Giày da truyền thống vẫn chỉ đi quanh làng

Đã hơn 13 giờ, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thái, làng Giẽ Thượng, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) vẫn cặm cụi bôi xi, sơn bóng cho đống giày ngổn ngang giữa nhà.

Theo anh Thái, bình thường thì giờ này gia đình đóng cửa nghỉ trưa, nhưng có đợt hàng gấp phải gửi xe về Hà Nội nên hôm nay làm thông. “Làm công ăn lương vất vả mà thu nhập thấp lắm anh ạ. Như vợ chồng em đây, công việc đơn giản, ngày công chỉ đạt 100.000 đồng/người. Nếu có vốn, em sẽ đi buôn nguyên liệu...”, anh Thái cho biết. 

Thợ gia công sốt sắng


Làng nghề làm giày da truyền thống Phú Yên gồm hai thôn Giẽ Thượng và Giẽ Hạ. Nhà anh Thái ở thôn Giẽ Thượng, gia đình hiện có ba người, gồm vợ chồng anh và bố đẻ cùng làm nghề truyền thống.

Theo chị Nguyễn Thị Nga (vợ anh Thái), nghề làm giày da chỉ đắt hàng vào mùa rét, khi đó, đại lý các tỉnh đổ về, khách mua lẻ cũng tấp nập về làng. Những lúc đó, cả ba người trong gia đình phải làm cật lực từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm mới hết việc. Bù lại là thu nhập cao, được 300.000 đồng/người/ngày. “Nhưng giai đoạn đắt hàng đó cũng chỉ được 3 tháng cuối năm. Đến những tháng hè, giày tiêu thụ chậm, làng nghề hầu như không có việc. Những người làm gia công, dịch vụ như chúng em lại ngồi chơi, chán lắm anh ạ. Chẳng biết làm gì đó để có thu nhập tốt hơn” - chị Nga than thở.

Chị Nguyễn Thị Nga, thôn Giẽ Thượng đang hoàn thiện khâu đánh bóng để chuẩn bị đóng giày thành phẩm vào hộp.

Ở đầu thôn Giẽ Hạ, vợ chồng anh Nguyễn Văn Biên, do có kỹ thuật gò mũi giày, nên thu nhập công lao động cao hơn gia đình anh Thái. Chị Nguyễn Thị Vân (vợ anh Biên) cho biết, ngày nào cũng vậy, hai vợ chồng làm từ hơn 7 giờ sáng đến 11 - 12 giờ đêm mới nghỉ. Sáng ra, anh Biên đi trả hàng cho các chủ, đồng thời nhận việc về làm. Có tay nghề kỹ thuật như vậy và làm suốt từ sáng đến đêm khuya, cả hai vợ chồng có thu nhập 400.000 đồng/ngày. Không bằng lòng với thu nhập của mình, chị Vân cho biết, nếu có vốn sẽ đi nhập nguyên liệu giày da về bán cho các cơ sở sản xuất, vì buôn nguyên liệu cho thu nhập tốt hơn làm nghề. “Em chưa rõ % lợi nhuận từ việc buôn nguyên liệu là bao nhiêu, nhưng mấy năm rồi đi làm thuê, thấy các chủ buôn nguyên liệu họ giàu nhanh lắm”, chị Vân nói.

Ở làng nghề Phú Yên, xưởng giày da Túc Hồng nằm ở đầu thôn Giẽ Thượng được xem là một trong những hộ sản xuất giày có quy mô lớn. Khao khát xây dựng một xưởng sản xuất quy mô công nghiệp, cách đây 5 năm, anh Nguyễn Văn Túc đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua các loại máy sản xuất, như máy khâu giày, máy ép vào đế, máy in, máy mài, đánh bóng... Tuy nhiên, mua xong máy móc mới tá hỏa là mình chưa có khả năng tổ chức sản xuất, sắp xếp nhân sự, quản lý tài chính... Loay hoay đã mấy năm nay mà anh Túc vẫn chưa đưa được dàn máy móc hiện đại vào sản xuất. “Tôi biết chứ, đưa máy công nghiệp vào sản xuất sẽ tăng sản lượng, giá thành sản xuất gia công giày của mình thấp sẽ nhận được nhiều hợp đồng gia công của các chủ lớn trong làng. Nhưng quả thật là tôi vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu. Tập trung vào dựng xưởng thì lại không quản lý được 20 thợ kỹ thuật hàng ngày...”, anh Túc chia sẻ.

Chuyện của gia đình anh Thái, anh Biên hay anh Túc cũng là chuyện của hầu hết các gia đình, các hộ sản xuất, kinh doanh giày da ở làng nghề truyền thống làm giày da Phú Yên. Theo ông Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hội Da giày Phú Yên, do lực lượng kỹ thuật và cả làm thương mại của làng phát triển do sự chuyển đổi nghề của các hộ từ làm nông chuyển sang làm nghề và kinh doanh. Theo đó, việc chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới của nước ngoài về làng còn rất nhiều hạn chế. “Chưa nói đến sự sáng tạo, ngay độ mở trong tư duy để sẵn sàng tiếp nhận công nghệ, tư duy sản xuất lớn của những chủ lớn ở làng cũng còn chưa sẵn sàng. Chính vì thế, tuy đã có danh là làng nghề nổi tiếng gần trăm năm tuổi, giày Phú Yên vẫn chưa trở thành thương hiệu “xịn”, ông Đức cho hay.

Chủ “an phận thủ thường”

Ngồi trên chiếc phản được xếp bằng những ván gỗ, bên phải là chiếc tivi, bên trái là chiếc bàn làm việc, ông Nguyễn Văn Muôn, chủ cửa hiệu cung cấp nguyên liệu làm giày (khuy, lót, đế giày, hóa chất...) ở đầu thôn Giẽ Hạ, rung đùi ngồi ngóng khách.

Cửa hàng cung cấp nguyên liệu giày của ông Muôn đã khá quen khách, nên nguyên liệu làm giày của cửa hàng chẳng cần bày biện. Tất cả được đóng bao tải để giữa nhà hoặc cho vào túi ni lông xếp trên giá bày hàng. Khách đến mua thì cứ việc tìm, lục lọi, xong thì ra bàn ông kiểm đếm và viết phiếu thanh toán.

Ông Muôn cho biết, là người gốc của làng Phú Yên, nhưng ở tuổi thanh niên ông lên các chợ ở Hà Nội như Bắc Qua, Hàng Da, Đồng Xuân... buôn bán. Đến những năm 1990 - 1992, nghề làm giày da ở làng phát triển thì ông quay lại mở cửa hàng cung cấp nguyên liệu giày cho làng nghề. Do sớm làm chủ cung cấp nguyên liệu nên gia đình cũng có tích lũy. Cho đến nay, trong làng có khoảng 10 nhà cung cấp nguyên liệu như ông. Chia sẻ câu chuyện không còn tích cực chăm chút cửa hàng để trở thành chủ cung cấp nguyên liệu lớn nhất làng, ông Muôn cười: “Mình già rồi, con cái cũng lo cho trưởng thành rồi. Giờ chỉ còn hai ông bà già, đủ ăn là được, cố gắng làm gì nữa cho mệt!”. Rồi ông cho hay, muốn tìm hiểu các chủ lớn của làng, cứ tìm nhà Khải Bổng, Quan Nhạn, Kiên Trâm, Duyên Vui, Thảo Hương...

Hỏi chuyện từ các chủ buôn nguyên liệu, kinh doanh giày đến thợ làm giày, ai cũng cho biết, ông bà chủ Khải Bổng là chủ cung cấp nguyên liệu lớn nhất làng nghề Phú Yên. Trong câu chuyện trao đổi, bà Nguyễn Thị Bổng cho biết, gia đình là hậu duệ của cụ Nguyễn Mạc (cụ tổ nghề của làng). Biết bí quyết nghề và cũng đã từng mong muốn có xưởng sản xuất giày da quy mô lớn, thương hiệu riêng, nhưng bà Bổng cho hay, gia đình không có người nên phải chịu. Công việc hàng ngày của bà chủ Bổng là ngồi tại văn phòng chỉ đạo việc nhập và cung cấp nguyên phụ liệu làm giày da.

Trao đổi chủ đề sản xuất lớn thương hiệu giày Phú Yên, anh Nguyễn Văn Túc (chủ hộ sản xuất kinh doanh giày Túc Hồng) cho rằng cái “khó đang bó cái khôn”. Khó nhất là thị trường quá nhỏ, mỗi mẫu giày không thể sản xuất hàng trăm, hàng nghìn đôi mà chỉ sản xuất vài chục đôi/đợt. Khi hết hàng mới sản xuất tiếp. Nếu sản xuất nhiều, không bán được sẽ lỗ. “Nói thật là, từ trước đây cả nhà làm nông nghiệp, giờ có nhà xưởng đàng hoàng, công nhân mấy chục người, sản xuất thì đủ việc. Thế cũng là ổn rồi!”, anh Túc chia sẻ.

Không muốn làm thương hiệu riêng

Chia sẻ câu chuyện vì sao thợ làm giày da Phú Yên không muốn có thương hiệu riêng, bà Bổng (chủ hộ kinh doanh Khải Bổng) cho hay: “Làm thương hiệu riêng sẽ khó bán giày”.

Theo bà Bổng, chuyện sản xuất và kinh doanh giày ở làng nghề đã phân vai, ai có việc nấy. Các chủ sản xuất và kinh doanh lớn như bà Bổng thì đảm nhận khâu vừa là nhà cung cấp nguyên liệu da vừa cung cấp giày thành phẩm cho các cửa hiệu kinh doanh tại làng. Những hộ kinh doanh lớn như bà Bổng, do có điều kiện nên nhập nguyên liệu da giày quy mô lớn, chọn mẫu giày và giao cho cho hàng trăm thợ sản xuất trong làng. Với những hộ có nhà mặt phố nhưng không có vốn lớn, thì mở cửa hàng bán giày và chuyên “nhặt” giày đẹp, mẫu mã mới (thường là tên nhái, tên tây) của các chủ sản xuất lớn trong làng về bày bán lại. “Với những hộ đăng ký thương hiệu giày, sản xuất giày có tên riêng của gia đình, chủ các cửa hàng kinh doanh giày sẽ không “nhặt” về bán. Nhiều hộ đã từng sản xuất giày với thương hiệu của gia đình, nhưng sau thấy khó bán nên đã phải sản xuất hàng đại trà. Đây là nguyên nhân chính khiến các hộ sản xuất giày không còn mặn mà làm giày thương hiệu riêng”, bà Bổng cho hay.

Ông Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hội Da giày Phú Yên thừa nhận, những năm gần đây, hội đã nỗ lực đưa chuyên gia nước ngoài về làng nghề để chuyển giao công nghệ, kỹ thuật làm giày kiểu mới nhưng vẫn còn ít người quan tâm. Muốn làm giày có thương hiệu để tiến tới có thể xuất khẩu thì thợ giày phải có kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng ở làng nghề Phú Xuyên, hầu hết thợ giày có nghề là do cha truyền, con nối. Năm 2007, do có kinh phí nên hội đã mời một chuyên gia giày của Italy về làng đào tạo. Nhưng năm sau không còn kinh phí nên chương trình đứt đoạn. Bên cạnh đó, tâm lý các hộ sản xuất giày ở làng là thỏa mãn, bằng lòng với kỹ thuật gia truyền, không cần sáng tạo. Do rất ít người quan tâm, nên 5 năm lại đây, hội mới mở được 3 lớp đào tạo kỹ thuật đóng giày và 5 lớp nâng cao với 30 người/lớp.

Ông Đức cũng kể lại một câu chuyện khá đáng tiếc: Mới đây, hội phối hợp với Viện Da giày Trung ương mời một tập đoàn quốc tế - thương hiệu nổi tiếng về giày da, về làng giới thiệu bộ phần mềm dữ liệu thiết kế giày công nghệ 3D. Trong bộ dữ liệu này, có sẵn hàng nghìn thiết kế mẫu giày hiện đại. Phần mềm cũng hỗ trợ hiệu quả việc thiết kế, sáng tạo các mẫu giày mới tiêu chuẩn quốc tế. Giá của bộ phần mềm này chỉ 200 triệu đồng, nhưng đáng tiếc là không chủ lớn nào ở làng nghề dám mua.

Không nản lòng, ông Đức cho hay, Hội Da giày Phú Yên vẫn đang phối hợp chặt chẽ với Viện Da giày Trung ương trong việc tìm mọi cách đưa kỹ thuật, công nghệ làm giày da hiện đại vào làng nghề Phú Yên. Bởi để sản xuất ra loại giày thủ công, chất lượng cao thương hiệu Việt tiêu chuẩn quốc tế, thì không đâu phù hợp hơn làng nghề Phú Yên. Do đó, từ nay đến cuối năm, hội đang có ý tưởng góp vốn của hội với Viện Da giày cùng bỏ tiền mua bộ dữ liệu thiết kế giày nói trên. “Khi đã làm chủ khâu thiết kế các mẫu giày thời trang và quy trình sản xuất tiêu chuẩn giày đẳng cấp quốc tế, giày Phú Yên mới có thương hiệu, giá trị, công thợ của làng nghề mới cao. Người Phú Yên có mới yên tâm với nghề mới có thể tâm huyết sản xuất ra loại giày có thể xuất khẩu”, ông Đức nói.

Làng nghề da giày Phú Yên hiện có 2 công ty và 485 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, với trên 2.000 lao động, đảm nhận hoàn chỉnh các khâu trong quá trình sản xuất giày da, từ cắt may da, thiết kế, tạo khuôn, đến gò giày... Mỗi năm Phú Yên sản xuất ra từ 6 đến 7 triệu đôi giày, doanh thu xấp xỉ 50 - 60 tỷ đồng.
Bài và ảnh: P.V
Bảo đảm sinh kế bằng nghề truyền thống
Bảo đảm sinh kế bằng nghề truyền thống

Đối với đồng bào dân tộc Khmer, Chăm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, việc tiếp tục duy trì, phát triển nghề truyền thống là một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng. Bởi đó là sinh kế và còn là cách để gìn giữ nét đẹp, chiều sâu văn hóa giàu bản sắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN