Giải quyết khó khăn, vướng mắc của ngành đường sắt

Ngày 4/11, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản 8080/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của ngành đường sắt.

Chú thích ảnh
 Công nhân Đội Quản lý đường sắt Tuy Hòa (Phú Yên) duy tu bão dưỡng tuyến đường sắt qua thành phố. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Về Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư (Đề án), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại các văn bản nêu trên, hoàn thiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ.

Về các kiến nghị khác của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương xem xét, xử lý; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể: Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2018/NĐ-CP ngày 16/1/2018 để bổ sung ngành, nghề kinh doanh quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (giữ nguyên quy định tại Điều 61, Điều 62 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 11/2018/NĐ-CP); xem xét, xử lý kiến nghị về việc phê duyệt và giao kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội.  

Bộ Tài chính xem xét, xử lý các kiến nghị về việc: Mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trực tiếp liên quan đến chạy tàu; giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; cho phép các dự án đóng mới đầu máy, toa xe đường sắt được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa các công ty vận tải đường sắt; miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuê sử dụng đất của các doanh nghiệp vận tải đường sắt.

Bộ Công Thương xem xét, xử lý kiến nghị về việc bổ sung các sản phẩm lắp ráp, chế tạo đầu máy, toa xe vào danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể về việc ưu đãi, hỗ trợ trong việc sử dụng đất dành cho đường sắt quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Đường sắt và bổ sung quy định này trong Luật Đất đai sửa đổi.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, xử lý kiến nghị về việc giãn tiến độ trả nợ, giảm lãi suất vay ngân hàng cho các dự án đầu tư của các công ty vận tải đường sắt.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, xử lý kiến nghị về việc cung cấp gói hỗ trợ khẩn cấp cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các chính sách hỗ trợ người lao động.  

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đường sắt đi qua thực hiện bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt theo Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải đường sắt theo đúng quy định.

V.T/Báo Tin tức
Vốn quy hoạch đường sắt giai đoạn 2021 – 2030 cần 240.000 tỷ đồng
Vốn quy hoạch đường sắt giai đoạn 2021 – 2030 cần 240.000 tỷ đồng

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa công bố Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý là tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành Đường sắt khoảng 240.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13% toàn ngành Giao thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN