Thứ hai đen tối: Chứng khoán thế giới đổ dốc cùng Trung Quốc

Chứng khoán Trung Quốc ngày 24/8 tụt dốc tới gần 9%, cuốn sạch số điểm tăng được từ đầu năm, kích hoạt chuông báo động khắp các thị trường thế giới ngày 24/8: các thị trường châu Á giảm điểm mạnh, thị trường châu Âu nhuộm sắc đỏ còn chứng khoán Phố Wall đồng loạt lao dốc ngay khi mở phiên.


Nhân viên sàn chứng khoán New York (Mỹ) căng thẳng trước những diễn biến xấu của thị trường ngày 24/8.


Chỉ số chứng khoán Thượng Hải của Trung Quốc giảm tới 8,5% giá trị, mức giảm mạnh nhất từ năm 2007. Cổ phiếu 800 công ty, trong đó có cổ phiếu các doanh nghiệp nhà nước lớn, còn giảm giá tới mức được phép tối đa trong ngày là 10%. Chỉ số Thượng Hải giờ đã mất 38% giá trị so với mức cao đỉnh điểm trong tháng 6.

Thị trường chứng khoán mất điểm mạnh ngày 24/8 là do chỉ số hoạt động sản xuất chủ chốt của Trung Quốc ở mức thấp nhất trong 77 tháng qua. Nguyên nhân gốc rễ của cơn biến loạn trên thị trường là: Trong suốt năm qua, các nhà đầu tư cứ liên tục rót thêm tiền vào chứng khoán Trung Quốc trong khi lợi nhuận của các công ty và tăng trưởng kinh tế yếu.

Mức giảm gần 9% giá trị là mức giảm tồi tệ nhất kể từ khi thế giới chìm sâu trong khủng hoảng tài chính năm 2007. Ông Eiji Kinouchi, nhà phân kích kỹ thuật thuộc công ty chứng khoán Daiwa ở Nhật Bản dự báo: “Trung Quốc có thể buộc phải phá giá đồng nhân dân tệ hơn nữa nếu nền kinh tế loạng choạng và thị trường chứng khoán đang đối mặt với một tương lai kinh tế trì trệ”.

Diễn biến ngày 24/8 là một tin rất xấu với chính quyền Trung Quốc vốn đã dốc sức cứu vãn thị trường, kiểm soát cơn khủng hoảng bằng nhiều biện pháp. Mới đây nhất, Trung Quốc ngày 23/8 đã cho phép các quỹ lương hưu đầu tư tới 30% tổng tài sản ròng vào chứng khoán. Đây là động thái mới nhất hỗ trợ chứng khoán của Trung Quốc. Trước đó, một số biện pháp đã được thực hiện như rót tiền cho các nhà môi giới mua cổ phiếu, cấm giới lãnh đạo công ty bán cổ phiếu, ngừng niêm yết cổ phiếu mới, giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, điều tra bán khống cổ phiếu… Mục tiêu của Trung Quốc là giảm thiểu thiệt hại với nền kinh tế. Nước này thực ra vẫn còn công cụ chính sách để hỗ trợ tăng trưởng. Ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể giảm tiếp lãi suất, giảm lượng tiền dự trữ cần có trong các ngân hàng. Ngoài ra, nước này cũng có thể thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, giảm thuế…

Nhà đầu tư theo dõi bảng điện tử chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch ở Tokyo, Nhật Bản ngày 24/8. Ảnh: AFP/TTXVN



Các biện pháp trên trong thời gian gần đây vẫn không ngăn được chứng khoán tiếp tục lao dốc. Tâm lý kinh hãi trên thị trường Trung Quốc đã kéo chỉ số Nikkei của Nhật Bản lúc chốt phiên giảm 4,6%. Chứng khoán Ấn Độ giảm điểm mạnh nhất trong hơn 7 năm qua. Chứng khoán Indonesia và Australia giảm ở mức thấp nhất trong 2 năm.

Lúc giữa phiên 24/8, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đỏ sàn: chỉ số DAX của Đức giảm 4,6%, FTSE 100 của Anh, CAC của Pháp cũng chung số phận giảm điểm.

Lúc mở cửa phiên 24/8 (giờ Mỹ), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm sâu tới 1.089 điểm, tuy sau đó có hồi phục, vào cuối phiên giao dịch buổi sáng thì mức giảm là 350 điểm, tương đương khoảng 2,1%. Chỉ số S&P 500 giảm 2,2%, Nasdaq mất 2,1% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm nay, sau khi đã mất tới 8,8% ở những phiên trước.

Không chỉ xô đổ các chỉ số chứng khoán toàn cầu, chứng khoán Trung Quốc còn khiến thị trường hàng hóa, tiền tệ lao đao. Các đồng tiền châu Á đều giao dịch ở mức thấp hơn so với đồng USD, đồng ruble của Nga giảm giá trị gần 3%.

Theo các nhà phân tích, có ba nhân tố khiến các nhà đầu tư thế giới tháo chạy: lo ngại kinh tế Trung Quốc suy giảm với tốc độ nhanh hơn các nhà phân tích dự báo; không chắc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần chục năm qua; ảnh hưởng của giá dầu rẻ quá mức khiến nhiều nước xuất khẩu dầu và công ty khoan dầu lao đao.


Các nhà phân tích tại UBS cho rằng các ngân hàng trung ương đang sẵn sàng hỗ trợ nếu tâm lý các nhà đầu tư tồi tệ hơn. Dù họ cho rằng giới đầu tư nên chuẩn bị tinh thần đối mặt với thêm biến động nhưng cũng lạc quan rằng các thị trường chứng khoán ở các nước phát triển sẽ lấy lại đà tăng điểm.


Thùy Dương
Chứng khoán Trung Quốc lại bấn loạn, giảm điểm kỉ lục
Chứng khoán Trung Quốc lại bấn loạn, giảm điểm kỉ lục

Chứng khoán Trung Quốc đã có mức giảm sâu nhất kể từ năm 2007, khi mà các biện pháp hỗ trợ của chính phủ đã thất bại, không trấn an được các nhà đầu tư về kịch bản nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang “ổn định”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN