Hợp tác phát triển ngành công thương các tỉnh, thành phố phía Bắc

Ngày 28/7, tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị ngành công thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IX, năm 2023.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh: Đây là hội nghị quan trọng nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành công thương của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2023.

Đồng thời, ngành công thương các tỉnh, thành phố phía Bắc sẽ cùng nhau thảo luận kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các sở, ngành ở địa phương. Qua đó, đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành công thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.

Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư và thương mại nhằm tăng cường các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương trong khu vực.

Chú thích ảnh
Trao cờ đăng cai tổ chức hội nghị ngành công thương lần thứ X, năm 2024, cho thành phố Hà Nội. 

Hội nghị với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa và các hoạt động bên lề sẽ tạo điều kiện cho cán bộ, công chức ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc tiếp xúc trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại; tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để định hướng liên kết vùng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ tại hội nghị, những năm qua, ngành công thương đã và đang tiếp tục có những đóng góp quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại của toàn khu vực vẫn còn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế. Khoảng cách phát triển giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực vẫn còn có sự chênh lệch. Đây là những thách thức đặt ra với các tỉnh, thành phố phía Bắc trong thời gian tới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Do đó, để phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi tỉnh, phục vụ cho giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi trước hết là sự liên kết, hợp tác giữa 28 tỉnh, thành phố trong khu vực.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm, tỉnh Quảng Ninh xác định ngành công thương trong giai đoạn tới vẫn giữ vai trò chủ lực, động lực phát triển kinh tế toàn tỉnh. Quảng Ninh cũng mong muốn được tăng cường sự hợp tác và ngày càng có hiệu quả với các tỉnh, thành bạn để cùng phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. 

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh, ngành công thương các tỉnh, thành phố phía Bắc cũng có nhiều ý kiến tham luận, góp ý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển ngành công thương, hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Theo đó, Sở Công Thương một số tỉnh kiến nghị, cần tăng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp tại địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, nguồn thu thấp. Bộ Công Thương ban hành quy định đặc thù trong quản lý môi trường thuộc lĩnh vực ngành công thương, đặc biệt quản lý môi trường trong các cụm công nghiệp. Chính phủ sớm  sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ, hoặc đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ để tăng khả năng thực hiện phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở rà soát lại các luật có liên quan để nhằm sửa đổi phù hợp với thực tế phát triển của Việt Nam…

6 tháng cuối năm, ngành công thương các tỉnh, thành phía Bắc đặt mục tiêu, chỉ số sản xuất công nghiệp đa số các địa phương đạt trên 9%, đặc biệt là các tỉnh,thành phố có quy mô ngành công nghiệp lớn; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu tăng  từ 9 -10% (đạt 843,5 nghìn tỷ đồng); tổng kim ngạch xuất khẩu phấn đấu tăng từ7-8% (đạt 111,1 tỷUSD); tổng kim ngạch nhập khẩu phấn đấu tăng từ 6-7% (đạt 109,9 tỷ USD).

Trong 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp của 28 tỉnh, thành phía Bắc vẫn có những đóng góp tích cực, duy trì đà tăng trưởng chung trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, 16/28 tỉnh thành cao hơn mức  tăng trưởng cả nước. Một số trung tâm công nghiệp khu vực phía Bắc đã khôi phục đà tăng trưởng công nghiệp như: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng. Đến hết tháng 6/2023, toàn khu vực đã quy hoạch 1.132 cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 43.489ha. 28 tỉnh, thành phố phía Bắc có 378 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút được 9.963 dự án đầu tư sản xuất, tạo việc làm cho trên 416 nghìn lao động.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.300 nghìn tỷ đồng, tăng 28,8% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu của 28 tỉnh, thành phía Bắc 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 98,6 tỷ USD, giảm 6,1% so với cùng kỳ. Đến thời điểm hiện tại, trong khu vực có 4.189 chợ đang hoạt động, trong đó có 16 chợ đầu mối…

Tại hội nghị, Bộ Công Thương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển ngành công thương năm 2022. Trao cờ đăng cai tổ chức hội nghị ngành công thương lần thứ X, năm 2024 cho thành phố Hà Nội.

Tin, ảnh: Đức Hiếu (TTXVN)
Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030
Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 165/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN