CÂU CHUYỆN ĐA VĂN HÓA, ĐA CHỦNG TỘC TRONG MỘT GIA ĐÌNH CỦA NHỮNG NGƯỜI CON ĐẤT VIỆT TẠI MALAYSIA VÔ CÙNG PHONG PHÚ. MỖI CÂU CHUYỆN ĐỀU LẤP LÁNH ĐÂU ĐÓ NHỮNG NÉT HẠNH PHÚC RIÊNG VÀ ĐỀU SÁNG LÊN HỒN CỐT VĂN HÓA VIỆT.

Gia đình chị Trúc Linh.

Năm nào cũng vậy, trước Tết Nguyên đán một tháng, chị Trúc Linh đều lên kế hoạch đón Xuân cho gia đình nhỏ bé của mình. Vì các con còn đi học nên dịp Tết Nguyên đán thường chỉ được nghỉ 3 ngày. Do vậy, gia đình chị thường ở lại Kuala Lumpur và điện thoại về thăm gia đình vào đêm Giao thừa.

 

“Tôi nhớ lắm cảm giác tất bật đi chợ Xuân và nấu nướng rồi đợi người thân về quây quần bên mâm cơm tối Giao thừa. Cho dù là ở đâu thì Tết Việt luôn ở trong tôi và tôi muốn mang những nét truyền thống đó vào gia đình nhỏ của mình thông qua các món ăn ngày Tết. Tôi cố gắng làm vài chiếc bánh tét, muối dưa, cuốn nem, cuốn gỏi… Ông xã tôi và các con rất thích và thường giúp tôi làm những món ăn này”, chị Linh chia sẻ.

Sống tại Kuala Lumpur 15 năm và là một cô dâu Việt ở Malaysia, mỗi khi chuẩn bị nấu ăn ngày Tết, chị Trúc Linh giảng giải cho các con về những món ăn cơ bản trong mâm cơm tết của người Việt. Chồng chị Trúc Linh, anh Alam Taifur, một phiên dịch viên, đang làm luận án tiến sỹ tại Đại học Malaya vô cùng thích thú với các món ăn Việt, luôn hào hứng khi vợ “bày vẽ” và ngồi cạnh để hỗ trợ. Anh Taifur luôn ủng hộ kế hoạch đón Xuân của vợ từ việc may áo dài mới, chuẩn bị trang trí nhà cửa để đón lộc đầu năm, cho đến việc chuẩn bị những câu chúc tiếng Việt để giao lưu “face to face” qua điện thoại với gia đình vợ đêm Giao thừa. Anh cũng rất hào hứng theo vợ ra chợ hoa của người Việt để chọn những cành đào ưng ý. Ngày đầu năm mới, chị Trúc Linh cùng gia đình thường diện những chiếc áo dài mới đi chúc Tết bạn bè hoặc đến các siêu thị lớn, nơi có trang trí hội Xuân để chụp ảnh. Với chị, Malaysia như quê hương thứ hai của mình, nơi cho chị một gia đình nhỏ bé, biết chia sẻ và thắp sáng lên văn hóa Việt mỗi ngày.

Bản sắc văn hóa Việt là vẻ đẹp riêng, là cái gốc của nền văn hóa, là những đặc trưng không thể mất trong dòng chảy của cuộc sống cho dù được pha trộn trong một xã hội hiện đại và nhiều màu sắc. Trong những ngày Xuân sang, Tết đến, bản sắc văn hóa Việt càng thể hiện rõ hơn khi những người con xa xứ luôn hướng về quê nhà để được cùng nhau đoàn tụ, sum vầy. Mong về quê Thái Nguyên lắmnhưng Tết đến cũng là dịp cửa hàng tạp hóa của gia đình anh Bùi Trọng Vinh vô cùng đông khách. Do vậy, anh thường chọn ở lại Kuala Lumpur để bán hàng.

Cơ duyên đến với Malaysia của anh Bùi Trọng Vinh xuất phát từ việc anh được tuyển làm phụ bếp cho một khách sạn nổi tiếng tại Kuala Lumpur cách đây 20 năm. Sau 8 năm làm việc, anh yêu và kết hôn với chị Toh Chong Pei, người Mã gốc Hoa. Sau khi kết hôn, anh chị đã xây dựng gia đình nhỏ của mình với một quầy tạp hóa Việt Nam rộng khoảng 50m2 trong một khu dân cư đông đúc của người Hoa tại Kuala Lumpur.

 

Chị Toh Chong Pei bán đồ ăn Việt tại chợ đêm trên đường Pasar Malam, Kuala Lumpur. 

Ngoài việc kinh doanh, gia đình anh Vinh còn đăng ký bán hàng tại 5 chợ đêm trong một tuần, trong đó có ba buổi bán món ăn Việt như nem rán, gỏi cuốn tôm thịt và bánh cuốn. Chị Pei đã trở thành gương mặt quen thuộc của ẩm thực Việt tại các khu chợ đêm. Chị cuốn nem thoăn thoắt và tráng bánh cuốn cũng rất nhanh.

 

Đến thăm nhà anh chị vào buổi chiều giáp Tết, anh Vinh tất bật trang trí mâm cơm cúng với đầy đủ món ăn Việt như bánh chưng do tự tay anh gói, giò, chả, nem rán, kiệu muối, gà luộc...

Anh Vinh vừa tất bật vừa phấn khởi nói: “Nhìn không khí gia đình đầm ấm bên mâm cơm ngày Tết với đủ các món ăn truyền thống, tôi rất vui khi thấy giá trị gia đình Việt được trân trọng nâng niu. Nhất là ẩm thực Việt không bị mất đi mà còn được lan tỏa, đến với người nước ngoài và nhận được sự đón nhận khắp mọi nơi ở Malaysia”.

Gần Tết, cửa hàng của anh Vinh cũng gói bánh chưng và nhận đặt hàng các món ăn Việt. Cửa hàng của anh còn bày bán cành đào, chậu quất và rất nhiều cây cảnh trang trí Tết. Cửa hàng của anh Vinh giờ là địa chỉ quen thuộc của người Việt tại Kuala Lumpur.

Cũng như anh Trọng Vinh, anh Nguyễn Đắc Thiệp kết hôn với chị Siti Yusof, người Malayisa từ năm 2015. Là người thích vào bếp, anh Thiệp thường làm món ăn Việt Nam mời gia đình bên ngoại cùng thưởng thức. Bánh chưng là một trong những món không thể thiếu được mỗi khi Tết đến. Do người Hồi giáo không ăn thịt lợn nên anh Thiệp đã thay nhân bánh chưng bằng thịt gà. Sự sáng tạo của anh được chị Siti ủng hộ và cảm thấy thích thú. Chồng gói bánh, chị và con gái đến ngồi sắp lá và chuẩn bị dây lạt. Chị Siti tâm sự: “Malaysia cũng có một vài loại bánh truyền thống nhân dịp Hari Raya, Tết của người Hồi giáo, nhưng tôi rất thích bánh chưng và không khí nhộn nhịp mỗi khi chồng tôi gói bánh ở nhà. Đặc biệt hơn khi tôi được ăn loại bánh này ở quê chồng trong thời tiết se lạnh của ngày Xuân cùng với mấy loại dưa góp”.

Để gói bánh ăn Tết và biếu gia đình vợ, anh Thiệp đã tự tay đi chọn từng chiếc lá dong, từng miếng thịt đùi gà, lọc xương, tẩm ướp rồi rủ vài người bạn Việt đến nhà gói bánh.

Mặc dù số rể Việt tại Malaysia không nhiều, song nhìn cách những người con xa xứ cho dù là dâu hay rể thể hiện trong những ngày Tết, thì đều thấy Tết Việt đã ngấm vào máu, ăn sâu vào ký ức và họ háo hức, mong muốn chia sẻ với gia đình nhà chồng, nhà vợ về những nét đẹp truyền thống của người Việt.

Đại gia đình anh Thiệp cùng nhau quây quần gói bánh chưng.

 

Bài, ảnh: HẰNG LINH (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)

Trình bày: Bảo Hà

09/02/2024 06:23