Thất bại lớn nhất của quân đội Mỹ trên đất Nga

Binh sĩ Mỹ và Nga hiếm khi đối mặt trực tiếp trên chiến trường. Nhưng từng xảy ra một vụ đụng độ đẫm máu nhất giữa hai bên ở thời điểm Mỹ can dự vào cuộc Nội chiến Nga cách đây 1 thế kỷ.

Chú thích ảnh
Mộ binh sĩ Mỹ trên đất Nga. Ảnh: U.S. National Archive

Ngôi làng Nizhnaya Gora ở miền bắc nước Nga sáng 19/1/1919 chìm trong sương mù. Đang ngủ say, binh sĩ Mỹ đồn trú tại đây bỗng phải hứng chịu loạt pháo kích bất ngờ. Lao ra đường phố, binh sĩ Mỹ nhận thấy ở khoảng cách chỉ vài trăm mét, hàng đoàn binh sĩ trong trang phục Hồng quân như vừa chui lên từ lớp tuyết. Đó là thời khắc của một trận chiến quyết định số phận của can thiệp nước ngoài ở miền bắc nước Nga khi nội chiến bắt đầu.

Khởi nguồn cho việc Mỹ, Anh và Pháp đưa quân tới Nga trong thời gian này là việc chính quyền Bolshevik ở Nga ký hiệp ước hòa bình riêng rẽ tại Brest-Litovsk với Đức ngày 3/3/1918, rời khỏi cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất và khép lại Mặt trận phía Đông. Với động thái này, quân Đức có thể tung hết sức mạnh quân sự nhằm vào Pháp – điều mà phe đồng minh cho rằng không được phép xảy ra.

Đây là lý do khiến Mỹ, Anh, Pháp quyết định hỗ trợ vũ khí, vật chất cho Bạch vệ, lực lượng đối đầu với chính quyền Bolshevik. Bạch vệ trước đó từng công khai tuyên bố sẵn sàng đương đầu với Đức, quyết đấu cho tới chiến thắng cuối cùng. Ngoài ra, một lượng vũ khí lớn do quân đồng minh cung cấp cho quân đội Nga đã tập kết ở nhiều cảng của nước này. Nhiệm vụ quan trọng là không để số vũ khí đó rơi vào tay lực lượng vũ trang của chính quyền Bolshevik.

Mùa hè năm 1918, hơn 5.000 binh sĩ Mỹ đổ bộ xuống cảng Arkhangelsk ở miền bắc nước Nga. Cùng thời điểm, khoảng 8.000 binh sĩ Mỹ cũng được điều tới khu vực Viễn Đông Nga, với sứ mệnh đẩy lùi, ngăn chặn yêu sách chủ quyền của một đối thủ địa chính trị mới là Nhật Bản – nước cũng can thiệp vào Nga.

Đến mùa thu năm 1918, quân Bạch vệ - với sự hỗ trợ của lực lượng nước ngoài mà chủ yếu là binh sĩ Mỹ và Canada, đã tiến sâu 300 km từ Arkhangelsk lui tới chiếm đóng thị trấn Shenkursk bên bờ sông Vaga, đột nhập sâu vào khu vực lãnh thổ vốn nằm trong quyền quản lý của những người Bolshevik. Được bao quanh bởi ba lớp hàng rào dây thép gai và nhiều ụ súng máy, pháo, Shenkursk thực sự là trở ngại lớn đối với bất kỳ cuộc tấn công nào.

Nỗ lực tái chiếm Shenkursk của Hồng quân trong mùa thu này không thành công. Kế hoạch đánh chiếm sau đó được lên lịch, dự kiến là vào tháng 1/1919. Lực lượng lĩnh trọng trách lần này được giao cho Sư đoàn bộ binh số 18 thuộc quân đoàn số 6 của quân đội Xô viết. 3.000 binh sĩ của Sư đoàn sẽ đối diện với khoảng 300 lính Mỹ cùng với 900 tay súng Bạch vệ và binh sĩ Canada.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ tập kết để lên đường rời Nga về nước vào tháng 6/1919. Ảnh: U.S. National Archive

Mùa đông khắc nghiệt năm 1919, các đơn vị thuộc Sư đoàn số 18 bí mật áp sát Shenkursk và các khu làng kế cận, nơi có quân Bạch vệ và binh sĩ nước ngoài đóng trú. Ở nền nhiệt độ lạnh sâu tới âm 40 độ C và phải di chuyển xuyên qua lớp tuyết dày, binh sĩ Hồng quân vẫn tài tình kéo được pháo vào trận địa. Để giáng đòn bất ngờ cho đối phương, binh lính Sư đoàn số 18 được lệnh mặc áo khoác trùm ngoài màu trắng, coi đây như lớp ngụy trang, tạo điều kiện để tiến sát đối phương ở khoảng cách khoảng một trăm mét mà không bị phát hiện.

Sự xuất hiện của binh sĩ Hồng quân cùng với pháo hạng nặng ở một khu vực có địa hình tưởng chừng như không thể vượt qua đã khiến đối phương bất ngờ. Tuy nhiên, cũng phải mất năm ngày để quân đội của chính quyền Bolshevik đẩy lui quân Bạch vệ, quân Mỹ và Canada ra khỏi các khu làng và lui về thị trấn.

Cuộc tấn công vào Shenkursk được lên lịch vào ngày 24/1. Đối diện với một cuộc tấn công không mong đợi, quân Bạch vệ là binh sĩ quân đồng minh vội vã tháo chạy khỏi Shenkursk, lui về khu làng Vystavka thông qua một con đường độc đạo vẫn chưa bị Hồng quân chia cắt, phong tỏa.

Làm chủ Shenkursk, Hồng quân thu được 15 khẩu pháo, 60 súng máy và khoảng 2.000 súng trường, cùng với đó là một kho dự trữ lương thực lớn gần như còn nguyên. Thất bại trong chiến dịch Shenkursk khiến quân Bạch vệ và đồng minh nước ngoài mất đi một cứ điểm quan trọng, bị đẩy lùi 90 km về phía bắc.

40 lính Mỹ và Canada mất mạng, hơn 100 người khác bị thương, đó là tổn thất với quân đội nước ngoài, lực lượng thường tìm cách tránh bị cuốn vào đối đầu, thù địch trong cuộc nội chiến giữa quân Bạch vệ và chính quyền Bolshevik ở Nga. Đây là tổn thất lớn, bởi trong toàn bộ 18 tháng đồn trú trên vùng Viễn Đông Nga và Siberia, chỉ có 48 người thiệt mạng, 52 lính bị thương trong số 8.000 binh sĩ thuộc Các Lực lượng viễn chinh Mỹ-Siberia (AEFS).

Thất bại trong trận chiến Shenkursk đã giáng đòn đau vào tâm lý, ý chí chiến đấu của lực lượng can thiệp nước ngoài, gây bất bình trong hàng ngũ binh sĩ trong các đơn vị quân đội của Mỹ, Anh, Pháp – những người không muốn bỏ mạng trong một cuộc chiến không phải là trách nhiệm của họ. Đây cũng là một nhân tố khiến Mỹ và đồng minh phải bắt đầu xem xét nghiêm túc được-mất khi để binh sĩ đồn trú trên lãnh thổ Nga.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo RBTH)
Câu chuyện về lần duy nhất cờ Mỹ treo tại Điện Kremlin
Câu chuyện về lần duy nhất cờ Mỹ treo tại Điện Kremlin

Trong lịch sử tính đến nay, mới chỉ có một lần duy nhất cờ Mỹ phấp phới bay tại Điện Kremlin. Vào năm 1972, lãnh đạo Liên Xô khi đó đã chỉ thị treo quốc kỳ Mỹ tại Điện Kremlin trong 9 ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN