"Năm anh em" ở Séc - Nghĩa nặng tình sâu

Hằng ngày ông Vương Quốc Viễn là chủ quán Phở Hải Anh trên một con phố lớn ở trung tâm Praha (CH Séc). Nhưng ông không bao giờ quên mình vốn là một người lính bởi ông là Chủ tịch "Hội Năm anh em".

 

Ông Vương Quốc Viễn thích khoác áo lính vào những dịp trọng đại của gia đình và cộng đồng.

 

Các thành viên của "Năm anh em" đều từng là bộ đội. Hiện tại họ không chỉ có mặt ở Séc mà cả ở bên Đức. Họ không chỉ có năm anh em như tên gọi - con số thành viên ban đầu là 29, bây giờ là 34. Nếu cộng thêm con cái, dâu rể, cháu chắt và những người bạn thì họ lên tới con số trăm. Họ có nhiều đóng góp cho cộng đồng người Việt ở Séc và cũng có tầm ảnh hưởng đáng kể. Họ là thành viên câu lạc bộ của những cựu binh tăng - thiết giáp.

 

Ông Vương Quốc Viễn tâm sự với phóng viên TTXVN: "Tổ chức của chúng tôi thành lập 5/10/2009 nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Gồm những anh em từng phục vụ trong binh chủng Tăng - Thiết giáp và nhà máy quốc phòng Z153, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đã đi hợp tác lao động ở Đông Âu. Trở lại đời thường, chúng tôi muốn ôn lại những kỷ niệm năm tháng trong quân đội, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với nhau".

 

Cái tên "Năm anh em" có ý nghĩa vừa cụ thể, vừa mang tính biểu tượng: Năm 1959 Binh chủng Tăng - Thiết giáp ra đời và được Liên Xô viện trợ loại xe tăng T34 với biên chế năm người - trưởng xe, pháo thủ số 1, pháo thủ số 2, lái xe số 1, lái xe số 2. Cũng từ đó mà nhạc sĩ Doãn Nho đã sáng tác bài hát "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" rất nổi tiếng - "Năm anh em mỗi đứa một quê. Đã lên xe ấy là cùng một hướng. Nổ máy lên ta một dạ xung phong. Trước quân thù là chỉ biết có tiến công...".

 

Nào, cùng ca vang bài "Năm anh em trên một chiếc xe tăng"!

 

Mới ra đời chưa được năm năm, còn "trẻ người" hơn rất nhiều tổ chức xã hội, nghề nghiệp, đồng hương, sở thích... nhưng "Năm anh em" đã để lại dấu ấn sâu đậm trong cộng đồng bởi phong cách "rất lính", rất tình người. Dịp 27/7 hằng năm cũng là lúc "Năm anh em" thể hiện tấm lòng tri ân đối với năm người mẹ, người vợ liệt sỹ là thân nhân của các thành viên Hội. Món quà một triệu đồng Việt Nam đối với mẹ, vợ liệt sỹ còn sống và năm trăm nghìn đồng hương khói với người đã khuất được trân trọng trao gửi, mang nặng tình nghĩa hơn giá trị vật chất mà nó vốn có.

 

Trong số năm người mẹ liệt sỹ đó có một người là Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Sửu và đồng thời là mẹ của Anh hùng Lực lượng Vũ trang Ngô Quang Nhỡ. Chiến sỹ xe tăng Ngô Quang Nhỡ hy sinh lúc 11 giờ ngày 30/4/1975, trước đầu cầu Tân Cảng, nay đổi tên thành cầu Sài Gòn. Chỉ 30 phút nữa thôi là Sài Gòn được giải phóng nhưng anh Nhỡ đã không được chứng kiến giây phút lịch sử hào hùng ấy. Mẹ Sửu có ba người con là liệt sỹ và giờ đây mẹ cũng đã về với các anh rồi...

 

Chiến tranh đã lùi xa, tuổi của những cựu binh tăng - thiết giáp và cựu công nhân Z153 cũng đã ở tầm làm ông, làm bà. Bởi vậy họ càng thấm thía sự ấm áp tình đồng đội ở nơi đất khách quê người. Dẫu đầu tắt mặt tối mưu sinh khi lẽ ra đã được nghỉ ngơi nhưng các thành viên của "Năm anh em" vẫn ngong ngóng một ngày hội ngộ thật đầy đủ, thật vui vẻ, được gọi nhau là "quê" thay cho danh xưng "đồng chí", "đồng hương" - quê Viễn, quê Nhật, quê Hiện, quê Lập... Cuối tháng 6 hằng năm là dịp các cựu binh, cựu công nhân quốc phòng cùng gia đình, bạn bè tụ họp ở một thành phố nào đó của Séc, thậm chí là "vượt biên" sang Đức. Cái đinh của cuộc gặp mặt là "đêm không ngủ" với lửa trại, với món quà sinh nhật cho những ai tròn 40, 50, 60 tuổi, với những lời tâm sự, vần thơ, bài ca mang hơi thở của những ngày "tiếng hát át tiếng bom"...

 

Rất dễ nhận thấy rằng tấm lòng đối với cộng đồng, đối với quê hương của các cựu binh Tăng - Thiết giáp vẫn sôi sục như thuở đầu xanh. Họ cùng với các cựu binh khác là nòng cốt của cuộc biểu tình đầy khí thế của hàng nghìn người Việt trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Praha vào những ngày tháng 5 rực lửa. Họ cũng là nòng cốt của một tổ chức xã hội rất có ý nghĩa trong cộng đồng người Việt tại Séc sắp sửa ra đời - hội của những người từng mặc áo "lính Cụ Hồ" đủ các sắc màu.

 

Bài, ảnh: Trần Quang Vinh

Quyết định của Chủ tịch nước về việc tặng quà nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ
Quyết định của Chủ tịch nước về việc tặng quà nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Ngày 8/7, Chủ tịch nước đã có Quyết định số 1525/QĐ-CTN về việc tặng quà nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2014).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN