Lấy dịch vụ, hạ tầng tạo sức hút trong phát triển khu đô thị

Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội được xác định là một trong những khâu đột phá để thực hiện mục tiêu đưaViệt Nam trở thành nước công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng, đây còn là yếu tố làm gia tăng giá trị cuộc sống và hướng tới mục tiêu vì con người. Lần đầu tiên quan điểm lấy dịch vụ, hạ tầng để tạo đột phá và sức hút khi phát triển các khu đô thị được chú trọng. Đó cũng là một trong những nội dung phóng viên TTXVN ghi nhận qua cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng. 



Việt Nam đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa – hiện đại hóa, xây dựng cũng là một trong những ngành mũi nhọn chủ chốt trên hành trình hướng đến mục tiêu. Vậy đâu là nhiệm vụ chính của ngành trong giai đoạn này, thưa Bộ trưởng?


Chúng ta đang bước vào thời kỳ thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Đại hội Đảng lần thứ 11 đã đề ra nhiệm vụ hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế 10 năm giai đoạn năm 2011- 2020 là đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, Đại hội Đảng cũng đề ra 3 đột phá chiến lược. Trong đó hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhân tố hết sức quan trọng để khơi thông thị trường, tạo môi trường để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển và thực hiện công bằng xã hội. Cùng đó là phải đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội nói chung; trong đó tập trung vào hệ thống hạ tầng giao thông và các đô thị lớn. Một yếu tố không kém phần quan trọng là tập trung để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Đặc biệt, Đại hội Đảng cũng yêu cầu phải tái cơ cấu nền kinh tế hướng tới xây dựng mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.


Nhiệm vụ đặt ra cho ngành hết sức nặng nề vì với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, là cơ quan C hính phủ, Bộ Xây dựng không phải là chủ đầu tư nhưng lại được giao trọng trách kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng. Vì vậy, việc đầu tiên là phải tập trung để hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng. Có thể nói, các thể chế, pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng đều có sự tham gia của Bộ như Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp…


Đặc biệt, Luật X ây dựng do Bộ chủ trì có ý nghĩa rất lớn bởi lĩnh vực xây dựng liên quan đến 80% tổng đầu tư xã hội. Như vậy, Luật Xây dựng điều chỉnh tới 80% tổng đầu tư xã hội mà bình quân trong giai đoạn này (năm 2014) chúng ta đạt được khoảng 30%. Đây là con số rất lớn, lên tới 1 , 2 triệu tỷ đồng. Luật Xây dựng liên quan toàn bộ về dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thi công xây lắp, nghiệm thu bàn giao công trình… Do đó, nếu xây dựng, hoàn thiện thể chế tốt sẽ nâng cao hiệu quả, chống thất thoát lãng phí, góp phần phát triển kinh tế.


Thành công trong tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản – một yếu tố có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nền kinh tế, là kết quả được ghi nhận thời gian qua.Vậy đâu là giải pháp trọng tâm để giải quyết vấn đề trên, thưa Bộ trưởng?


Cùng với sự hồi phục nền kinh tế, chúng ta cùng nhau tháo gỡ khó khăn cho thị trường bằng khoa học, thực tiễn, khắc phục lệch pha cung cầu bất động sản; điều tiết chỗ thừa sang chỗ thiếu, nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội; đưa sản phẩm bất động sản đến với người tiêu dùng, phù hợp khả năng thanh toán của người dân. Bất động sản từ phân khúc cao cấp chuyển đổi sang nhiều loại hình khác nhau, đa dạng hóa các sản phẩm. Có sản phẩm phù hợp quy mô lớn nội thất sang trọng nhưng cũng có loại quy mô nhỏ, phù hợp với người thu nhập ít tiền và được Nhà nước hỗ trợ. Giải pháp này vừa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở, vừa huy động được nguồn lực của người dân. Đây là giải pháp khoa học, khôn ngoan, góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn cho thị trường và giúp các doanh nghiệp bất động sản phục hồi trở lại.


Cùng đó, việc tiếp tục tham gia gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở ; trong đó tập trung phát triển nhà ở xã hội. Các doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong lĩnh vực này phải là trụ cột. Đây là nhiệm vụ chính trị, không thuần túy là vì kinh tế. Trong Luật Nhà ở quy định, các địa phương phải xây dựng chương trình phát triển nhà ở, nhiệm vụ phát triển nhà ở trở thành mục tiêu và nhiệm vụ trong kế hoạch hàng năm của đơn vị. Đây không chỉ là khuyến khích, mà còn là bắt buộc.


Bộ trướng có nhận định gì về thị trường bất động sản năm 2015 cũng như xu hướng phát triển trong tương lai?


Năm 2015 có thể kỳ vọng vào sự phục hồi và khởi sắc của thị trường bất động sản. Điều này căn cứ vào sự tăng trưởng của thị trường cũng như lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm. Đặc biệt, những dự án có tiến độ thi công tốt, hạ tầng đồng bộ và không quá xa trung tâm, đi lại thuận tiện sẽ tiếp tục tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, tốc độ giải quyết hàng tồn kho sẽ chậm hơn trước vì tồn kho hiện nay chủ yếu là các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa có, các căn hộ diện tích lớn.


Cùng đó, xu hướng mua bán sáp nhập các dự án cũng tiếp tục tăng. Các doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ tiếp tục quá trình mua bán, điều chỉnh dự án cho phù hợp. Những dự án gặp khó khăn về vốn đầu tư sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài mua lại, thay vì đi xin cấp dự án mới. Một số dự án trước kia tạm dừng sẽ được khởi động trở lại để giao nhà cho khách hàng đã mua. Những dự án đủ điều kiện, có vị trí tốt sẽ được khởi công, góp phần tăng nguồn cung những căn hộ phù hợp nhu cầu của thị trường.


Hiện có phong trào làm bất động sản rất nhiều, nhưng đa số các dự án chỉ có điện, nước nhưng lại thiếu dịch vụ đi kèm. Ở các nước, khi đầu tư dự án mới, họ sẽ tập trung đầu tư mạnh vào các dịch vụ, khu vui chơi, bể bơi, sân tennis, nhà trẻ, trường học... những dịch vụ phục vụ cho con người. Phải có các dịch vụ “tại chỗ” để giảm chi phí cho người dân. “Tại chỗ” ở đây có nghĩa là đi gần nhất, mua sắm gần nhất, học hành, gửi trẻ gần nhất... Nếu chúng ta chỉ làm theo kiểu chuyên môn hóa thì chỉ phục vụ mục tiêu tăng trưởng, tiến bộ công bằng xã hội, còn không phục vụ mục tiêu vì con người.


Trong khi đích ngắm cuối cùng lại phải hướng tới mục tiêu vì con người. Đã đến lúc phải nhấn mạnh quan điểm dùng dịch vụ, hạ tầng để tạo đột phá và sức hút trong phát triển các khu đô thị. Nếu đầu tư bất động sản kết hợp dịch vụ, khu vui chơi giải trí, hạ tầng hấp dẫn thì chắc chắn sẽ thành công.Thay vì đón đầu chờ hạ tầng, chủ đầu tư các dạ án bất động sản hãy chủ động tạo dựng hệ thống dịch vụ hạ tầng để mở lối cho bất động sản, đây mới là xu thế được mong đợi.


Rộng cửa đón nhà đầu tư ngoại khi cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam là một trong những điểm rất mới của Luật Nhà ở và được các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đánh giá cao về xu hướng hội nhập. Xin Bộ trưởng nhận định về tác động của chính sách này đối với thực tế?


Năm 2008, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 19/2008/QH11 ; trong đó quy định cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thi hành thì chính sách này đã xuất hiện nhiều tồn tại, bất cập, không phù hợp với thông lệ quốc tế, không thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài bởi hạn chế về đối tượng, điều kiện người nước ngoài được mua nhà ở, hạn chế về loại nhà ở, số lượng nhà ở được mua, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu…


Để khắc phục các“nhược điểm”, đồng thời khôi phục và phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, bên cạnh việc các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong nước phải điều chỉnh cơ cấu lại hàng hóa và giá bán cho phù hợp thì còn phải tạo điều kiện để thu hút, khơi thông dòng vốn từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Qua đó, tạo ra nguồn lực lớn để kích thích phát triển thị trường bất động sản trong dài hạn. Với quan điểm này, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Nhà ở trong đó đề xuất nhiều điểm thông thoáng nhằm tháo gỡ các nút thắt, khó khăn trước đây.


Việc cho phép người nước ngoài sau khi nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà như quy định của Luật Nhà ở mới sẽ tạo ra yếu tố thuận lợi để thu hút và kích thích phát triển đầu tư, du lịch và dịch vụ, có lợi cho cả nền kinh tế và phù hợp với thông lệ quốc tế, thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam. Đây cũng chính là một hình thức xuất khẩu bất động sản tại chỗ. Tuy nhiên, nhằm bảo đảm an ninh, quốc phòng Luật Nhà ở cũng đã có các quy định hạn chế các quyền của cá nhân người nước ngoài khi mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam như: chỉ cho phép mua nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại không thuộc khu vực cấm người nước ngoài cư trú, đi lại; thời hạn sở hữu nhà ở là 50 năm; hạn chế về tỷ lệ nhà ở được phép bán cho người nước ngoài tại các khu chung cư, khu đô thị mới; quy định phải thanh toán tiền mua nhà qua tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam...


Quy định này sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhằm thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực và kinh nghiệm, công nghệ góp phần thúc đẩy thị trường trong nước phát triển bảo đảm hội nhập quốc tế. Mặt khác vẫn bảo đảm được an ninh, quốc phòng, tránh được việc đầu cơ, lũng đoạn thị trường bất động sản mà không ảnh hưởng đến các chính sách về nhà ở cho người nghèo cũng như các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở.


Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!



Thu Hằng ( Thực hiện)

Mối lo tồn kho bất động sản
Mối lo tồn kho bất động sản

Các chuyên gia không thực sự lạc quan hoàn toàn vào thị trường bất động sản trong năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN