Doanh nghiệp vẫn than khó tiếp cận vốn

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) năm 2014 diễn ra ở Hà Nội ngày 28/4, đại diện cộng đồng DN kiến nghị, do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn nên cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay và có thêm nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là diễn biến lạm phát giảm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã điều chỉnh giảm mạnh lãi suất điều hành, trần lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, lãi suất huy động giảm 8-10%, lãi suất cho vay giảm 9-12% so với thời điểm năm 2012. Thậm chí, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với một số lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ cũng giảm từ 15%/năm xuống còn 8%/năm.

Tuy nhiên, theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV), khó khăn nhất với DNNVV vẫn là tiếp cận vốn vay. “Hiện, các ngân hàng hiện nay rất thận trọng cho DNNVV vay, thủ tục cho vay ngày càng khắt khe, các doanh nghiệp mới thành lập càng khó khăn khi vay vốn, chính sách bảo lãnh cho SME càng khó khăn... Hơn nữa, mặt bằng lãi suất ngân hàng còn cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp…”, ông Nam nói.


Ông Thái Tuấn Chi, Tổng giám đốc tập đoàn Thái Tuấn cũng cho rằng, Chính phủ đã tháo gõ khó khăn bằng việc giảm lãi vay cho DN, qua đó giúp DN hạ giá thành để cạnh tranh. Tuy nhiên, để phát triển, DN cần sự hỗ trợ mở rộng đầu tư. Trong khi năng lực vốn của DN còn yếu nên rất cần sự hỗ trợ đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn với lãi suất thấp và ổn định.


Chính sách về tín dụng cũng là 1 trong 8 kiến nghị chính mà ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thay mặt cộng đồng DN đề xuất với Chính phủ: “Chúng tôi đề nghị cần được tiếp tục tháo gỡ chính sách về tín dụng theo hướng cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng cho doanh DN”


Theo ông Vũ Tiến Lộc, thời gian qua, Chính phủ đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát, đồng thời các ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất cho vay.Lãi suất đã xuống tương đối thấp trong tương quan với mức lạm phát kỳ vọng (đặc biệt là các chương trình cho vay ưu đãi).Tuy nhiên, do chưa xử lý được vấn đề nợ xấu và điều kiện cho vay còn ngặt nghèo, nên nhiều DN vẫn không thể tiếp cận được vốn ngân hàng và nhất là không thể tiếp cận được với mức lãi suất quy định vì phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức.


Ông Vũ Tiến Lộc đề đề nghị cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức cho vay mới như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, phát triển hình thức bảo lãnh tín dụng qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và mạng lưới quỹ bảo lãnh tín dụng cần được tổ chức ở tất cả các cấp, mở rộng hình thức cho vay tín chấp, cho vay theo dự án sản xuất kinh doanh chứ không chỉ dựa vào tài sản thế chấp, khẩn trương đưa quỹ phát triển DNNVV vào hoạt động. Chính phủ cũng cần cân nhắc các kế hoạch phát hành trái phiếu để tạo áp lực buộc các ngân hàng phải tìm biện pháp đẩy mạnh cho vay đối với khu vực DN. Khuyến khích các ngân hàng thương mại dành tỷ lệ tín dụng thích đáng cho vay đối với khu vực DNNVV.


Trả lời kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Thống đốcNgân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là diễn biến lạm phát, NHNN đã điều chỉnh giảm mạnh lãi suất điều hành, trần lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, lãi suất huy động giảm 8-10%, lãi suất cho vay giảm 9-12% (trong năm 2012 giảm 6 – 9%/năm, năm 2013 giảm từ 3- 5%/năm, 3 tháng đầu năm 2014 tiếp tục giảm 0,5-1%). Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với một số lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ cũng giảm từ 15%/năm xuống còn 8%/năm.


Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, nếu có điều kiện thuận lợi, từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ giảm tiếp mặt bằng lãi suất cho vay của các loại kỳ hạn để cả năm 2014 sẽ giảm từ 1,5-2%; tỷ giá cũng ổn định đến cuối năm, nếu có điều chỉnh cũng không quá 2%. Thanh khoản của ngân hàng đang rất tốt không chỉ đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, kể cả khi sức cầu về vốn kinh tế tăng lên.

Thu Hường – Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN