Doanh nghiệp nhà nước tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, tại diễn đàn Quốc hội cũng như ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế gần đây đã bày tỏ sự sốt ruột và thúc giục khi tốc độ tái cơ cấu DNNN vẫn chậm trễ và hiệu quả chưa cao do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhưng việc triển khai thực hiện lại chưa được suôn sẻ bởi nhiều nguyên nhân.

 

Bài 1: Không ít vướng mắc Từ bài toán sắp xếp nhân sự


Công ty Than Hạ Long là một trong đơn vị đầu tiên của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinaconmin) triển khai thực hiện tái cơ cấu theo hướng tinh gọn bộ máy tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Khu vực tuyển than tại khai trường mỏ than Khánh Hòa (Thái Nguyên) thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.


Ông Vũ Văn Điền - Giám đốc Công ty Than Hạ Long cho biết, việc tái cơ cấu về tổ chức và nhân sự giúp củng cố, hoàn thiện bộ máy tổ chức theo hướng gọn nhẹ hơn sẽ tạo thuận lợi cho công tác điều hành, chỉ đạo. Tuy nhiên, khó khăn nhất là vấn đề xử lý lao động sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động. Trước thời điểm chuyển đổi, tổng số lao động của công ty là 4.986 người. Sau khi chuyển đổi, mặc dù số lao động dôi dư lên tới 107 người nhưng không có ai xin tự chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu việc xử lý, sắp xếp nhân sự sau chuyển đổi không thỏa đáng thì có thể bị sốc, thậm chí anh em có tâm lý bị mất chức, mất việc, gâyảnh hưởng đến cả hoạt động sản xuất. Để xử lý số lao động này cần có lộ trình chuyển đổi cho đến hết năm 2015 và cần kinh phí xử lý lên tới 7,5 tỷ đồng.


Cùng triển khai tái cơ cấu DN, ông Dương Quang Lai, Tổng Giám đốc Công ty Than Uông Bí cũng cho biết: Khi cơ cấu lại hoạt động, Công ty sẽ thừa ra một số lượng lớn lao động gián tiếp, các cán bộ quản lý gồm các giám đốc, phó giám đốc các công ty con, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ quản lý cấp phòng... “Việc bố trí việc làm phù hợp với chuyên môn, cống hiến của đội ngũ này sẽ vô cùng khó. Bởi họ vốn là các cán bộ quản lý cấp công ty, những người có năng lực và phấn đấu tốt, nay chuyển đổi theo mô hình mới họ bỗng nhiên ‘mất chức’ thất nghiệp”, ông Dương Quang Lai trăn trở.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, để triển khai tái cơ cấu theo quyết định đã được Thủ tướng phê duyệt, Tập đoàn đang tổ chức sắp xếp lại các đơn vị sản xuất than, cơ khí, phụ trợ theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối. Tuy nhiên, chỉ riêng việc bố trí, sắp xếp và xử lý các vấn đề về lao động dôi dư đã là một bài toán khó.


Đến áp lực thoái vốn đầu tư ngoài ngành


Một khó khăn khác nổi lên trong vấn đề tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế là vấn đề thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Bộ Tài chính đặt ra thời hạn đến năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT)nhà nước phải thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành.


Ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết: “Giai đoạn 2006 - 2010, PVN phát triển mô hình tập đoàn đa ngành: tài chính - công nghiệp - thương mại, số lượng đơn vị thành viên tăng mạnh. Tuy nhiên, theo Đề án tái cấu trúc của Tập đoàn trong giai đoạn tiếp theo đã được Thủ tướng phê duyệt từ 5/1/2013, PVN không phát triển đa ngành nghề mà tập trung vào 5 lĩnh vực chính, gồm tìm kiếm thăm dò khai thác đầu khí, lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao. Do đó, để thực hiện tái cơ cấu, PVN phải sắp xếp lại các doanh nghiệp, giảm đầu mối, sẽ cổ phần hóa toàn bộ Tổng công ty, công ty, chỉ trừ Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí vì liên quan đến tài nguyên…”. Mặc dù vậy, theo ông Phùng Đình Thực, việc thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính đang gặp nhiều khó khăn. “Đặc biệt, với các DN đang thua lỗ thì thoái vốn vào thời điểm này là không thể”, ông Thực nói.


Hàng loạt các “ông lớn” đã chót đầu tư khủng vào các lĩnh vực đầu tư nhạy cảm như ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản đang bị vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Báo cáo mới đây của Ban chỉ đạo tái cơ cấu DNNN Bộ Công Thương cho biết: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới hoàn thành việc chuyển nhượng 1 triệu cổ phần tại Công ty CP bảo hiểm Toàn Cầu (GIC) sang Công ty International ERGO, giảm tỉ lệ sở hữu của EVN từ 22,5% xuống còn 20%, thu về 26 tỉ đồng. Nhưng số vốn góp tại Ngân hàng CP An Bình, Công ty chứng khoán An Bình và các DN thuộc lĩnh vực bất động sản thì gần như giậm chân tại chỗ. Ngay với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) việc thoái vốn tại Ngân hàng SHB, Công ty Cổ phần SHB, Công ty CP đầu tư phát triển Khu kinh tế Hải Hà cũng chỉ tiến hành thủ tục kiểm kê, định giá tài sản để chuyển nhượng, mà chưa thể chuyển nhượng. Việc thoái vốn đang ngày càng khó vì thị trường bất động sản, chứng khoán, hoạt động ngân hàng đang ảm đạm.


Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Ttrung uơng, một trong những vướng mắc trong việc thoái vốn của DNNN là phải thay đổi tư duy. Ông cho rằng thoái vốn không chỉ là cắt lỗ, giảm lỗ mà phải là giải pháp sử dụng cơ chế thị trường để phần bổ lại nguồn lực làm sống lại một phần nguồn lực đang chết trong sự quản lý của một số DNNN để đưa chúng quay lại sản xuất.

 

T.Hường

 

Bài 2: Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhìn từ EVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN