Australia đánh giá TPP là "một thắng lợi lớn"

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tuyên bố Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa đạt được giữa 12 quốc gia sau 5 năm đàm phán là "một thắng lợi lớn" đối với Australia.


Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, phát biểu với báo giới sáng 6/10, ông Turnbull cho rằng TPP sẽ "đặt nền móng vững chắc cho sự thịnh vượng trong tương lai của Australia, tạo thêm nhiều việc làm trong nước, đồng thời mang lại sự đổi mới và cạnh tranh khắp khu vực".

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Australia Andrew Robb cho rằng hiệp định mang lại nhiều lợi ích mới cho "Xứ sở Chuột túi", đồng thời đánh dấu kỷ nguyên mới về tăng trưởng kinh tế và có thêm cơ hội kinh doanh trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tăng trưởng nhanh chóng.

Các rào cản thuế quan được khai thông với việc giảm hơn 98% thuế xuất nhập khẩu đổi với các nước tham gia TPP và có thêm nhiều thị trường mới mở cửa. Nông dân sẽ được cắt giảm mạnh thuế trong các lĩnh vực như thịt bò, các sản phẩm sữa, rượu vang, đường, gạo, rau quả và hải sản ở một số thị trường. Các nhà sản xuất thịt bò sẽ được hưởng lợi khi thuế cắt giảm thêm 9% và lần đầu tiên trong nhiều thập kỉ các nhà sản xuất lúa gạo sẽ có thể tăng sản lượng bán tại Nhật Bản. Những người trồng mía sẽ tăng gấp đôi sản lượng đường xuất đi thị trường Mỹ. Theo Bộ trưởng Robb, TPP sẽ "đóng góp to lớn không chỉ đối với sự ổn định thương mại mà cả sự ổn định và hòa bình trong khu vực".

Nhật Bản thành lập ủy ban đánh giá tác động của TPP

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp tại New York ngày 29/9, trước khi bước vào đàm phán TPP. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 6/10 cũng đánh giá việc đạt được đồng thuận về TPP là một thành công, song cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt gồm toàn bộ thành viên của Nội các, nhằm xem xét những tác động tiêu cực của hiệp định TPP đối với kinh tế trong nước trong tương lai. Theo các điều khoản TPP, Nhật Bản buộc phải giảm thuế nông nghiệp để đổi lấy những lợi ích kinh tế khác. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh tới lĩnh vực nông nghiệp Nhật Bản.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ và liên minh cầm quyền Nhật Bản đã lập tức bắt tay vào công tác chuẩn bị để trình Quốc hội thông qua hiệp định TPP. Tuy nhiên, báo chí Nhật Bản nhận định do đàm phán hiệp định kéo dài hơn dự kiến, cùng với tình hình phức tạp hiện nay trên chính trường Nhật Bản, hiệp định TPP có thể chưa được Quốc hội thông qua trong năm 2015.

Phiên họp thường kỳ của Quốc hội Nhật Bản trong năm 2015 đã chấm dứt. Để có thể thông qua hiệp định TPP trong năm 2015, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe có thể sẽ tính tới việc triệu tập phiên họp đặc biệt, có thể vào đầu tháng 11, song do đàm phán dự kiến kết thúc vào tháng 7 đã kéo sang tháng 10, khiến Chính phủ Nhật Bản gặp khó khăn trong việc chuẩn bị các tài liệu cần thiết để trình Quốc hội. Ngoài ra, nhiều vấn đề ưu tiên khác dự kiến được đưa ra nếu triệu tập phiên họp đặc biệt của quốc hội cũng như tại phiên họp thường kỳ vào giữa tháng 1/2016, bao gồm vấn đề dự toán ngân sách bổ sung tài khóa 2015 và dự toán ngân sách tài khóa 2016, hoặc các dự luật Tư pháp sửa đổi... Vì vậy, nhiều khả năng Quốc hội chỉ có thời gian xem xét TPP từ tháng 4/2016.

Ngay sau khi đạt được thỏa thuận về TPP ngày 5/10, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed đã bày tỏ tin tưởng rằng hiệp định này sẽ giúp Malaysia "thúc đẩy thương mại và đầu tư, đồng thời giảm nhẹ các thách thức khi hội nhập thị trường kinh tế thế giới". Theo đó, Malaysia sẽ tiếp cận các thị trường khác dễ dàng hơn và thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng là thế mạnh của nước này như dầu cọ, cao su và đồ điện tử.

Bộ Thương mại Trung Quốc nhận định rằng TPP là một trong những thỏa thuận thương mại tự do chủ chốt đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo bộ trên, Trung Quốc để ngỏ cánh cửa đối với mọi cơ chế tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và có khả năng tăng cường sự hội nhập kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc hy vọng rằng hiệp định TPP cũng như các thỏa thuận thương mại tự do khác có thể thúc đẩy lẫn nhau và góp phần vào sự tăng trưởng thương mại, đầu tư và kinh tế của khu vực này.

Cùng ngày, Chính phủ Hàn Quốc đã hoan nghênh việc 12 nước đạt được thỏa thuận về TPP, đồng thời tuyên bố Seoul sẽ nỗ lực tham gia hiệp định này ngay khi nào có thể.

Tuyên bố của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nhận định TPP sẽ góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa và dịch vụ cũng như đầu tư trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cuối năm 2013 Hàn Quốc đã chính thức bày tỏ quan tâm tới TPP nhưng không tham gia được vòng thương lượng đầu tiên và như vậy sẽ phải tham gia hiệp định này trong đợt hai.

TPP là hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử, chiếm tới 40% nền kinh tế thương mại toàn cầu. TPP có 12 nước tham gia đàm phán, gồm Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Theo quy định, sau khi được ký kết, văn kiện này cần nhận được sự phê chuẩn của chính phủ và quốc hội các nước thành viên để có hiệu lực.

TTXVN/Tin Tức
Những dấu mốc chính trong lộ trình đàm phán TPP
Những dấu mốc chính trong lộ trình đàm phán TPP

Một số dấu mốc chính trong lộ trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN