Hậu Giang: Sớm xác định nguyên nhân khiến lúa nhiễm mặn bất thường

Theo phản ánh của nhiều hộ dân ở ấp 9, xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), nhiều diện tích đất trồng lúa của họ bị tình trạng nhiễm mặn bất thường.

Chú thích ảnh
Diện tích lúa Hè Thu 2024 dọc cao tốc bị chết do nhiễm mặn. Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN

Tình trạng nhiễm mặn gây thiệt hại vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 vừa qua và kéo dài đến nay, vụ lúa Hè Thu 2024. Phần diện tích này nằm ven dự án thành phần Hậu Giang – Cà Mau (thuộc công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam, phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ – Cà Mau).

Trao đổi với phóng viên, các hộ dân này cho biết: vụ Đông Xuân 2023 - 2024, họ xuống giống theo lịch gieo sạ vào tháng 11/2023. Lúa phát triển tốt được khoảng 45 – 50 ngày thì cây lúa bắt đầu bị đỏ dần và chết bụi. Đến vụ Hè Thu 2024 này, tình trạng lúa chết vẫn diễn ra tương tự.

Theo các hộ dân, thời điểm họ xuống giống lúa Đông Xuân 2023 - 2024 cũng là lúc đơn vị thi công bơm cát làm đường cao tốc. Phần diện tích bị thiệt hại nằm dọc theo tuyến đường đang thi công.

Ông Đỗ Văn Quyên, ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy kể: Vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, khi mới xuống giống khoảng 1 tháng, lúa phát triển tốt. Đến lúc cây lúa khoảng 45 – 50 ngày tuổi, đơn vị thi công bơm cát san lấp công trình cao tốc, lúa bắt đầu bị đỏ và chết dần từng bụi, diện tích thiệt hại khoảng 2.200 m2.

Cùng gặp tình trạng này, ông Nguyễn Trường Sơn, ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy cho biết, ông xuống giống 2.800 m2, bị thiệt hại 70%.

Trước tình trạng lúa Đông Xuân bị thiệt hại, ngày 15/3/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khảo sát hiện trạng, tiến hành kiểm tra lượng nước còn trong ruộng lúa bị ảnh hưởng tại ấp 9, xã Vị Thắng bằng máy đo mặn.

Kết quả ghi nhận nồng độ mặn là 2,5‰ và đo đối chứng phần nước bên ngoài ruộng không bị ảnh hưởng, kết quả nồng độ mặn là 0,1‰. Tiến hành kiểm tra hiện trạng, ngành chức năng nhận thấy lúa bị vàng, cháy khô 50 – 100%, rễ, thân và lá đều khô héo.

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đánh giá tình hình sinh vật gây hại tại thời điểm tháng 2, tháng 3, xã Vị Thắng và khu vực bị ảnh hưởng các trà lúa từ giai đoạn đòng trổ có sinh vật gây hại không đáng kể, qua theo dõi rầy nâu, sâu cuốn lá, đạo ôn ở mức thấp dưới thống kê, cho thấy mức này không ảnh hưởng lúa.

Chú thích ảnh
Đo độ mặn tại ruộng lúa Hè Thu bị ảnh hưởng. Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN

Từ các kết quả xác minh thực tế và báo cáo của địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định lúa của 9 hộ với diện tích 2,48 ha bị giảm năng suất do nhiễm mặn. Địa bàn xã Vị Thắng nằm trong khu vực an toàn, không nhiễm mặn tự nhiên và không do thiên tai.

Đến vụ Hè Thu, qua phản ánh của người dân về việc diện tích lúa dọc đoạn đường đang thi công tiếp tục bị chết, Ủy ban nhân dân xã Vị Thắng đã đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Vị Thủy mời các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập đoàn khảo sát. Tham gia cùng đoàn có đại diện của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), đại diện Công ty Trường Sơn (đơn vị thi công cao tốc).

Qua khảo sát thực tế của ngành chức năng vào ngày 10/5 tại thửa ruộng lúa Hè Thu có diện tích 3.700 m2 của 2 hộ dân (trong tổng số khoảng 1,07 ha lúa Hè Thu của 9 hộ dân bị ảnh hưởng). Đoàn công tác ghi nhận hiện trạng ruộng lúa Hè Thu từ 25 - 30 ngày sau sạ, một số diện tích bị chết trên 70%; một số diện tích bị ảnh hưởng từ 20-50%.

Theo ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, năng suất lúa bị ảnh hưởng chỉ đạt dưới 7 tấn/ha. Tổng sản lượng lúa thiệt hại trên 5,4 tấn. Với đơn giá bán vụ Đông Xuân 2023 – 2024 là 8.000 đồng/kg thì giá trị thiệt hại gần 44 triệu đồng.

Theo ông Trần Đình Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, địa phương mong muốn các cơ quan thẩm quyền sớm xác định nguyên nhân và có giải pháp hỗ trợ bà con nông dân bị thiệt hại lúa vừa qua, cũng như xử lý đất lúa đã bị nhiễm mặn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó trưởng Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vị Thủy cho biết: Thông thường, khi lúa bị nhiễm mặn với nồng độ cao, từ 6‰ trở lên, phải mất từ 5 – 10 năm mới rửa sạch độ mặn đã thấm và tồn đọng trong đất.

Sau khi kiểm tra thực tế, đại diện đơn vị thi công và chủ đầu tư thống nhất kết quả đo nồng độ mặn. Đoàn xác định lúa bị ảnh hưởng do nồng độ mặn cao, nhưng chưa thể xác định được nguồn mặn từ đâu. Hiện tại, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang vẫn chưa có kết luận về nguồn gây nhiễm mặn ở khu vực có diện tích lúa bị thiệt hại của 9 hộ dân.

Nguyễn Hằng – Hồng Thái (TTXVN)
Lúa nhiễm mặn, người dân lo lắng kế sinh nhai
Lúa nhiễm mặn, người dân lo lắng kế sinh nhai

Mặc dù đã rửa mặn, gieo cấy lại đến lần 3 nhưng khoảng 20 ha diện tích đất sản xuất lúa của người dân ở các thôn Vị Khê, thôn Hàn, xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) vẫn không nẩy mầm, sinh trưởng. Hơn 70 hộ dân có diện tích lúa bị chết do nhiễm mặn đang lo lắng cho kế sinh nhai bởi nguồn thu nhập chính của họ đến từ cấy lúa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN