Tác động khủng hoảng Trung Quốc đến các nền kinh tế mới nổi

Có những lo lắng ngày càng tăng về việc Trung Quốc sẽ khiến các nhà đầu tư rút vốn ra khỏi các thị trường đang phát triển.

Tin xấu từ kinh tế Trung Quốc đã gây ra một cơn bão lửa ở các nước đang phát triển. Tại Indonesia, than chuẩn bị xuất sang Trung Quốc đang chất đống tại nhiều cảng. Ở Nam Phi, các mỏ khai thác kim loại nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của Trung Quốc đang bị ứ đọng. Trên thị trường tài chính, các nhà đầu tư phản ứng bằng cách tháo chạy.

Đặt cược tăng trưởng vào xuất khẩu sang Trung Quốc

Ngày 24/8 - "Ngày thứ Hai đen tối", các đồng tiền của Nga, Indonesia, Nam Phi, Brazil và các mặt hàng xuất khẩu khác đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong vài năm trở lại đây. Chỉ số chứng khoán sụp đổ. Đồng ruble Nga rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng qua khi tỷ giá hối đoái của đồng USD so với đồng ruble là 70,9 ruble/USD. Một năm trước, một USD đổi được khoảng 36 ruble.

Tin xấu từ nền kinh tế Trung Quốc khiến các nhà đầu tư phản ứng bằng cách tháo chạy. Ảnh: FT


Sự yếu kém của đồng tiền trong các nền kinh tế trên cho thấy một thế tiến thoái lưỡng nan ảm đạm: Nâng tỷ giá để bảo vệ chúng và nền kinh tế sẽ bị tổn thương vì tín dụng bị thắt chặt hơn; hay hạ tỷ giá và lạm phát sẽ xói mòn ngân sách của các hộ gia đình. Trong khi đó, các chính phủ và công ty tại các nền kinh tế mới nổi sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn hơn trong việc trả các khoản nợ nước ngoài thanh toán bằng đồng USD (chủ yếu là các khoản vay trái phiếu thanh toán bằng USD) mà họ đang gánh.

"Chúng ta tất cả đều có thể nhận thức đầy đủ rằng các thị trường mới nổi là dễ bị tổn thương. Tôi chỉ thấy màu đỏ trên màn hình của tôi. Có một sự định giá hoàn toàn không đúng các tài sản rủi ro", Malcolm Charles, một nhà quản lý các danh mục đầu tư tại Investec Asset Management ở Cape Town, cho biết.

Việc mất giá đồng ruble ở Nga là biểu hiện về sự mong manh của nền kinh tế dựa trên giá nguyên liệu cao được hỗ trợ bởi nhu cầu lâu dài và mạnh mẽ của Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc lao dốc đã kích hoạt một sự sụt giảm giá các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt và nguồn thu nhập ngoại tệ chính của Nga - dầu thô. Ngược lại, điều đó cũng dẫn đến sự trượt giá thảm hại của đồng ruble. Đồng ruble suy yếu đã đẩy lạm phát của Nga lên trên 15%, có nghĩa là ngân hàng trung ương nước này có ít không gian để cắt lãi suất hơn nữa khi tìm cách vực dậy nền kinh tế, vốn bị thu hẹp 4,6% trong quý II so với năm ngoái.

Nga là nước dễ bị tổn thương gấp đôi bởi vì nước này đã tăng cường hợp tác với Trung Quốc khi quan hệ với phương Tây trở nên xấu đi trong hai năm qua. Nga là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai cho Trung Quốc, sau Saudi Arabia, và Moskva đã tìm cách tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc, đặc biệt là các dự án năng lượng.

Một số lượng lớn các quốc gia mới nổi đã đặt cược sự tăng trưởng của họ vào việc xuất khẩu sang Trung Quốc. Tại Thái Lan, một nhà cung cấp cao su chủ yếu cho các nhà máy lốp xe của Trung Quốc, Perk Lertwangpong, hy vọng năm 2015 xuất khẩu chỉ giảm 1/5 so với năm ngoái.

Nhiều quốc gia đang phát triển đặt cược sự tăng trưởng của họ vào việc xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: IT


Indonesia, nước bán than, khoáng sản và dầu cọ cho Trung Quốc, đã xuất khẩu được nhiều mặt hàng này cách đây không lâu. Tăng trưởng kinh tế trong năm 2012 của Indonesia là khoảng 6%. Nhưng năm nay, thị trường chứng khoán đã giảm hơn 20%. Đồng rupiah của Indonesia cũng giảm 12,5% trong năm nay và đang lơ lửng ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Mỹ Latinh cũng không ngoại lệ khi xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Trung Quốc như đậu nành, đồng và quặng sắt trong suốt 15 năm qua. Nhưng các đồng tiền peso trong cả xuất khẩu dầu Mexico và Colombia đã đạt mức thấp kỷ lục vào hôm 24/8. Đồng peso của Mexico giảm 23% trong năm nay, trong khi đồng tiền của Colombia mất giá 60%, và đồng real của Brazil đã giảm gần 36%. Doanh thu của Vale SA có trụ sở tại Rio de Janeiro, nhà sản xuất quặng sắt lớn thế giới, đã giảm 29,7% trong quý II so với năm trước, do nhu cầu yếu hơn từ Trung Quốc đã đẩy giá của mặt hàng này xuống mức thấp (Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Vale và của Brazil).

Ở Nam Phi, đồng rand ngày 24/8 cũng giảm mạnh xuống mức thấp nhất từ trước tới nay khi ngoài 14 rand mới đổi được 1 đồng USD. Lạm phát đang gia tăng. Các nhà kinh tế cảnh báo tốc độ tăng trưởng có thể thấp hơn so với dự báo, vốn đã rất mờ nhạt. Ngân hàng trung ương của Nam Phi đã tăng lãi suất vào tháng trước để thúc đẩy đồng tiền của mình bất chấp nền kinh tế đang ảm đạm. Hôm 24/8, ngân hàng này cho biết nếu đồng rand lao dốc mạnh hơn, họ sẽ xem xét việc can dự vào thị trường ngoại hối để đảm bảo các điều kiện thị trường ổn định.
 

Nhiều đồng tiền của các quốc gia mới nổi trong đó có Nga đã bị mất giá nghiêm trọng. Ảnh: RT


Trong cái rủi có cái may

Tuy nhiên, các đồng tiền yếu lại tạo ra một lợi thế nhất định, đặc biệt là đối với những nước có các mặt hàng xuất khẩu đa dạng. Từ những chiếc xe ô tô do Mexico chế tạo tới những bông hoa được trồng ở Colombia trồng; xuất khẩu từ Mỹ Latinh đang trở nên rẻ hơn trong bối cảnh đồng USD tăng giá, và do đó sẽ giành được khả năng cạnh tranh. Điều đó là đặc biệt quan trọng đối với Mexico, một đối thủ của Trung Quốc trong cuộc chiến tay đôi để giành thị phần xuất khẩu vào Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Tom Lembong cho biết những hoàn cảnh túng quẫn có thể hỗ trợ những nỗ lực của nước này nhằm ít phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên hơn. "Trong ngắn hạn, chúng ta phải để cho thị trường làm công việc của mình. Việc giảm giá đồng rupiah đã được thực hiện theo những gì nó phải làm. Chúng tôi đã đánh đu với ít nhất bốn năm thâm hụt thương mại, nhưng năm nay, Indonesia sẽ thặng dư thương mại", ông Lembong nói.

Ở Nga, sự suy yếu của đồng ruble phù hợp với giá dầu đang bảo vệ ngân sách liên bang khỏi sự căng thẳng nghiêm trọng. ½ nguồn thu ngân sách của Nga là từ việc bán dầu mỏ và khí đốt. Chris Weafer, đại cổ đông tại Macro-Advisory, một công ty tư vấn có trụ sở ở Moskva, nhận định việc đồng ruble yếu hơn sẽ khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp trì hoãn các quyết định chi tiêu và đầu tư, làm xấu đi triển vọng cho nền kinh tế trong sáu tháng tới. Tuy nhiên, ông cho biết, về lâu dài, quyết định để cho đồng ruble suy yếu có thể thúc đẩy tăng trưởng. Người dân Nga đã phản ứng một cách bình tĩnh khi đồng ruble tiếp tục yếu đi, một sự tương phản so với sự mất giá mạnh của đồng tiền này trong tháng 12 năm ngoái, dẫn đến việc mọi người đổ xô đi mua USD và các hàng hóa lâu bền.

Công Thuận (Theo WSJ)
Xung quanh sự sụt giảm sâu của giá dầu thế giới
Xung quanh sự sụt giảm sâu của giá dầu thế giới

Nguyên nhân của tình trạng giá dầu xuống thấp hiện nay một mặt là do sự suy yếu mạnh mẽ của Trung Quốc nói riêng và nhiều nền kinh tế trên thế giới nói chung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN