Trận cầu tranh cãi của ĐT Anh trên đất Đức - Kỳ cuối

Đặt chân tới Berlin ngày 12/5/1938, các cầu thủ Anh nhận thức được lần đối đầu này không đơn thuần là một cuộc chơi. Một quan chức đi cùng đọc to những bài báo được dịch ra tiếng Anh khiến họ cảm nhận được sự quan tâm của báo giới Đức về tầm quan trọng của trận cầu. Phần lớn các cầu thủ Anh không quan tâm đến chính trị, cũng chẳng mảy may quan tâm đến việc Đức từng là cừu địch của đất nước họ.


Đội tuyển Anh (trái) thực hiện kiểu chào Đức Quốc xã trong trận đấu tại Berlin năm 1938.


Sáu năm sau trận đấu, đội trưởng đội tuyển Anh lúc đó là Eddie Hapgood nhớ lại rằng ngay từ Olympics 1936 tại Béclin, đoàn vận động viên Anh đã khiến chủ nhà Đức cảm thấy bị xúc phạm vì không chào cờ kiểu Đức Quốc xã lẫn kiểu của phong trào Olympic.


Theo Hapgood, trước trận, hai quan chức Anh, trong đó có tân Tổng thư ký Liên đoàn Stanley Rous, đã đến gặp ông vì họ không chắc chắn về các nghi thức. Ông cho rằng Rous đã đề nghị đội chào cờ theo kiểu Đức Quốc xã, một hành động mà Henderson tán thành. Hapgood phản đối thực hiện bất kỳ điều gì ngoài việc đứng yên khi quốc ca Đức vang lên. Nhưng ông không có nhiều lựa chọn và buộc phải thông báo cho cả đội biết. Trên thực tế, việc Henderson có đưa ra mệnh lệnh về kiểu chào này hay không vẫn còn gây tranh cãi.


Có một điều chắc chắn, Liên đoàn Bóng đá Anh cho rằng hành động chào cờ này không những sẽ bảo đảm cho sự đón tiếp thân thiện của đám đông đang chuyển động theo làn sóng hình chữ thập trên khán đài Béclin mà còn cả của công chúng khắp nước Đức theo dõi qua đài rađiô. Có ý kiến cho rằng quyết định này một phần dựa trên lời khuyên của Henderson để giành lấy sự đồng cảm của Đức, cũng như kinh nghiệm của Rous tại Olympics 1936 về tính nhạy cảm của người Đức với những nghi lễ như vậy.

Chân dung các cầu thủ Anh đã tham dự trận đấu năm 1938


Trong cuốn tự truyện “Thế giới bóng đá” của mình, Rous khẳng định ông đã tới gặp Henderson (người nói với ông rằng kiểu chào này không có nhiều ý nghĩa chính trị) nhưng không ra lệnh thực hiện nó, coi đó chỉ là một cử chỉ lịch sự. Rous quả quyết ông đã để các cầu thủ tự quyết định, mặc dù giải thích rằng quyết định của họ có thể ảnh hưởng đến không khí trên sân vận động. Ông viết: “Tất cả các cầu thủ đều đồng ý không phản đối, và chắc chắn đều coi đó là một điều vui vẻ”.


Trong khi đó, ngôi sao chạy cánh của Anh Stanley Matthews lại nghĩ khác. Trong cuốn “Theo cách nó đã diễn ra”, Matthews cho biết khi một quan chức Liên đoàn bước vào phòng thay đồ để yêu cầu các cầu thủ chào kiểu đó, “phòng thay đồ đã nổ tung. Tất cả các cầu thủ Anh đều tức giận và hoàn toàn phải đối…”. Theo Matthews, vị quan chức này đi ra ngoài và sau đó quay trở lại nói ông có “mệnh lệnh trực tiếp từ Nevile Henderson… đã được Tổng thư ký Liên đoàn Stanley Rous tán thành… Tình hình chính trị giữa Anh và Đức đang nhạy cảm đến mức “chỉ một tia lửa cũng có thể khiến châu Âu bùng cháy”. Trước tối hậu thư này, toàn đội đã phải đồng ý.


Vào ngày 14/5/1938, trận đấu đã diễn ra. Trong nghi lễ trước trận, khi quốc ca Đức vang lên, toàn bộ đội tuyển Anh đã giơ cao tay phải lên phía trước - kiểu chào Đức Quốc xã - hướng về chỗ ngồi của Quốc trưởng, nơi có những nhân vật cấp cao của Đức như Goebbels, Goering, Hess, Ribbentrop và Tshammer und Osten, cũng như cả Henderson. Nhưng Hitler lại không có mặt vì còn bận chuẩn bị cho cuộc xâm lược Tiệp Khắc.


Anh có hai cầu thủ kinh nghiệm là Hapgood và Cliff Bartin, nhưng trong số còn lại không ai đã khoác áo đội tuyển hơn 9 trận, thậm chí Frank Broome và Donald Welsh mới lần đầu thi đấu quốc tế. Đó sẽ lần thử lửa đầu tiên của họ. Đội hình trước trận dường như chứng minh cho sự quả quyết của Hitler về tính vượt trội của người Đức, vì các cầu thủ chủ nhà trông khỏe khoắn và khôn ngoan trái ngược hẳn với những người đồng nghiệp có vẻ ngoài thiếu ấn tượng của Anh.


Nhưng Anh đã chiến thắng 6-3. Màn trình diễn kỷ luật của cả 2 đội, việc không có các va chạm, tác động của hành động chào theo kiểu Đức Quốc xã trước trận và cách Anh giành chiến thắng khiến Henderson hài lòng rằng nó đã “làm hồi sinh uy tín thể thao của Anh ở Đức”. Sau khi nhận được những báo cáo có lợi về cả trận đấu lẫn về tiệc chiêu đãi sau đó của Tshammer und Osten, Bộ Ngoại giao Anh đã ca ngợi màn trình diễn của đội bóng ở Béclin. Vì vậy, chính phủ Anh cảm thấy yêu cầu trước trận đấu đã được hoàn thành rất kỹ càng. Liên đoàn đánh giá cao rằng “trong trận đấu với Đức, mọi thành viên của đội tuyển Anh, ngay cả khi quyết tâm giành chiến thắng, đều nhận ra rằng cách chơi của họ phải phù hợp với truyền thống thể thao tốt đẹp nhất của Anh”.


Đó là một chiến thắng tâm lý về thủ đoạn chính trị, ban đầu đã xoa dịu tranh cãi về hành động chào Hitler của các cầu thủ Anh. Ấn tượng trước cách đội bóng đã thể hiện “vì nước Anh”, Henderson tin rằng những trận đấu thể thao trong tương lai có thể thúc đẩy quan hệ thân mật giữa hai nước. Khía cạnh thể thao rõ ràng là một yếu tố đóng góp vào chính sách xoa dịu để duy trì quan hệ với Đức và nỗ lực kiềm chế nước này. Vì thế chính phủ Anh nhìn nhận trận đấu như một phần của chiến lược tuyên truyền văn hóa, cũng như để ghi điểm trước Đức.


Matthews nhớ lại rằng trước trận, ông và hậu vệ Bert Sproston đã đi dạo và chứng kiến người qua đường cúi mình chào Quốc trưởng khi đoàn xe của Hitler đi qua. Sproston quay sang Matthews và nói: “Stan, tôi chỉ là một anh chàng lao động đến từ Leeds. Tôi chẳng biết gì về chính trị và những thứ tương tự. Tất cả những gì tôi biết là bóng đá. Nhưng theo tôi, gã Hitler này là một kẻ đáng khinh xấu xa”.



Trần Anh

Trận cầu tranh cãi của ĐT Anh trên đất Đức - Kỳ 1
Trận cầu tranh cãi của ĐT Anh trên đất Đức - Kỳ 1

Lịch sử bóng đá Anh có lẽ chưa bao giờ chứng kiến một giây phút đáng hổ thẹn như những gì đã diễn ra vào ngày 14/5/1938.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN