Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số

Tỉnh Quảng Ninh đang tích cực chuyển đổi số từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược. Quảng Ninh đặt mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 35% GRDP của tỉnh.

Lan toả các mô hình

Tại tỉnh Quảng Ninh, theo mục tiêu chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã được tỉnh đặt ra, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; 100% tổ chức, cá nhân có kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử. Phấn đấu toàn tỉnh quy tụ được 50 doanh nghiệp số, trong đó có ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển các sản phẩm, dịch vụ số.

Chú thích ảnh
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh luôn thực hiện tốt các quy tắc ứng xử trong giải quyết công việc. 

Để đạt mục tiêu này, hiện địa phương này đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn trong nước để nghiên cứu, đổi mới sáng tạo phục vụ chuyển đổi số, đặc biệt đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 3 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam gồm: Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT để thúc đẩy phát triển chuyển đổi số. Hiện các doanh nghiệp này đã cung cấp, hỗ trợ triển khai nhiều ứng dụng nền tảng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp.

Chuyển đổi số được tỉnh Quảng Ninh xác định là xu hướng tất yếu của phát triển. Bởi vậy, từ năm 2012 tỉnh đã bắt đầu triển khai ý tưởng về chuyển đổi số. Hiện, địa phương này cũng đang tích cực chuyển đổi số nhằm trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương trong cả nước đi đầu về chuyển đổi số ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Được biết, hiện 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử, hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Tỉnh Quảng Ninh cũng triển khai mạnh mẽ việc thanh toán số, hiện 99,2% số thu ngân sách nhà nước gồm thuế, phí, lệ phí được thực hiện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các loại tiền điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí cũng cơ bản thanh toán trực tuyến. 13/13 địa phương toàn tỉnh đều đã áp dụng mô hình Chợ 4.0 với các chợ trung tâm và chợ hạng I.

Ngoài ra, khoảng 350 sản phẩm OCOP Quảng Ninh đạt chuẩn từ 3 - 5 sao được đưa lên các sàn thương mại điện tử lớn… Địa phương này cũng đang tiếp tục nỗ lực không ngừng để chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, chú trọng khắc phục, cải thiện những chỉ số thành phần còn yếu, chưa đạt, qua đó nâng cao hơn nữa thứ hạng chuyển đổi số trong những năm tới.

Đầu tư phát triển khoa học công nghệ

Theo ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, bên cạnh việc chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng “cứng” với hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, trong những năm qua, Quảng Ninh đã “đi trước, đón đầu”, tập trung xây dựng hạ tầng “mềm“, hạ tầng số từng bước đồng bộ, hiện đại phục vụ chuyển đổi số. Toàn tỉnh hiện có trên 6.100 trạm phát sóng di động. Hạ tầng Internet băng rộng đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn; 100% dân số được phủ sóng mạng thông tin di động. Tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 4G trở lên đạt 99,8%; số thuê bao điện thoại đạt tỷ lệ 1,3 thuê bao/người; Tỷ lệ dân số được phủ sóng Internet đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng thuê băng rộng cố định đạt 92,84%. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang đạt 89,13% (cả nước 75,39%).

Trong thời gian vừa qua,, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ninh bước đầu đã có những tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng, chuẩn bị năng lực sẵn sàng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư, triển khai Đề án xây dựng Chính quyền điện tử là nền tảng cốt lõi cho xây dựng chính quyền số; nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ của chính quyền thông qua hệ thống hạ tầng, hệ thống thông tin dùng chung được triển khai sâu, rộng cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và kết nối liên thông với trục văn bản của Văn phòng Chính phủ; làm cơ sở cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính với mô hình 14 Trung tâm phục vụ hành chính công từ tỉnh đến cấp huyện và 177 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.

Nhờ đó, đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã tham gia, sử dụng thành thạo các tiện ích Hệ thống Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh của tỉnh.

Trên 99% văn bản hành chính giữa các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh Quảng Ninh được trao gửi, nhận dưới dạng văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số; kết nối được 100% Bộ, ban, ngành của Trung ương và 100% các địa phương trong toàn quốc; đến nay đã gửi, nhận trên 13,7 triệu văn bản điện tử có ký số.

100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và được thiết lập, niêm yết, công khai trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; Tỉnh đã cung cấp được 1.240 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 1.367 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia (đạt tỷ lệ 90,7%). Năm 2023 đã tiếp nhận 861.990 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó đã giải quyết 99,7% đúng hạn và trước hạn; trên 77% hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến; 100% phí, lệ phí được thanh toán không dùng tiền mặt; Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình cả 3 cấp tỉnh Quảng Ninh đạt trên 82%, cao gấp 1,5 lần trung bình trung toàn quốc (tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình toàn quốc đạt gần 50%), trong đó: cấp xã đạt trên 75%, cấp huyện đạt trên 80%, cấp tỉnh đạt trên 85%.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 09 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên ba trụ cột đó là Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Trong đó: Kinh tế số được xác định là đột phá, cần được tập trung lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 35% GRDP của tỉnh. Là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.

XL/Báo Tin tức
Liên kết mới tạo sức mạnh trong sản xuất chip
Liên kết mới tạo sức mạnh trong sản xuất chip

Việt Nam thời gian gần đây nổi lên khi tham gia vào chuỗi phát triển vi mạch bán dẫn (hay còn gọi sản xuất chip). Tuy nhiên, nhìn tổng thể, Việt Nam chưa có hệ sinh thái vi mạch bán dẫn, thiếu nhân lực, nguồn lực và sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia công nghệ dẫn đến ngành này mới ở giai đoạn gia công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN