Kiên Giang: Hạn chế phương tiện qua kênh ông Hiển Tà Niên để ngăn mặn

Ngày 23/4, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực III (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) ra thông báo về việc hạn chế giao thông đường thủy trên kênh ông Hiển Tà Niên thuộc địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Chú thích ảnh
Kênh ông Hiển Tà Niên thuộc địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: chauthanh.kiengiang.gov.vn

Nội dung thông báo nêu rõ, để phục vụ cho việc ngăn mặn dự trữ nước ngọt, nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, kể từ ngày 23/4/2024 đến ngày 15/5/2024, giao thông đường thủy qua khu vực Cống - âu thuyền Vàm Bà Lịch thuộc xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang bị hạn chế.

Mức độ hạn chế là đóng cửa cống hoàn toàn, các phương tiện thủy không được lưu thông qua cửa cống và chỉ được lưu thông qua Cống - âu thuyền Vàm Bà Lịch bằng cửa âu thuyền.

Theo đó, khu vực Cống - âu thuyền Vàm Bà Lịch, bố trí hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa và lực lượng điều tiết khống chế, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông thủy. Các phương tiện thủy khi lưu thông đến khu vực này phải tuyệt đối tuân thủ theo sự hướng dẫn của hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa và lực lượng điều tiết khống chế, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông thủy tại hiện trường.

Cùng với đó, tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh bố trí nhân lực, vật tư phục vụ vận hành Cống - âu thuyền Vàm Bà Lịch đảm bảo an toàn, nhằm kiểm soát mặn để sản xuất, tạo điều kiện cấp nước ngọt cho các nhà máy nước khu vực thành phố Rạch Giá và huyện Châu Thành phục vụ nước sinh hoạt cho người dân.

Trong một diễn biến khác, tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về ứng phó, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Theo đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang vận hành có hiệu quả hệ thống trên địa bàn và phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vận hành các cống: Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô để ngăn mặn, giữ ngọt hợp lý theo yêu cầu thực tế tại từng thời điểm sản xuất của từng khu vực. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra hệ thống cống trên địa bàn tỉnh để phát hiện sớm các sự cố rò rỉ mặn và khắc phục kịp thời.

Tiếp đến, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang đang phối hợp với các địa phương dự kiến đầu tháng 5/2024, cấp phát 6.700 bồn chứa dung tích 1.000 lít/bồn cho các huyện An Minh, An Biên, Kiên Lương, Giồng Riềng, Gò Quao, U Minh Thượng, Châu Thành, Kiên Hải và thành phố Hà Tiên; Kiên Hải. Mặt khác, giải quyết tình trạng thiếu nước cục bộ, những ngày qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang phối hợp Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang tổ chức cung cấp hơn 200.000 lít nước sinh hoạt cho 1.100 hộ dân trên địa bàn huyện biên giới Giang Thành và thành phố Hà Tiên.

Hiện nay, tình hình nguồn nước cung cấp dầu vào cho các nhà máy nước, các trạm cấp nước và hoạt động cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Tuy nhiên, một số trạm cấp nước ở khu vực huyện Kiên Lương, An Minh, Kiên Hải lưu lượng khai thác bị giảm. Xã đảo Tiên Hải (TP. Hà Tiên) thiếu nước cục bộ, hàng ngày phải vận chuyển nước sạch từ đất liền ra đảo cung cấp cho người dân bình quân 700 m³/ngày.

Tiếp đến, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao làm nước bốc hơi nhanh, khô cạn mặt nước trên các kênh trong khu vực vùng đệm U Minh Thượng, huyện U Minh Thượng đã xảy ra tình trạng sụt lún, sạt lở đường giao thông, nhà ở, ảnh hưởng đến sản xuất trong khu vực.

Theo lãnh đạo huyện U Minh Thượng, đến ngày 19/4, trên địa bàn huyện có 377 điểm sụt lún, sạt lở đường tỉnh 965 và đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài 9.228m; 32 căn nhà dân bị sụt lún, sạt lở hư hỏng nặng, ước giá trị thiệt hại hơn 4,4 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết, theo dự báo của ngành chức năng, khoảng thời gian từ nay đến giữa tháng 5/2024 là thời kỳ cao điểm của nắng nóng, xâm nhập mặn, thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất. Xâm nhập mặn tiếp tục tăng cao, độ mặn cao nhất ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, một số thời điểm ở mức xấp xỉ cùng kỳ năm 2020. Độ mặn tăng cao xuất hiện vào các kỳ triều cường tới (23/4 - 27/4 và 06 -10/5). Tỉnh tiếp tục chủ động triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó, phòng, chống hạn hạn, xâm nhập mặn đến hết mùa khô.

Cụ thể là Chi cục Thủy lợi tiếp tục theo dõi thông tin dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp để tổ chức các giải pháp ứng phó phù hợp. Chi cục Thủy lợi chủ động vận hành có hiệu quả các cống trên địa bản tỉnh và phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam vận hành các cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô đảm bảo an toàn cho sản xuất.

Cùng đó, các huyện, thành phố, tuyên truyền, vận động người dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới, tích trữ sử dụng nguồn nước một cách khoa học, tiết kiệm, hợp lý; kịp thời thông báo, hướng dẫn người dân khu vực bị nhiễm mặn biết, chủ động sản xuất, không lấy nước từ các kênh bị nhiễm mặn để dự trữ, tưới.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Quảng Ngãi: Chủ động ngăn mặn, giữ ngọt
Quảng Ngãi: Chủ động ngăn mặn, giữ ngọt

Hiện nay, tình trạng El Nino đang diễn biến phức tạp, vấn đề hạn, xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN