Khai thác đa mục tiêu, giá trị hồ Dầu Tiếng

Hồ Dầu Tiếng là công trình thủy lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, có tổng diện tích gần 20.376 ha, với dung tích hồ chứa hơn 1,5 tỷ m3 nước, có hệ thống các kênh dài hơn 2.000 km, hằng năm cung cấp nước tưới cho hơn 249.000 ha đất nông nghiệp, gần 150 triệu m3 nước ngọt cho các ngành công nghiệp, sinh hoạt và khai thác nhiều tiềm năng lợi thế tài nguyên tự nhiên.

Từ lâu, hồ Dầu Tiếng đã trở thành công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu, góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Tây Ninh và các tỉnh, thành lân cận.

Chú thích ảnh
Hồ Dầu Tiếng khởi công ngày 29 tháng 4 năm 1981, hoàn thành năm 1985, có nhiệm vụ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tiềm năng và rào cản

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Thủy lợi Miền Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngoài nhiệm vụ cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt cho 5 tỉnh, thành phố gồm: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và Tp. Hồ Chí Minh và kết hợp phát điện (thủy điện) như hiện nay thì trên hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa (hồ Dầu Tiếng – hồ Phước Hòa) đang có rất nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân như khai thác cát, điện mặt trời (công suất 600 MW), trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy... Hằng năm, hồ Dầu Tiếng còn cung cấp cho ngư dân trên ngàn tấn thủy sản, giúp hàng ngàn hộ dân có cuộc sống ổn định, phục vụ sản xuất công nghiệp, cải thiện môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Anh, hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã đưa vào vận hành, khai thác gần 40 năm, nhiều hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp do tác động của thời gian, mưa lũ nên không đảm bảo công năng theo thiết kế do hoạt động liên tục. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa quản lý, vận hành còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

"Do yếu tố lịch sử, nguồn lực Nhà nước đầu tư cho đo đạc, cắm mốc, xây dựng phương án bảo vệ công trình trước đây chưa được thực hiện, nên tình trạng lấn chiếm, vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi vẫn tồn tại. Công ty đã chủ động tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khoanh vùng để xử lý vi phạm, lập phương án di dời các trường hợp vi phạm theo quy chế phối hợp. Tuy nhiên, việc xử lý còn chậm do Công ty không đủ thẩm quyền để xử phạt, cưỡng chế, xử lý vi phạm" - ông Nguyễn Việt Anh nhấn mạnh.

Trước đây, Công ty đã phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam xây dựng “Kế hoạch sử dụng đa mục tiêu trong lòng hồ và vùng bán ngập của hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa”, UBND tỉnh Tây Ninh đang xây dựng “Đề án phát triển tổng thể đa mục tiêu hồ Dầu Tiếng giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2050” theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện. Nhưng liên quan đến nhiều luật, nhóm lĩnh vực, quy hoạch, thẩm quyền phê duyệt nên đến nay Đề án này vẫn chưa được thông qua.

Giải pháp phát triển đa mục tiêu

Chú thích ảnh
Hồ Dầu Tiếng là thủy vực qua trọng trong khai thác thủy sản, tạo công ăn việc làm, ổn định sinh kế cho hơn 4.000 hộ dân. Ảnh: Giang Phương/TTXVN

Để quản lý tốt các hoạt động, đảm bảo an toàn công trình, môi trường chất lượng nước, trên cơ sở Quy chế phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa, công ty đã xây dựng kế hoạch triển khai Quy chế, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đơn vị tại địa phương liên quan; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm quy định quản lý, khai thác theo Luật Thủy lợi, Đất đai, Khoáng sản, Môi trường... Thực tế, hoạt động hiện nay cơ bản được các cấp, ngành, chính quyền địa phương và Công ty quản lý chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn công trình, môi trường chất lượng nước, phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

Việc phát triển, khai thác đa mục tiêu hồ chứa nước Dầu Tiếng, sử dụng hiệu quả vùng bán ngập và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thì việc đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, nâng cao giá trị đa năng của hồ chứa nước Dầu Tiếng, tối ưu hiệu quả sử dụng công trình và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có liên quan, sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của vùng, bảo vệ nguồn nước, phù hợp với quy định khai thác công trình thủy lợi cũng như đảm bảo an toàn công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đầu tiên khi hình thành công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng thì nhiệm vụ chính là tưới tiêu, cấp nước nông nghiệp. Sau này, nông nghiệp phát triển ổn định, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tăng cao nên hướng đến khai thác đa mục tiêu, đa giá trị và phát huy tiềm năng, lợi thế của hồ.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với tỉnh Tây Ninh đề nghị địa phương có đề án tổng thể về khai thác tiềm năng, lợi thế của hồ Dầu Tiếng. Trong thời gian chờ quy hoạch, đề nghị Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Thủy lợi Miền Nam xây dựng đề án thực hiện có lộ trình các hạng mục, công trình gắn với việc có thể phát triển đa mục tiêu sau này và đưa vào quy hoạch từng hạng mục như: đất đai, hệ sinh thái du lịch, điện mặt trời, khai thác khoáng sản…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung nhấn mạnh: Sứ mệnh ngành thủy lợi sẽ phát triển theo hướng đa mục tiêu nên hiện Bộ rất quan tâm về vấn đề này. Trước những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, Thứ trưởng yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Thủy lợi Miền Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng, hoàn thiện Đề án thủy lợi đa mục tiêu và thực hiện theo hướng từng bước một, có trọng tâm, trọng điểm... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đồng hành cùng các đơn vị, từng bước tháo gỡ mọi khó khăn.

Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Thủy lợi Miền Nam mong muốn, thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục quan tâm bổ sung kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa; sửa chữa, nâng cấp hoàn thiện các hạng mục công trình trên hệ thống, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quản lý vận hành, khai thác và bảo vệ công trình...; cho chủ trương thực hiện dự án đầu tư phát triển các lĩnh vực (đề án nạo vét lòng hồ, khai thác tiềm năng quỹ đất hiện có, điện mặt trời, trồng rừng; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng,...) theo hướng liên doanh, liên kết, tận dụng mọi nguồn lực để kinh doanh tổng hợp, hoạt động dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, phát triển kinh tế, tạo nguồn thu cho Công ty, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả doanh nghiệp.

Trước tình hình phát triển kinh tế - xã hội, một số hoạt động trong hồ Dầu Tiếng đã được các địa phương đưa vào quy hoạch, cấp phép hoạt động và phù hợp với nguyên tắc khai thác đa mục tiêu công trình thủy lợi. Tuy nhiên, để phát triển bền vững tài nguyên nước, bảo vệ môi trường kết hợp khai thác đa mục tiêu vùng lòng hồ cần có quy hoạch tổng thể, gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương để làm cơ sở thực hiện quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực hoạt động trong lòng hồ Dầu Tiếng; phân vùng loại hình sản phẩm dịch vụ; triển khai các đề án đa mục tiêu và định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi phù hợp.

Thanh Tân (TTXVN)
Bình Dương: Mạnh tay xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng hồ Dầu Tiếng
Bình Dương: Mạnh tay xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng hồ Dầu Tiếng

Sau hàng loạt bài phản ánh của TTXVN, ngày 5/10, thông tin từ Ủy ban nhân huyện Dầu Tiếng cho biết, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã và đang xử lý các trường hợp kinh doanh trái phép, lấn chiếm lòng hồ Dầu Tiếng, công trình quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN