Cách đây chưa lâu, Kfar Aza là một ngôi làng thanh bình và xinh xắn với khoảng 700 cư dân, gần trăm nóc nhà, một trường học, một sân bóng và một nhà cầu nguyện. Tròn 1 tháng sau vụ tấn công của lực lượng Hamas hôm 7/10, phóng viên TTXVN trở lại ngôi làng, hay còn gọi là kibutz, để chứng kiến cảnh hoang tàn và chết chóc của chiến tranh.

Nằm cách biên giới Dải Gaza khoảng 3 km, đây là điểm đầu tiên các tay súng Hamas tìm đến khi vượt qua hàng rào biên giới và bắt đầu vụ tấn công được coi là thảm kịch tội tệ nhất với Nhà nước Do Thái kể từ khi lập quốc năm 1948. Từ thị trấn Netivot đi theo tỉnh lộ 25, còn cách vài cây số con đường dẫn vào làng đã bị lực lượng quân đội chốt chặn, chỉ cho phép những người có nhiệm vụ hoặc một số người dân trong làng được ra vào.

Quân đội Israel (IDF) cho biết, khi các binh sĩ đến đây sau vụ tấn công, họ phát hiện hàng chục thi thể bị tàn sát dã man, trong đó có nhiều trẻ em. Các báo cáo và thống kê cho biết có 17 người đã bị bắt cóc làm con tin đưa sang Dải Gaza. Ước tính trong vụ tấn công trên có khoảng 70 tay súng Hamas đã tràn vào, sát hại người dân, đốt phá tài sản. Tổng cộng có khoảng 60 cư dân của Kfar Aza đã bị sát hại.

Tròn 1 tháng sau vụ tấn công, quang cảnh Kfar Aza chỉ là những ngôi nhà hoang tàn hoặc cháy trụi. Nhà cộng đồng, khu vui chơi không một bóng người. Sân bóng mini còn chiếc lưới rách lỗ chỗ. Những chiếc ghế ban công nằm chỏng chơ. Một vài chiếc xe ô tô bị đốt cháy trơ khung. Những mảng tường bị đạn súng cối bắn tróc lở bê tông. Bàn ghế, đồ đạc chất đống ngổn ngang. Những vết máu khô vẫn còn vương vãi.

Simcha - một tình nguyện viên của Zaka, tổ chức tôn giáo tham gia hỗ trợ các lực lượng chức năng làm công tác tìm kiếm, thống kê, nhận dạng các nạn nhân – kể lại những hình ảnh kinh hoàng mà anh chứng kiến trong những ngày qua. Thỉnh thoảng, Simcha phải dừng lại vì nghẹn lời. Những chi tiết mà Simcha kể, tôi không thể nghe tiếp, vì mức độ quá tàn bạo của cuộc thảm sát.

Khung cảnh hoang tàn tại ngôi làng Kfar Aza.

Chợt thấy một phụ nữ đã luống tuổi đang tần ngần đứng trước ngôi nhà giờ đã là đống đổ nát. Bà Idit Itingel, người đã có 30 năm sinh sống ở Kfar Aza, hôm nay trở lại thu nhặt một số vật dụng thân thiết. Bà cho biết rất may cả gia đình bà hôm đó đều thoát nạn (tôi chưa kịp hỏi lý do). Nhưng nhiều bạn bè, hàng xóm cùng con cái và cha mẹ họ đã bị sát hại hoặc bắt cóc. Nhiều đêm sau đó bà Intingel liên tục mất ngủ vì ám ảnh. Bà tâm sự: “Giờ tôi đang ở tạm chỗ do chính quyền thu xếp. Tôi không biết là sẽ đi đâu, về đâu. Kibutz này là quê hương của tôi, ngôi nhà của tôi, là cộng đồng mà tôi là một thành viên. Giờ tôi mất tất cả”.

Video khung cảnh tan hoang ở Kfar Aza:

Ngôi làng Kfar Aza do những người Do Thái di cư từ Ai Cập và Maroc đến đây đầu tiên lập nghiệp vào năm 1951. Ngoài nghề nông là chủ yếu, ngày nay người dân trong làng còn có một nhà máy sản xuất nhựa, mang lại nguồn thu nhập cao và giúp các hộ dân trong làng hầu hết có cuộc sống khá giả.

Cũng như các ngôi làng gần biên giới Gaza, Kfar Aza có lực lượng dân quân tự vệ, được huấn luyện và trang bị súng đạn. Nhưng trước một cuộc tấn công có tính toán của các tay súng chuyên nghiệp Hamas, họ hoàn toàn bị bất ngờ và nhanh chóng bị áp đảo về quân số.

Quân đội Israel thông báo cuộc tấn công do lực lượng Hamas thực hiện nhằm vào khoảng 20 khu dân cư giống như Kfar Aza. Ước tính có khoảng 2.500 tay súng đã tràn qua biên giới, giết hại tổng cộng 1.400 người Israel, chủ yếu là dân thường, bắt cóc 240 người làm con tin, bao gồm cả người già, trẻ em và phụ nữ.

Kfar Aza là một trong những khu dân cư bị thiệt hại nặng nề nhất. Một tháng sau vụ tấn công của các tay súng Hamas, ngôi làng này vẫn bao trùm bầu không khí hoang tàn và chết chóc. Toàn bộ các hộ dân đều đã được chính phủ Israel di dời và bố trí nơi ở tạm tại các khách sạn ở các thành phố khác.

Các kibutz khác nằm sát biên giới với Dải Gaza, sau khi Israel tuyên bố tình trạng chiến tranh, cũng đều biến thành vùng chiến sự. Rocket và tên lửa của phía Hamas vẫn hàng ngày bắn sang. Người dân không thể trở về một phần do nhà cửa đã bị phá hủy, phần khác nơi đây đã không còn là nơi an toàn cho họ.

Xét về vị trí, nếu có tiếng còi báo rocket vang lên, người dân ở Kfar Aza chỉ có 15 giây để chạy tìm chỗ trú ẩn. Trong lúc nói chuyện với bà Itingel, thỉnh thoảng lại có những tiếng nổ ầm ầm trên đầu khiến tôi không tránh khỏi hoảng sợ. Tuy nhiên, còi báo động không kêu, bởi đó là tiếng nổ của đạn pháo do quân đội Israel bắn đi.

Vết thủng to để lại trên tường nhà dân sau những đợt tấn công.

Kết thúc câu chuyện với bà Itingel, tôi lách vào bên trong một ngôi nhà để ghi hình. Phía trước, toàn bộ mái hiên đã đổ sập, đè lên chiếc bếp nướng BBQ mà các gia đình nơi đây vẫn hay dùng vào dịp cuối tuần. Cánh cửa vẫn còn lỗ chỗ những vết đạn. Trên cái bàn bên trong là một chai nước đang dùng dở. Những món đồ vương vãi trên sàn như vẫn dở dang cảnh sinh hoạt ngày sabbath – ngày lễ cuối tuần trong đạo Do Thái - của cả gia đình.

Nỗi đau mất người thân khiến nhiều người dân Kfar Aza cuối tháng trước đã xuống đường tuần hành ở thành phố Tel Aviv, kêu gọi chính phủ tìm giải pháp cho các con tin đang bị Hamas giam giữ. Tôi đã gặp một phụ nữ lớn tuổi ở đó. Cũng như những người dân Israel khác, bà căm ghét Hamas đến tận xương tủy sau sự kiện ngày 7/10. Nhưng bà cũng nói rằng “cảm thấy bị bỏ rơi” vì các cuộc tấn công của quân đội Israel khiến số phận các con tin, trong đó có người thân của bà, càng trở nên mong manh hơn.

Binh sĩ Israel tham gia giao tranh tại Dải Gaza. Ảnh: TTXVN/AFP

Công ước Geneva năm 1949 về bảo vệ dân thường trong chiến tranh đã quy định các bên xung đột không được tấn công quân sự vào dân thường, không được bắt họ làm tù binh và phải đối xử nhân đạo, đặc biệt là với trẻ em. Dư luận quốc tế đều lên án hành vi của Hamas bắt cóc khoảng 240 con tin là thường dân, trong đó có 30 trẻ em. Tuy nhiên, kể từ khi quân đội Israel phát động chiến dịch tấn công trả đũa mang tên “Kiếm sắt”, ước tính đã có trên 10.000 người ở Dải Gaza thiệt mạng, bao gồm 40% là trẻ em. Đây cũng là điều mà các quốc gia đều đã lên tiếng, kêu gọi cần phải chấm dứt ngay lập tức vòng xoáy bạo lực nhằm vào dân thường.

Khi được hỏi có muốn trở lại Kfar Aza tiếp tục sinh sống nữa hay không, bà Itingel cho biết cả đời bà gắn bó với ngôi làng này, nhưng nó đã bị phá hủy. Tuy nhiên, bà vẫn có thể trở lại đây sống phần đời còn lại nếu Hamas không còn tồn tại ở Dải Gaza.

Từ chỗ là một biểu tượng thành công của mô hình kibutz – hợp tác xã, giờ đây Kfar Aza cũng là biểu tượng nỗi đau. Trong số 20 ngôi làng nằm sát biên giới bị tấn công, Kfar Aza có những gia đình cả nhà bị sát hại, có nhiều trẻ em bị bắt cóc.

Một số chuyên gia đã ví sự kiện 7/10 của Israel với sự kiện 11/9 của nước Mỹ. Từ đây, đất nước, xã hội và con người Israel sẽ có những thay đổi tác động tới nhiều thế hệ. Nỗi đau này sẽ là vết thương tâm lý cần một thời gian rất dài mới có thể nguôi ngoai.

Tiếp xúc với người dân Israel những ngày này mới thấu hiểu nỗi đau mà họ đang phải gánh chịu. Một số người còn có tâm lý cực đoan, muốn những điều con cái họ trải qua cũng sẽ xảy đến với trẻ em ở Dải Gaza. Hy vọng đây chỉ là một vài suy nghĩ thiểu số.

Trong khi đó, ngày 6/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hối thúc các bên trong cuộc xung đột Hamas - Israel ngừng bắn ngay lập tức khi cảnh báo Dải Gaza đang trở thành “mồ chôn trẻ em” sau các trận không kích. Phát biểu tại trụ sở Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh mỗi giờ trôi qua, yêu cầu có một lệnh ngừng bắn càng cấp thiết hơn khi thảm kịch ngày càng tồi tệ. Không chỉ các bên tham gia xung đột mà cả cộng đồng quốc tế đều đang đứng trước một trách nhiệm khẩn cấp và cơ bản là dừng ngay các hành động gieo rắc nỗi đau khổ và tăng cường đáng kể hỗ trợ nhân đạo cho Dải Gaza. Ông cho rằng "cơn ác mộng" ở Dải Gaza không còn là một cuộc khủng hoảng nhân đạo mà đã trở thành cuộc khủng hoảng của nhân loại.

Bên này là Kfar Aza, nơi hậu quả tàn khốc của chiến tranh vẫn còn in dấu. Qua hàng rào biên giới, bên kia là Dải Gaza vẫn đang oằn mình dưới những tiếng nổ ầm ầm của bom đạn. Bạo lực đáp trả bạo lực sẽ tạo ra vòng xoáy không có hồi kết. Chỉ mong sớm có một ngày hàng rào bê tông thép gai sẽ được dỡ bỏ; bãi chiến trường sẽ thành những thửa ruộng nơi người dân Israel và Palestine cùng nhau canh tác và chung sống trong hòa bình.

 

Bài, ảnh: Lê Vũ Hội

Trình bày: Bảo Hà

Đồ họa: TTXVN

08/11/2023 03:45