Trung Đông: Đạo Hồi, dầu lửa, chiến tranh, và… - Bài 1

LTS: Trong hàng trăm bức thư gửi về Tòa soạn mỗi tuần, nhiều bạn đọc muốn được tìm hiểu kỹ về khu vực Trung Đông huyền bí, giàu có và chiến tranh liên miên. Đáp ứng nhu cầu ấy, kể từ số này, Tin Tức khởi đăng loạt bài của Phóng viên TTXVN, người đã nhiều năm công tác tại địa bàn này, tới hàng loạt nước Arập, từ Vùng Vịnh đến Bắc Phi, với hy vọng sẽ phần nào giúp các bạn hiểu rõ hơn về vùng đất ấy.

 

Bài 1: Trung Đông, nơi đạo Hồi là máu thịt, là tất cả

 

Có nhiều cách xác định khác nhau về địa lý khu vực Trung Đông, nhưng phần đông đều coi nó là nơi kéo dài từ phần chóp của Tây Nam Á (Iran), quét hết Vùng Vịnh, bán đảo Arập, rồi tràn sang Bắc Phi. Nói cách khác, đây là quê hương của người Arập, của đạo Hồi, còn các dân tộc, tôn giáo khác, như người Ba Tư của Iran, Do Thái của Israel,v.v, hay đạo Thiên chúa, đạo Do Thái, v.v chỉ là... thiểu số.

 

Thế giới của Thánh Allah

 

22 nước Arập cùng với Iran của Trung Đông, nơi có từ 90 đến 98% dân số, tùy theo từng nước, theo đạo Hồi, cộng thêm các quốc gia láng giềng, như Thổ Nhĩ Kỳ, Niger, Nigeria và các nước Tây Phi, bị ”đạo Hồi hoá” từ hàng thế kỷ nay, khiến cả một vùng rộng lớn này của Trái đất luôn được coi là thế giới của Thánh Allah, còn những vùng khác, như Đông Nam Á hay Trung Á, tuy đạo Hồi là quốc đạo của nhiều quốc gia, cũng chỉ được xếp hàng “vệ tinh”.


Hành hương tới Thánh địa Mecca - một niềm tin phải thực hiện trong đời của người Hồi giáo.

 

Ở Trung Đông, các câu “Thánh Allah là Đấng tối cao” và ”Nhân danh Thánh Allah”, được dùng nhiều nhất, được viết trang trọng trên đầu mỗi văn bản, đơn từ; hoặc cắt dán cầu kỳ với đủ kiểu thư pháp tại những nơi công cộng, trên xe hơi, v.v, được nói dõng dạc khi bắt đầu một bài diễn văn, hay chào hỏi khi gặp mặt,v.v. Người Hồi giáo có đức tin cao độ, đến mức kinh ngạc vào Thánh Allah, vào Nhà Tiên tri Mohamed cũng như các Giáo chủ, chả thế mà, sinh thời, khi đưa quân xâm lược Côoét hồi tháng 8/1990, Tổng thống của Irắc lúc bấy giờ Saddam Hussien đã nói rằng đêm trước ông nằm mơ thấy Đấng tối cao chỉ tay về phía ”tỉnh thứ 19” (Kuwait), và thế là cuộc chuyển quân ấy được dân chúng cả nước ủng hộ, không một lời bàn cãi. Và nữa, cách đây hơn 20 năm, khi công tác tại Xyri, tôi tình cờ gặp lại anh bạn thân M. Kassem cùng học ở Liên Xô cũ, được anh cho biết hành nghề bác sĩ như anh dễ lắm, vì dù có mổ nhầm, gây chết bao nhiêu bệnh nhân cũng ”không sao”, do ai cũng tin rằng chết-sống là do Thánh sắp đặt rồi, chứ không phải do lưỡi dao tội lỗi từ những lần nợ thi triền miên khi anh du học. Thế đấy, ở đây thật khó tìm được những người phấn đấu vượt qua số phận, vươn lên làm giàu, v.v, vì với họ, giàu-nghèo, thắng-thua, chức vị và cả sống-chết nữa của mỗi con người, mưa-nắng của trời đất hay được-mất của mùa màng, đều đã được… định sẵn rồi, có tìm cách khắc phục, hay vươn lên cũng chỉ…vô ích. Điều đó lí giải tại sao nơi đây cứ ì ạch mãi, trong khi phần còn lại của thế giới dù đã ngoái cổ lại, vẫn không nhìn thấy bạn chạy, mà việc gì phải chạy, vì có chạy bao nhiêu cũng…thế thôi. Tất nhiên, vẫn có đấy những ai đó rất biết sử dụng đức tin ấy của thiên hạ để làm giàu, để thăng tiến, giữ ghế, rồi bầy cho con cái mình cách tiếp tục ”bịt mắt” người khác nhằm dễ bề thay cha chú.

 

Niềm tin tuyệt đối vào giáo lý của đạo Hồi

 

Người Arập luôn tin tưởng tuyệt đối vào các giáo lý của đạo Hồi, dù có bị đau đến tận xương tủy hay đổi mạng sống của mình vì sự bất tử của đạo giáo ấy, cũng… không ngại. Thế nên, với các bé gái, ngày “hạnh phúc nhất” là hôm ông lang vườn cắt thủ công phần nhạy cảm nhất của bộ phận sinh dục, mặc dù nhiều người đã chết do thiếu vệ sinh từ hủ tục này. Nhưng không sao, phải cắt thứ ấy đi để khi lớn lên mới cạn kiệt ham muốn dục vọng, mới chỉ biết cùng tối đa ba bà khác “để mắt” đến ông chồng chung duy nhất của “chúng mình”, ngoài ra, không ai khác, ngay cả trong ý nghĩ. Thế nên, mới có những ông bố cầm dao cắt cổ con gái mình, hoặc ném hòn đá đầu tiên vào đầu con gái, hoặc chị, em mình, hay vợ mình cho đến chết do có tính “trăng hoa”. Thế nên, khi dự đám cưới, bạn phải ngồi chờ chú rể công bố “kết quả” của lần ân ái đầu tiên, nếu “OK”, tất cả cùng hò reo, nâng cốc… nước ngọt hoặc trà (người Hồi giáo không dùng rượu bia), kết thúc cuộc vui, còn ngược lại, cô dâu bị dè bỉu và “tống” ngay về nhà mẹ đẻ. Thế nên, mới có những buổi đại tiệc, tiễn người đi làm “sứ mệnh cao cả” (đánh bom liều chết), giết kẻ chiếm đất, làm ô bẩn chốn linh thiêng của đạo Hồi. Và, thế nên mới có những người bị xử tử vắng mặt, hoặc sứ quán của nước nào đấy bị đốt trụi, chỉ vì nước ấy có ai đó dám phỉ báng Đấng Tiên tri bằng những bức vẽ, hoặc bài viết, v.v.

 

Không gì có thể làm suy chuyển 5 niềm tin mãnh liệt của người Hồi giáo, đó là: Thánh Allah; Cầu nguyện; Làm bố thí; Nhịn ăn, uống, hút thuốc và sinh hoạt vợ chồng khi còn Mặt trời trong suốt tháng lễ Ramadan (Tháng thứ Chín theo lịch Hồi giáo); và Hành hương tới Thánh địa Mecca ở Arập Xêút ít nhất một lần trong đời người. Và, cũng không ai có thể làm cho người Hồi giáo sao nhãng những điều cấm kị, như gian dâm, cờ bạc, đồ uống có cồn, thịt lợn và thịt của các loài vật ăn thịt sống,v.v. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng thời gian trôi đi, thế giới đang đổi thay, văn hóa bị pha trộn, khiến đây đó ở các nước Hồi giáo đã bắt đầu nẩy sinh tệ nạn, nhất là trong lớp trẻ, với những cuộc tình vụng trộm, những ổ tiêm chích, trộm cắp,v.v, tuy không nhiều, nhưng đang làm đau đầu giới tu hành. Theo kết quả một cuộc điều tra, chỉ riêng ở Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), có tới 70% các tin nhắn qua điện thoại di động của giới trẻ, liên quan tới tình dục; còn tại một số nước khác, đã có những thiếu nữ Hồi giáo muốn được khoe cả ba số đo bằng cách bỏ áo choàng, hoặc khoác tay, làm nũng bạn khác giới trước thanh thiên bạch nhật, v.v,.

 

Đượm buồn khi nói về những “bụi bặm” ấy, một tín đồ cao tuổi người Ai Cập tươi tỉnh hẳn lên khi khẳng định với chúng tôi rằng người Arập cổ đại đã xây được Kim Tự tháp, Vườn treo Babilon, Ngọn đèn hải đăng Alexandria, và đã sản sinh ra đạo Hồi, không có lí gì không bảo vệ được tôn giáo ấy trước mọi biến động của lịch sử, thời gian hay sức công phá của con người. Tôi cũng tin như thế, vì hàng ngày đang được tận mắt chứng kiến rất nhiều cách thể hiện đức tin mãnh liệt của các tín đồ Hồi giáo nơi đây.

 

Phạm Phú Phúc (P/v TTXVN tại Trung Đông)


Kỳ sau: “Những đứa con hư” của dầu lửa Trung Đông

Trung Đông: Đạo Hồi, dầu lửa, chiến tranh, và… - Bài 2
Trung Đông: Đạo Hồi, dầu lửa, chiến tranh, và… - Bài 2

Trong những thứ đặc trưng của Trung Đông, dầu lửa luôn đứng hàng nhất nhì, vì trong tổng trữ lượng khoảng 1.150 tỉ thùng dầu của thế giới hiện nay, khu vực này chiếm tới 3/4, với Arập Xêút: 264 tỉ thùng; Iran: 131 tỉ thùng; Irắc: 115 tỉ thùng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN