Năng suất lúa Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giảm đáng kể do thời tiết bất thường

Ngày 22/4, tại Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình sản xuất vụ Đông Xuân năm 2021-2022 các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tổ chức tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, diện tích trồng lúa toàn vùng trong vụ này là 327.000 ha (tăng 4.650 ha so với vụ Đông Xuân 2020 - 2021) nhưng sản lượng đạt trên 2 triệu tấn (giảm 144.000 tấn), năng suất đạt 63,19 tạ/ha (giảm 4,44 tạ/ha).

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. 

Nguyên nhân năng suất và sản lượng lúa giảm là do ảnh hưởng của đợt mưa lớn xuất hiện từ ngày 31/3 đến ngày 2/4 vừa qua trên địa bàn các tỉnh, thành phố duyên hải Nam Trung Bộ gây ngập lụt và ngã đổ một số diện tích lúa đang giai đoạn trổ chín.

Các địa phương có năng suất, sản lượng lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022 giảm như tỉnh Phú Yên năng suất giảm 22,84 tạ/ha, sản lượng giảm 60.000 tấn; Đà Nẵng năng suất giảm 13,04 tạ/ha, sản lượng giảm 3.000 tấn; Quảng Nam năng suất giảm 9,73 tạ/ha, sản lượng giảm 40.000 nghìn tấn; Quảng Ngãi năng suất giảm 2,88 tạ/ha, sản lượng giảm 9.000 tấn; Bình Định năng suất giảm 1,5 tạ/ha, sản lượng giảm 8.000 tấn; Khánh Hòa năng suất giảm 4,29 tạ/ha, sản lượng giảm 9.000 tấn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong vụ Hè Thu 2022, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ gieo trồng 181.000 ha lúa, vụ Mùa 2022 sẽ gieo trồng trên 267.000 ha lúa.

Do là vùng có nguy cơ hạn hán, không đủ lượng nước sản xuất trong vụ Hè Thu và vụ Mùa nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp để né tránh hạn và áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của khô hạn đến sản xuất lúa; đồng thời, sử dụng giống ngắn ngày và cực ngắn ngày, cứng cây để chống đổ ngã và chống chịu khô hạn tốt.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự hội nghị. 

Các giống lúa được khuyến cáo sử dụng trong vụ Hè Thu và vụ Mùa tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ gồm DV108, OM6976, ML48, TH6; lúa lai TH3-3, ANS1, TBR1, Đài Thơm 8. Trong khi đó, tại các tỉnh Tây Nguyên nên sử dụng các giống lúa như HT1, ANS1, BC15, TBR45, Q5, OM4900, ML48, ML49, TH6, Nhị ưu 838, Nghi hương 2308, Đài Thơm 8.

Về tình hình cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu và vụ Mùa 2022, theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, đến thời điểm hiện tại, dung tích các hồ chứa tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ còn lại từ 43-99% so với dung tích thiết kế; dự báo sẽ đảm bảo nước tưới cho vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2022.

Đối với các hồ chứa tại khu vực Tây Nguyên, hiện còn lại từ 50-78% so với dung tích thiết kế. Dự báo trong thời gian còn lại của mùa khô năm 2022, một số khu vực vẫn có khả năng thiếu nước và hạn hán cục bộ ở giai đoạn tháng 4 và tháng 5, diện tích bị ảnh hưởng từ 3.000-4.000 ha tại các vùng ngoài công trình thủy lợi thuộc các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông.

Để chủ động chống hạn hán, Tổng cục Thủy lợi yêu cầu các địa phương kiểm kê nguồn nước thường xuyên trước và trong vụ sản xuất để cân đối, bố trí kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng hợp lý, phù hợp với điều kiện nguồn nước. Trong số đó, các khu vực nguồn nước chắc chắn không đủ nước thì phải giãn, dừng sản xuất, khu vực nguồn nước thiếu hụt phải chuyển đổi sang loại cây trồng cần ít nước tưới hơn; xem xét xuống giống sớm để tận dụng lượng nước còn lại của vụ Đông Xuân, đồng thời tránh thời điểm hạn hán, thiếu nước vào cuối mùa khô.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn nhận định, khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây nguyên sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 2 đến 3 cơn bão trong năm 2022; tổng lượng mưa từ tháng 4 đến tháng 6/2022 phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 30-50%; tháng 7 đến tháng 9/2022 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Về tình hình sinh vật gây hại vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2022, theo Cục Bảo vệ thực vật, do tình hình thời tiết trong thời gian tới có những diễn biến phức tạp nên sinh vật gây hại trên có lúa có thể gia tăng như: chuột, ốc bưu vàng, rầy nâu, rầy lưng trắng và các bệnh đậu ôn, bệnh lem lép thối hạt. Do đó, Cục yêu cầu cơ quan chuyên môn các địa phương tăng cường bám sát đồng ruộng, điều tra dự tính, dự báo và hướng dẫn nông dân phòng trừ sinh vật gây hại kịp thời, hiệu quả.

Chú thích ảnh
Mưa lớn cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua khiến nhiều diện tích lúa tại tỉnh Bình Định bị ngập úng, ngã đổ (ảnh tư liệu). 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, sản xuất vụ Hè Thu tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên quan trọng nhất phải chủ động đảm bảo nguồn nước tưới; tập trung xuống giống nhanh gọn để tránh hạn mặn và mưa ở thời điểm cuối vụ; không nên dùng quá nhiều giống cho một khu vực mà chỉ dùng từ 2 đến 3 loại giống chất lượng là đủ.

"Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương chủ động trong sản xuất để né tránh những bất lợi nhưng mưa lớn bất thường vào cuối vụ đã làm cho cây lúa mất năng suất trầm trọng. Bước vào vụ Hè Thu này, Cục Trồng trọt khẩn trương làm việc với các địa phương để kịp thời khắc phục tình trạng thiếu lúa giống. Các địa phương cần nỗ lực để giành thắng lợi vụ Hè Thu, bù lại những thiệt hại trong vụ Đông Xuân vừa qua", thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Tin, ảnh: Tường Quân (TTXVN)
Sản lượng lúa vụ Đông Xuân ở Kiên Giang đạt hơn 2 triệu tấn
Sản lượng lúa vụ Đông Xuân ở Kiên Giang đạt hơn 2 triệu tấn

Vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022, tỉnh Kiên Giang gieo trồng 283.868 ha, vượt 868 ha so với kế hoạch và đến thời điểm này cơ bản đã thu hoạch xong với năng suất bình quân 7,4 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN