Cầu Cao Lãnh kết nối đôi bờ - Bài 1: Thúc đẩy phát triển kinh tế

Cuối tháng 5/2018, cầu Cao Lãnh - cầu dây văng nằm trong dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông đã nối liền đôi bờ sông Tiền, nối liền địa phận TP Cao Lãnh với huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp).

Cùng với các công trình trong dự án, Cầu Cao Lãnh hoàn thành và đưa vào sử dụng, mang trong mình "trọng trách" hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ, kết nối thông suốt trung  tâm đồng bằng sông Cửu Long với các vùng miền trong cả nước. Từ đó đánh thức các tiềm năng sẵn có của địa phương, thúc đẩy vào sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng đồng bằng rộng lớn, đưa vùng đất “chín rồng” phát triển theo một tầm vóc mới.

Bài 1: Thúc đẩy phát triển kinh tế


Cầu Cao Lãnh đã chính thức đi vào hoạt động, điểm thắt giao thông của vùng dần được tháo gỡ, hai bờ sông Tiền đã kết nối thông thương, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được rộng mở, thông suốt. Đây là điều kiện khai thác thế và lực vốn  còn rất tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội của vùng đất sen hồng nói riêng, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Cầu Cao Lãnh trong những ngày đầu vận hành. Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Cầu Cao Lãnh được khởi công xây dựng vào tháng 10/2013. Đây là cây cầu lớn thứ 2 (sau cầu Vàm Cống) trong dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mê Kong, được xây dựng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với kinh phí 145 triệu USD (tương đương 3.038 tỷ đồng). Cầu có tổng chiều dài toàn tuyến là 2.014m, nhịp chính dài 350 m, bề rộng mặt cầu 24,5 m, chiều cao thông thuyền 37,5 mét, trụ tháp hình chữ H bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, cao 123,4 m, cầu có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; vận tốc thiết kế 80 km/h.

Sau gần 5 năm thi công, cầu Cao Lãnh được đưa vào khai thác trong sự phấn khởi của nhân dân Đồng Tháp cũng như người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bà Bùi Thị Tấm, ngụ phường 3, thành phố Cao Lãnh vui mừng bày tỏ, không thể ngờ, Đồng Tháp lại có cây cầu sừng sững, quy mô và đẹp như thế này. Mong ước, qua sông không luỵ phà của người dân đã trở nên hiện thực.

Năm nay đã ngoài 70 tuổi, ông Lê Quang Hồng ở xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh cho biết, mặc dù, khi xây dựng cầu Cao Lãnh, gia đình phải mất hơn 4.000 m2 đất sản xuất, nhưng đổi lại, giao thông thuận tiện hơn rất nhiều. Trước kia, đường đi chỉ là con đường mòn, vận chuyển hàng hoá rất khó khăn, chưa kể phải vận chuyển bằng xuồng, phà, rất bất tiện. Bây giờ, di chuyển đã dễ dàng hơn rất nhiều.

Không chỉ người dân địa phương vui mừng mà đối với các doanh nghiệp, tài xế vận chuyển hàng hoá trên địa bàn cũng phấn khởi không kém. Thường xuyên chở trái cây từ huyện Lai Vung về chợ Cao Lãnh tiêu thụ, anh Mai Văn Tuấn cho biết, so với việc qua phà, "bon bon" trên cầu nhanh và tiết kiệm chi phí hơn nhiều, thuận lợi cho việc kết nối giao thương hàng hoá giữa nông dân và thị trường.

Cầu Cao Lãnh cùng với cầu Vàm Cống kết nối với tuyến lộ N2 (đường Hồ Chí Minh) hiện hữu và tuyến Lộ Tẻ - rạch Sỏi sẽ hình thành 1 trục dọc thứ 2 ở phía Tây quốc lộ 1A từ TP Hồ Chí Minh nối đi các tỉnh Tây Nam bộ, tháo gỡ nút thắt giao thông liên vùng, giúp người dân rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương. Riêng đối với Đồng Tháp, đây là công trình nối liền sông Tiền, giúp tỉnh thoát khỏi cảnh chia cách Nam sông, Bắc sông. Vì vậy, cầu Cao Lãnh không chỉ là niềm tự hào mà còn là "đòn bẩy" của vùng đất sen hồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cho biết, cầu Cao Lãnh chính thức đưa vào sử dụng, nối nhịp bờ vui, hiện thực hoá giấc mơ từ bao đời nay của người dân Đồng bằng Sông Cửu Long. Đặc biệt, đất sen hồng Đồng Tháp xoá dần lời nguyền “khuất nẻo”, giao thông cách trở khó khăn.

Thêm vào đó, để tiếp tục đồng bộ hệ thống giao thông trên địa bàn, địa phương đang triển khai đầu tư tuyến đường ĐT.852B giai đoạn 2 và các tuyến đường theo quy hoạch kết nối với cầu Cao Lãnh và các tuyến đường Quốc lộ N2, Quốc lộ 30. Mục tiêu của của Đồng Tháp hướng đến là tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá, thúc đẩy giao thương khu vực nội - ngoại tỉnh. Qua đó, từng bước hoàn thiện hệ thống logistics, thu hút đầu tư, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, về du lịch...

Có mặt trong thời điểm lịch sử khánh thành cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Cầu Vàm Cống, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận xét, vùng đồng bằng sông Cửu Long có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam với nhiều lợi thế để phát triển kinh tế trong đất liền cũng kinh tế.

Đây là một trung tâm sản xuất lương thực và thực phẩm không những đáp ứng nhu cầu của cả nước mà còn đáp ứng yêu cầu cho xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực và thế giới. Vì vậy, việc đầu tư và phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát huy hết tiềm năng và lợi thế của vùng là một yêu cầu hết sức bức bách và rất cần thiết.

Phó Thủ tướng khẳng định, cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống là công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực sông Cửu Long cũng như góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh về kinh tế đối với cả nước, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng, cuốc sống của người dân. Đặc biệt, cầu giúp giảm ùn tắc giao thông, chia sẻ giao thông với các tuyến đường khác trong khu vực.

Bài 2: Niềm vui lan toả

Chương Đài (TTXVN)
Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền trước ngày cán đích
Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền trước ngày cán đích

Dự án trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long - cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền thuộc địa phận TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đang đếm ngược từng ngày chờ lệnh thông xe, dự kiến váo tháng 12 này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN