MAVEN đi vào quỹ đạo sao Hỏa

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo ngày 21/9, tàu thăm dò vũ trụ không người lái MAVEN đã bắt đầu bay trên quỹ đạo sao Hỏa sau khi thực hiện hành trình xuyên không kéo dài 10 tháng.

Hình mô phỏng MAVEN bay trên quỹ đạo của sao Hỏa. Ảnh: NASA


Theo giới chức NASA, từ nay, MAVEN sẽ bước vào giai đoạn bay thử nghiệm trên quỹ đạo sao Hỏa trong 6 tuần trước khi bắt đầu dự án nghiên cứu bầu khí quyển hành tinh Đỏ trong vòng một năm.

Khác với các sứ mệnh trước đây của NASA, dự án MAVEN - trị giá 671 triệu USD - không nhắm vào việc nghiên cứu bề mặt khô cứng của sao Hỏa mà chủ yếu tìm hiểu những bí ẩn ở thượng tầng khí quyển chưa từng được nghiên cứu trước đây. Theo các nhà nghiên cứu, hành tinh láng giềng của Trái Đất này đã trải qua một sự biến đổi khí hậu lớn trong quá khứ và MAVEN muốn tìm ra bằng chứng về giả thuyết đó.

Với nhiệm vụ tìm hiểu nguyên nhân khiến bầu khí quyển sao Hỏa quá lạnh và mỏng, không thể giữ nước tồn tại ở dạng lỏng, tàu MAVEN sẽ bay quanh hành tinh này ở độ cao 6.000km và thực hiện 5 lần hạ xuống độ cao cách bề mặt hành tinh chỉ 125,5 km để nghiên cứu môi trường bầu khí quyển ở các độ cao khác nhau.

MAVEN là tàu thăm dò vũ trụ thứ 10 trong chương trình thám hiểm không gian đầy tham vọng của NASA, bao gồm nhiều tàu thăm dò vũ trụ và xe tự hành được phóng tới sao Hỏa để thu thập dữ liệu, dọn đường cho sứ mệnh đưa con người bay đến hành tinh này vào khoảng năm 2030.

Hiện tàu thăm dò vũ trụ Curiosity của NASA cũng đang nghiên cứu đất đá trên sao Hỏa để tìm bằng chứng về sự sống ở hành tinh Đỏ nhiều tỷ năm trước đây.


TTXVN/Tin tức

Bước tiến lớn của khoa học vũ trụ Nhật Bản
Bước tiến lớn của khoa học vũ trụ Nhật Bản

Nhật Bản bắt đầu xây dựng và phát triển công nghệ vũ trụ từ những năm 1970 bằng sự ra đời của Trung tâm vũ trụ Tsukuba. Tại đây hiện có 1.565 công trình sư và kỹ sư thường xuyên làm việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN