Báo chí đồng hành với chương trình phục hồi kinh tế

Hệ lụy của dịch COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng của những biến động địa chính trị, kinh tế - xã hội thế giới đã khiến cộng đồng doanh nghiệp lao đao. Trong bối cảnh này, báo chí đã đồng hành, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, đồng thời tuyên truyền kịp thời các chính sách tài khóa, tiền tệ trong việc hỗ trợ quá trình hồi phục nền kinh tế.

Chú thích ảnh
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, ông Phan Đức Hiếu trả lời báo giới về tình hình kinh tế Việt Nam.

Lan tỏa chính sách, phản ánh nhanh vướng mắc

Nhà báo Lê Thanh, báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Báo chí đã đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trong đó chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) được dư luận đặc biệt quan tâm”.

Ngay sau khi có Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/ NĐ-CP quy định chính sách giảm 2% thuế VAT.

Khi triển khai Nghị định 15, Bộ Tài chính đã nhận được phản ánh của một số Cục Thuế, doanh nghiệp và cơ quan báo chí về những vướng mắc quy định tại khoản 4 Điều 1 của Nghị định về việc lập hóa đơn riêng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế VAT. Theo nhà báo Lê Thanh, những bất cập của quy định này đã làm tăng chi phí khá nhiều của doanh nghiệp... Từ phản ánh của báo chí, cơ quan quản lý đã có chỉnh sửa kịp thời để hiệu quả chính sách được lan tỏa hơn. 

Không chỉ phản ánh “sức khỏe” của doanh nghiệp, báo chí còn vào cuộc cùng với Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) để khảo sát tình hình doanh nghiệp và đưa ra một số đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo đó, Ban IV đã phối hợp cùng Báo điện tử VnExpress khảo sát trực tuyến với gần 9.560 doanh nghiệp để đánh giá bức tranh hiện trạng cùng các triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2023. Nhiều tờ báo còn dành cả trang hoặc lập chuyên mục để phản ánh khó khăn cụ thể từ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, chuyên gia phân tích, thậm chí cả luật sư để có những góc nhìn chân thực nhất.

Từ phản ánh của báo chí, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng đã lên tiếng tại Nghị trường về sự khổ sở của doanh nghiệp khi phải “đi xin, chạy” các thủ tục hành chính.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Đậu Huy Sáu, Phó Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết: “Báo chí đã làm rất tốt về mặt tạo ra thông tin để dư luận xã hội cũng như người dân hiểu rõ hơn về thực trạng, khó khăn của nền kinh tế; những chính sách khi triển khai đã tác động ra sao để cơ quan quản lý có những quyết sách kịp thời. Khi làm chính sách, ngoài việc thực hiện tuyên truyền, cơ quan quản lý cũng cần phải lĩnh hội các ý kiến phản biện từ các cơ quan báo chí”.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh bày tỏ mong muốn: Báo chí sẽ tiếp tục gắn kết, đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp phát triển nền kinh tế số, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Cùng với đó, báo chí tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động, hỗ trợ doanh nghiệp gây dựng uy tín, tiến tới hội nhập toàn cầu.

“Trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, báo chí truyền thông sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân. Có thể nói ‘đồng cam cộng khổ’ là cách mà báo chí và doanh nghiệp cần thực hiện nhất lúc này để cùng nhau vượt qua khó khăn và phát triển”, ông Mạc Quốc Anh kỳ vọng.

Nguồn tin giúp báo chí "nuôi dưỡng" đề tài

Để có các bài viết sắc sảo, phản ánh chân thực các khía cạnh của mọi mặt đời sống, kinh tế, không thể không kể tới sự đóng góp thông tin của các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam, để từ đó Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành có những giải pháp hiệu quả hơn trong quá trình phục hồi nền kinh tế.

Thông qua báo chí, PGS. TS Trần Đình Thiên cũng đã chỉ ra những bất cập về tốc độ giải ngân của các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau giai đoạn dịch theo Nghị quyết 43 của Quốc hội có quy mô gần 350.000 tỷ đồng còn quá chậm; việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách Nhà nước với 40.000 tỷ đồng không hiệu quả. Đặc biệt, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ì ạch đã làm giảm tác động tích cực vào nền kinh tế...

Từ phản ánh của báo chí, cơ quan quản lý đã có chỉnh sửa kịp thời để hiệu quả chính sách được lan tỏa hơn. 

Ví dụ, đối với gói lãi suất 2%, không chỉ PGS TS Trần Đình Thiên hiến kế giải pháp khác hiệu quả hơn mà nhiều chuyên gia kinh tế cũng đề xuất nên chuyển nguồn chi từ gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm chưa giải ngân hết sang hỗ trợ bằng hình thức khác như: Miễn giảm thuế, phí, lệ phí để cứu doanh nghiệp, hỗ trợ người dân ngay bởi cuối năm 2023 sẽ kết thúc chương trình.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) được “làng báo” đánh giá là một trong những chuyên gia tài chính “mở lòng nhất” cũng nêu hàng loạt giải pháp cho mục tiêu tăng trưởng từ nay tới cuối năm, đó là phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để có thể chi tiêu hơn 700.000 tỷ đồng theo đúng kế hoạch, từ đó tạo ra động lực, nhu cầu hàng hóa, thúc đẩy các ngành nghề trong nền kinh tế tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ.

“Để đảm bảo được việc chi tiêu ngân sách Nhà nước (NSNN) một cách đồng bộ, nhịp nhàng, đảm bảo các cân đối, nếu NSNN phải phát hành trái phiếu để bù đắp thâm hụt, cần phải tính toán cho hợp lý để đảm bảo chi phí vay nợ ở mức phù hợp, đảm bảo khả năng nợ trong nước, nợ nước ngoài nằm trong chiều hướng tốt và mức vay nợ, trả nợ nằm trong giới hạn khống chế.

Điều quan trọng cần phải thực thi, đó là kiểm tra, giám sát, cũng như đẩy mạnh nguồn thu cho NSNN, chống thất thu, chuyển giá, thực thi tốt cải cách các chính sách thuế, từ đó tạo cơ hội tốt nhất cho việc tăng nguồn thu, phòng chống thất thoát, cũng như thu đúng, thu đủ với các ngành nghề, khu vực trong nền kinh tế”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Hương - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng ABBank:

Ngân hàng được ví là mạch máu của nền kinh tế, bất cứ điều gì diễn ra trong nền kinh tế đều tác động trực tiếp, nhanh và mạnh đến hoạt động ngân hàng. Do đó, những thông tin mà ngân hàng thường xuyên phải theo dõi, cập nhật qua các phương tiện báo chí rất đa dạng, rất rộng, rất sâu, gồm cả thông tin ở tầng vĩ mô và cả thông tin vi mô, cả thông tin trong nước và quốc tế.

Nhưng có thể nói những thông tin quan trọng nhất là những thông tin về các chính sách kinh tế vĩ mô như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách thương mại, đầu tư do những chính sách này sẽ tác đông trực tiếp đến lãi suất, tỷ giá và dòng vốn trong nền kinh tế. Những cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT, Nghị định của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, Nghị quyết của Chính phủ về chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ dộng thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, hay Thông tư của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ,… cũng là những thông tin rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới khách hàng và được ABBank quan tâm theo dõi để kịp thời có những quyết định kinh doanh.

Báo chí luôn là một kênh truyền thông quan trọng và chính thống, truyền tải thông tin chính xác và kịp thời về mọi lĩnh vực trong đời sống tới công chúng. Vì vậy, ngay cả khi chưa kịp nhận được những văn bản chính thức từ các cơ quan quản lý, nhưng ngân hàng vẫn có thể dựa trên những thông tin được đăng tải trên các kênh truyền hình, đài, báo chính thống để kịp thời triển khai thực hiện.
Bài và ảnh: PV/Báo Tin tức
Báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân
Báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân

Sáng 20/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tuần ba tháng 6 năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN