Doanh nghiệp vận tải “đánh tiếng” tăng giá cước

Trước quyết định tăng giá xăng dầu, các doanh nghiệp vận tải đã đánh tiếng sẽ tăng giá cước để bù lỗ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc tăng giá xăng dù công khai, nhưng chưa minh bạch.


Áp lực giáp Tết


Ngay sau khi nhận được thông tin giá xăng dầu tăng thêm gần 600 đồng/lít, trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết: Nhiều doanh nghiệp vận tải bất ngờ và bức xúc trước quyết định này. Nếu không điều chỉnh tăng giá cước theo giá xăng, các doanh nghiệp sẽ phải bù lỗ chi phí vận tải. Điều này tác động trực tiếp đến doanh thu của doanh nghiệp.

 

Giá xăng tăng, các doanh nghiệp taxi cũng dự định tăng giá cước.CTV


Theo ông Nguyễn Văn Thanh, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% giá thành vận tải, nên việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng rất nhiều đến giá thành vận tải. Các doanh nghiệp hiện đang phải gồng gánh nhiều chi phí. Thời điểm giáp Tết, vận tải hành khách bằng taxi, đường dài chủ yếu chạy chiều đi, chiều về chạy không. Còn các doanh nghiệp vận tải hàng hóa phải chạy liên tục ngày đêm, nếu không tăng giá cước, doanh nghiệp lấy đâu tiền trả lương lái xe và chi phí tăng thêm. Tuy nhiên, việc tăng giá cước vận tải cũng không dễ, vì các doanh nghiệp phải xin phép các cơ quan chức năng.


Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên thì cho rằng: Việc Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ, mức thu phí đối với các phương tiện tăng từ ngày 1/1/2014 đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải như ngồi trên đống lửa. Phí tăng này cộng thêm giá xăng dầu tăng, tùy từng doanh nghiệp sẽ có điều chỉnh giá cước hợp lý. Doanh nghiệp nào trước đây chưa kịp tăng giá cước theo giá xăng thì đến thời điểm này buộc phải tăng giá cước. Thực tế, các doanh nghiệp muốn tăng giá cước không đơn giản vì trình tự, thủ tục phức tạp, phải đăng ký giá vé mới, thu hồi vé cũ, rồi phát hành vé mới, niêm yết bảng tính cước mới...


Ở góc độ doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh, Giám đốc Công ty Vận tải du lịch thương mại Hùng Cúc Nguyễn Văn Hưng khẳng định: Áp lực lớn cho doanh nghiệp hiện nay là giá xăng, giá dầu diesel tăng vào dịp giáp Tết. Sau khi giá xăng tăng, buộc doanh nghiệp phải tính đến phương án tăng giá cước vận tải, mức tăng có thể từ 10 - 15%.


Ở TP Hồ Chí Minh, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố cho biết: Sau khi có thông tin giá xăng tăng, một số doanh nghiệp vận tải hàng hóa trên địa bàn thành phố phải tăng giá cước vận tải. Tuy nhiên, mức tăng bao nhiêu thì phụ thuộc vào doanh nghiệp đó thương lượng với khách hàng. Bên cạnh đó, việc tăng giá xăng dầu càng khiến cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa gánh thêm nhiều khó khăn. Trong năm 2013, tình hình kinh tế khó khăn, ngành vận tải cũng không tránh khỏi áp lực. Hiện có nhiều doanh nghiệp đang chịu áp lực trả nợ vay ngân hàng.


Theo thông tin từ Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh, hiện chưa có hãng taxi nào kiến nghị tăng giá cước. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành taxi Vinasun, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh Tạ Long Hỷ nhìn nhận: Năm 2013, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp taxi gặp rất nhiều khó khăn, vì chi phí đầu vào tăng cao. Ngoài phí bảo trì đường bộ, thì lương tối thiểu cũng đã tăng lên. Do đó, không ngoại trừ phương án các doanh nghiệp taxi sẽ tăng giá cước trong thời gian tới.


Doanh nghiệp vận tải ở thế bị động


Nhiều doanh nghiệp vận tải, nhất là các doanh nghiệp taxi phân trần: Mỗi lần tăng giá xăng là một lần các doanh nghiệp bị động vì chuyện điều chỉnh giá cước vận tải. Không điều chỉnh thì lo bù lỗ, mà điều chỉnh thì lại sợ mất khách.


Ông Đoàn Việt Hà, Giám đốc Hãng taxi Trung Việt cho biết: Doanh nghiệp mỗi lần muốn điều chỉnh giá cước phải có đơn gửi các ngành giao thông, tài chính, thuế và phải chờ bảy ngày theo quy định. Nếu các cơ quan này không có ý kiến thì coi như chấp nhận phương án tăng giá của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn phải “vất vả” kiểm định đồng hồ tính cước, kẹp lại chì đồng hồ, thuê thợ kỹ thuật để lắp đặt lại đồng hồ, thay đổi bảng giá cước dán trên xe. Chi phí dán mỗi bảng giá cước mới mất 10.000 đồng/chiếc, mỗi xe dán 3 - 5 cái, nên khá tốn kém...


Ông Nguyễn Văn Thanh nhận định: Ngành vận tải hiện nay liên tục phải chịu sức ép từ các đợt điều chỉnh giá xăng dầu. Trong nhiều cuộc hội thảo về điều hành giá xăng dầu thời gian qua, hiệp hội đã không ít lần đề xuất các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và cơ quan hữu quan phải giữ bình ổn giá ít nhất từ ba tháng trở lên, để các đơn vị vận tải có thời gian xoay xở, chủ động kinh doanh.


Đây không phải là lần đầu tiên việc tăng giá xăng dầu khiến các doanh nghiệp phản ứng, đánh tiếng tăng giá cước. Chỉ trong vòng 6 tháng cuối năm 2013, giá xăng dầu đã lên xuống tới 4 lần, đẩy các doanh nghiệp vận tải vào thế bị động trong kinh doanh.


Tiến Hiếu - Anh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN