụ trong nhà. Nhiều người có súng. Một số người đã dùng sơn để viết những dòng chữ cảnh báo trước nhà và công ty của họ. Trên tường một công ty ở đại lộ St. Charles có dòng chữ rõ ràng: “Những kẻ cướp phá sẽ bị bắn ngay tại chỗ”.


Cơn bão đã dìm New Orleans vào cảnh hỗn loạn vô chính phủ. Những kẻ xấu đã lợi dùng tình hình để gây bất ổn cho thành phố. Ba ngày sau cơn bão, trực thăng của đội bảo vệ quốc gia không thể sơ tán bệnh nhân nặng ra khỏi bệnh viện Charity vì vướng các tay súng bắn tỉa.


Một tuần sau bão, hơn 20.000 người kẹt ở trung tâm hội nghị trong tình trạng không đồ ăn thức uống. Cũng chừng ấy người sống vất vưởng ở trung tâm triển lãm và thể thao Superdome đã bị hư hại nặng. Hàng ngàn người vạ vật bên đường trong cái nắng thiêu đốt của mùa hè.


Một trong những người chịu trách nhiệm khôi phục luật lệ, trật tự và kiểm soát trung tâm hội nghị là đại úy Jeff Winn, chỉ huy đội cảnh sát đặc biệt của Sở cảnh sát New Orleans. Winn cho hay những gì anh chứng kiến ở New Orleans trong những ngày qua không khác gì cảnh tượng cuộc chiến tại Iraq mà anh từng tham gia năm 2003, thậm chí còn tồi tệ hơn.


Tại trung tâm hội nghị, đội của Winn đã phát hiện ba xác chết, một trong số đó bị nhiều vết dao đâm. Thỉnh thoảng Winn lại nghe thấy tiếng súng nổ từ trung tâm hội nghị. Tuy nhiên, khi đội của Winn tới nơi hỗn loạn thì những kẻ nổ súng đã chuồn mất, dù anh vẫn ngửi thấy mùi thuốc súng.


Vài ngày sau bão, đội của Winn nhận được tin tình báo về một nhóm người có vũ khí cướp xe tải chở nước. Tin cho hay nhóm này đang ở một cầu vượt, cướp của người dân khi họ đến xe tải để lấy nước. Bọn chúng còn cưỡng hiếp phụ nữ và giết một người dân chống cự lại. Đội của Winn đã tìm ra thủ phạm khi tên này đang lái chiếc xe tải chở nước và đã đấu súng quyết liệt với tên này. Winn cho biết, đó chỉ là một trong rất nhiều vấn đề mà đội của anh phải xử lý sau cơn bão.

 

(còn tiếp)


Thùy Dương

Những người hùng sau siêu bão Katrina
Những người hùng sau siêu bão Katrina

Cuối tháng 8/2005, cơn bão mang tên Katrina đã tràn qua nước Mỹ, trở thành một trong những thảm họa thiên nhiên có sức tàn phá khủng khiếp nhất trong lịch sử nước này.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN