Tạo việc làm cho người khuyết tật

Dạy nghề, tạo việc làm là một trong những hoạt động quan trọng giúp cho người khuyết tật cải thiện cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng. Nhưng trên thực tế việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật còn nhiều khó khăn.


30% người học nghề có việc làm


Cả nước có hơn 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó có khoảng 1,6 triệu người có khả năng lao động. Đa số người khuyết tật sống ở nông thôn với các cơ sở hạ tầng, điều kiện sống, phương tiện sinh hoạt chuyên dùng còn nhiều thiếu thốn, do vậy họ gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại và giao tiếp với cộng đồng.

 

Một cơ sở may tuyển dụng người khuyết tật tại Ba Vì (Hà Nội).


Theo Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH), hàng năm có khoảng 5.000 người khuyết tật được dạy nghề. Tuy nhiên, số người học nghề xong có việc làm rất thấp, tương đương khoảng 30% số học nghề.


Nguyễn Thị Thùy Dương (SN 1985, ở xã Phú Cường, huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết: “Tôi học nghề may từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa có công việc ổn định. Ngoài lý do đi xin việc khó khăn, còn do tôi không làm kịp theo năng suất mà chủ xưởng yêu cầu. Hiện tại, tôi đang về làm công việc may tại gia đình”.


Ông Đào Văn Tuấn, Chủ tịch Hội người khuyết tật Ba Vì nhận định, năm qua, hội đã mở 2 lớp dạy nghề may và lớp vi tính cho khoảng 80 người khuyết tật trên địa bàn nhưng thực tế, số người khuyết tật tìm được việc làm rất thấp. Chỉ có một số người được nhận vào cơ sở may của chính người khuyết tật mới nhận được sự thông cảm, hỗ trợ, chia sẻ.


Một trong những rào cản với người khuyết tật khi tham gia học nghề, tìm việc làm là do nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, trình độ thấp nên dù có chính sách hỗ trợ nhưng họ vẫn không thể tự đảm bảo các chi phí cần thiết cho việc học nghề và tạo việc làm. Bên cạnh đó, các cơ sở chủ yếu dạy nghề đơn giản, truyền thống cho người khuyết tật nên đầu ra để tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn. “Nhưng cũng có trường hợp nhiều người khuyết tật được đào tạo đúng chuyên môn, kỹ thuật cao nhưng các công xưởng, công trình phù hợp để họ làm việc hầu như không có” - ông Trần Quang Dũng, Chủ tịch Hội người khuyết tật Hà Nội trăn trở.


Nhân rộng mô hình hỗ trợ kinh tế


Thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020, năm 2013, cả nước đã dạy nghề cho khoảng 80.000 người khuyết tật từ các chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghề và việc làm, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn... Tổng cục Dạy nghề đã dành 3 tỷ đồng thí điểm mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho gần 925 người khuyết tật tại các tỉnh, thành phố Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng với các nghề phù hợp như: xoa bóp, bấm huyệt, may công nghiệp, mây tre đan, chăn nuôi gia súc, trồng nấm, mộc dân dụng.


Các cấp Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã dạy nghề cho 2.900 người khuyết tật, trong đó tạo việc làm cho 1.100 người với tổng kinh phí là 10,3 tỷ đồng. Trung ương Hội phối hợp tổ chức xây dựng thí điểm mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ và vừa, với 33 lớp dạy nghề tại 16 tỉnh, thành: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang... với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Thông qua chương trình, hơn 82% người khuyết tật học nghề có việc làm.


Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai dự án "Hỗ trợ hòa nhập kinh tế xã hội và việc làm cho người khuyết tật" do Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha hỗ trợ tại 51 xã của 6 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Bình Thuận, Lâm Đồng và Hà Nội với gần 800 người khuyết tật được dạy nghề. Hội cũng tập huấn kiến thức về an toàn lao động và tự khởi sự kinh doanh cho 95 người khuyết tật; hỗ trợ bộ công cụ nghề cho những học viên có kết quả kinh doanh khả thi, với mức 6 triệu đồng/bộ công cụ/người...


Khẳng định cách nhìn nhận của xã hội đối với người khuyết tật đã có sự thay đổi từ chỗ tiếp cận theo nghĩa từ thiện, nhân đạo xã hội sang việc bảo đảm quyền của người khuyết tật, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng: "Cho cần câu hơn cho con cá" tạo việc làm ổn định cho người khuyết tật, giúp họ hòa nhập. Các bộ, ngành, địa phương cần sớm nhân rộng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; mô hình hỗ trợ sinh kế nhằm giúp cho người khuyết tật phát huy khả năng vươn lên trong cuộc sống.


TTN - Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN