Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp khó khăn do biến động thị trường

Là một trong số các mặt hàng xuất khẩu đã đạt mức 1 tỷ USD trở lên, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua. Sản phẩm gỗ của Việt Nam đã dần thống lĩnh được thị trường Hoa Kỳ với thị phần đạt tới 45%.

Nhưng trước những cảnh báo về rào cản thương mại, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam vẫn chậm khắc phục những điểm yếu. Hơn nữa, biến động mạnh về tỷ giá và các chi phí đầu vào không ngừng tăng đang gây không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất của ngành này.

Các chuyên gia Bộ Công Thương cho biết: Từ lâu Việt Nam đã phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu đến 70 - 80% (chiếm khoảng 60% giá thành sản phẩm), khiến ta không thể chủ động phát triển.

Do phải nhập khẩu nguyên liệu với giá cao, các nhà sản xuất sẽ buộc phải tăng giá bán sản phẩm để cân đối kinh doanh. Như vậy, ngành gỗ Việt Nam sẽ bất lợi khi cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác có sẵn nguyên liệu hoặc nhập khẩu nguyên liệu gần hơn. Nếu không mua được nguyên liệu với giá hợp lý, hoặc không tiết giảm chi phí để cân đối giá bán thì không loại trừ trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị chậm hợp đồng trong năm tới hoặc khó khăn trong việc tìm kiếm hợp đồng mới trong các năm tiếp theo.

Hiện, xuất khẩu gỗ của Việt Nam chủ yếu vào hai thị trường chính là Hoa Kỳ và EU, nhưng chính hai thị trường đã đặt ra những khắt khe mới. Luật Lacey của Hoa Kỳ đã áp dụng cho hàng gỗ của Việt Nam từ 1/10/2010 có nhiều quy định khắt khe về nguồn gốc, xuất xứ của gỗ và các sản phẩm gỗ và Quy chế mới của EU về tính hợp pháp của gỗ có hiệu lực vào tháng 3/2013. Điều này gây khó với cả hai nguồn nguyên liệu. Gỗ nội địa khó đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ quản lý rừng của Hội đồng rừng quốc tế. Ngoài ra, gỗ nhập khẩu cũng khó kiểm soát nguồn gốc, nên khi xuất khẩu sản phẩm dễ gặp phải rào cản và khó khăn.
Việc giảm đơn đặt hàng đồ gỗ của Việt Nam từ khách hàng châu Âu trong thời gian gần đây không loại trừ nguyên nhân do việc khủng hoảng nợ công của khu vực này. Nhưng muốn chuyển hướng thị trường cũng không thể làm ngay. Mặt khác, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu đã có mặt bằng mới cao hơn cùng với việc giá điện, xăng dầu, cước phí vận tải... đang tăng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm. Tính đến tháng 4/2012, chi phí bình quân cho 1 côngtennơ 40 feet tăng trên 50% so với năm 2011.

Cũng theo Bộ Công Thương, lãi suất ngân hàng tại Việt Nam còn quá cao càng khiến cho các doanh nghiệp trong ngành khó cạnh tranh. Vì nếu ngay tại "sân nhà", nếu nhà đầu tư nước ngoài đem vốn vào Việt Nam mở nhà máy chế biến gỗ thì chúng ta cũng thua luôn về cạnh tranh giá. Lý do là họ có cùng chi phí nhân công, nguyên vật liệu nhưng lại có chi phí tài chính khá thấp so với doanh nghiệp Việt Nam vì vốn vay ở nước ngoài hiện thấp hơn Việt Nam khá nhiều. Việc khó tiếp cận nguồn vốn vay cũng làm hạn chế khả năng mở rộng quy mô hoạt động, nhận làm đơn hàng lớn. Từ đó, doanh nghiệp nhỏ chỉ làm gia công lại cho các công ty lớn, giá bán sẽ không tốt, lợi nhuận sẽ rất thấp.

Mặt hàng các sản phẩm gỗ xuất khẩu thuộc nhóm hàng “công nghiệp chế biến”, nhưng doanh nghiệp nước ta chủ yếu mới là đồ gỗ ngoại thất, chế tác đơn giản, tốn gỗ, giá lại thấp so với đồ gỗ nội thất. Tuy vậy, để chuyển sang làm đồ gỗ nội thất, doanh nghiệp phải đầu tư dây chuyền sản xuất mới, thay chủng loại gỗ, đào tạo lại tay nghề thợ, thiết kế mẫu mã khác...


Để ứng biến với những khó khăn mới này, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp phải tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước. Ngoài việc đầu tư trồng rừng, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất ván nhân tạo và hạn chế xuất khẩu thô. Do hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gần 1 triệu m3 ván nhân tạo nên với tình hình tài nguyên rừng như hiện nay thì lượng gỗ trong nước đã đáp ứng được khoảng 1triệu m3 gỗ lớn mỗi năm; tới năm 2015 có thể sẽ cung cấp được 5 triệu m3 và năm 2020 cung cấp được 12 triệu m3.

Đặc biệt, doanh nghiệp phải cố gắng giảm mọi chi phí đầu vào thông qua việc tính toán lại dây chuyền công nghệ, nâng cao năng suất lao động, xây dựng quá trình thao tác làm việc hiệu quả và tiết kiệm tối đa chi phí sử dụng điện...

Uyên Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN