Phân cấp địa phương quản lý cảng thủy trên tuyến đường thủy quốc gia

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa. Dự kiến, dự thảo bổ sung, sửa đổi một số quy định phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhất là điều chỉnh thẩm quyền và phạm vi quản lý Nhà nước tại các cảng, bến thủy của Cảng vụ đường thủy từ cấp Trung ương đến địa phương.

Giao địa phương quản lý

Theo rà soát của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, các cảng vụ đường thủy thuộc Sở GTVT các tỉnh, thành phố hiện nay đang thực hiện quản lý Nhà nước tại các cảng, bến thủy (trừ bến khách ngang sông), khu neo đậu trong vùng nước cảng biển thuộc địa giới hành chính của địa phương và trên tuyến đường thủy quốc gia được Bộ GTVT ủy quyền quản lý. Tuy nhiên, trong thực tế, UBND các địa phương cũng có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định quản lý các cảng thủy, dẫn đến sự chồng chéo về kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hạ tầng, nạo vét, neo đậu, khai thác cảng thủy… giữa địa phương và trên tuyến đường thủy quốc gia (nếu phát sinh). Do đó, việc ủy quyền quản lý cảng thủy cho địa phương không phát huy hiệu quả pháp luật.

Chú thích ảnh
Phương tiện vận tải thủy hoạt động trên sông Hồng.

Thực tế trên tuyến đường thủy quốc gia, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đang quản lý 4 cảng vụ đường thủy Trung ương, với hơn 300 cảng và hơn 3.000 bến trên đường thủy quốc gia. Một số tuyến quốc gia thuộc địa giới tỉnh Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Trung được Bộ GTVT ủy quyền cho địa phương quản lý Nhà nước về hạ tầng và cảng, bến thủy. Song, phương án ủy quyền chưa đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật về tổ chức Chính phủ, tổ chức chính quyền địa phương, ngân sách.

Vì vậy, dự thảo bổ sung các quy định mới, giúp phát huy trách nhiệm của chính quyền, huy động nguồn lực của các địa phương, đa dạng hóa phương thức quản lý chuyên ngành tại cảng, bến thủy; đồng thời, kiện toàn bộ máy quản lý cảng thủy chuyên ngành tại cơ sở, sau khi chuyển giao các cảng vụ đường thủy nội địa Trung ương về địa phương.

Đáng chú ý, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 78/CP/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, trong đó thành phần hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận cơ sở đào tạo thuyền viên đủ điều kiện hoạt động giảm bớt chỉ còn 3 loại giấy tờ: Tờ khai theo mẫu, bản sao bằng cấp và hợp đồng của giáo viên, bản sao các giấy tờ chứng minh sự hợp pháp của cơ sở vật chất (xưởng thực hành, cảng, bến, phương tiện thủy) so với hiện nay. Các thủ tục này hiện đã được kết nối trên Cổng thông tin điện tử quốc gia, để người dân và các doanh nghiệp tra cứu, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cá nhân và đơn vị tham gia dịch vụ đào tạo thuyền viên....

Cảng vụ đường thủy được cấp phép cho tàu thuyền tại cảng biển

Chú thích ảnh
Cảng biển Cẩm Phả (Quảng Ninh).

Theo lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện nay, phạm vi quản lý của các cảng vụ đường vụ đường thủy nội địa Trung ương và địa phương khá rộng, bao gồm cả cảng, bến, khu neo đậu trên đường thủy và trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy quốc gia. Cảng vụ địa phương quản lý cảng, bến, khu neo đậu trên đường thủy địa phương, trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy địa phương.

Do đó, việc giao địa phương quản lý cảng, bến thủy, khu neo đậu mới trong vùng nước cảng biển nếu được áp dụng sẽ tạp điều kiện cho các địa phương bổ sung thẩm quyền, nhiệm vụ của lực lượng cảng vụ, như: Quản lý cấp phép cho phương tiện thủy, tàu biển vào, rời cảng, bến, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển; giám sát việc xếp hàng hóa từ phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài lên cảng, bến, kiểm tra thiết bị và người vận hành thiết bị xếp dỡ hàng hóa trong cảng, bến; tham gia kết luận nguyên nhân tai nạn, sự cố xảy ra trong vùng nước cảng, bến, khu neo đậu; thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành…

Qua tìm hiểu, tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh - Kiên Giang có tổng chiều dài hơn 1.185 km, trong đó ngoài số lượng cảng, bến thủy nếu trên, có 31 cửa sông từ Bắc - Nam thuộc phạm vi của tuyến vận tải ven biển, với cửa sông Lạch Tray ở đầu tuyến và cửa Rạch Giá ở cuối tuyến. Việc giao các địa phương quản lý còn góp phần tạo khung pháp lý minh bạch trong quản lý tuyến vận tải ven biển, phát huy hiệu quả của phương tiện vận tải và giải quyết những vướng mắc, bất cập trong quản lý, khai thác vận tải thủy.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Thêm 5 tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo
Thêm 5 tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo

Theo Thông tư số 30/BGTVT/2021 của Bộ GTVT về quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam vừa có hiệu lực thi hành, cả nước có 34 tuyến nằm trong danh mục tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo được công bố quản lý, khai thác vận tải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN