Những Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ:

Liệt sĩ Tô Vĩnh Diện - Người anh hùng lấy thân mình chèn bánh pháo

Đồng chí Tô Vĩnh Diện (1924-1954) là người anh hùng của lực lượng pháo cao xạ đầu tiên ngã xuống trên mặt trận Điện Biên Phủ, được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Khi hy sinh, đồng chí là Tiểu đội trưởng pháo cao xạ 37mm thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn phòng không 367.

Chú thích ảnh
Anh hùng Tô Vĩnh Diện - người khẩu đội trưởng 26 tuổi kiên cường, hy sinh thân mình để cứu pháo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Gương mẫu, đi đầu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Đồng chí Tô Vĩnh Diện sinh năm 1924, quê ở xã Nông Trường, huyện Nông Cống (nay là huyện Triệu Sơn), tỉnh Thanh Hoá.

Năm 1946, đồng chí Tô Vĩnh Diện tham gia lực lượng dân quân ở địa phương.

Năm 1949, đồng chí xung phong vào bộ đội, chiến đấu ở nhiều vị trí, nhiều đơn vị. Đồng chí luôn gương mẫu, đi đầu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 5/1953, quân đội ta thành lập các đơn vị pháo cao xạ đầu tiên để chuẩn bị cho trận đánh lớn. Tô Vĩnh Diện được triệu tập để tham gia lực lượng pháo phòng không sắp thành lập. Khi đơn vị cao xạ được thành lập, đồng chí cùng đơn vị sang Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để huấn luyện.

Trong thời gian huấn luyện, Tô Vĩnh Diện được chỉ định là Trung đội phó thuộc Đại đội 829, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367 và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Tháng 12/1953, Tô Vĩnh Diện cùng đơn vị về nước và ngay lập tức hành quân lên Điện Biên Phủ để chuẩn bị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng chí được điều về Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn phòng không 367, làm Tiểu đội trưởng pháo cao xạ 37mm.

Dũng cảm hy sinh lấy thân mình chèn bánh pháo

Từ ngày 16 đến ngày 24/1/1954, được sự trợ giúp của bộ binh và công binh, các đơn vị pháo trong đó có đơn vị của đồng chí Tô Vĩnh Diện bắt đầu kéo pháo bằng sức người tới vị trí tập kết để tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trên chặng đường hành quân dài khoảng 1.000km và khi kéo pháo qua những đoạn đường khó khăn gian khổ, Tô Vĩnh Diện luôn xung phong lái pháo, gương mẫu, động viên đồng đội đưa pháo đến nơi tập kết an toàn.

Để đảm bảo cho Chiến dịch Điện Biên Phủ chắc thắng, ngày 26/1/1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ quyết định đổi phương án tác chiến từ "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc". Các đơn vị pháo binh nhận được mệnh lệnh từ Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ phối hợp với bộ binh kéo pháo ra, trong đó có đơn vị của Tô Vĩnh Diện. Kéo pháo vào đã gian khổ, khó khăn, kéo pháo ra lại càng gay go, trắc trở. Những lúc gặp chặng đường nguy hiểm, Tô Vĩnh Diện luôn xung phong ở những vị trí khó khăn để bảo đảm an toàn cho pháo.

Đêm ngày 1/2/1954, trời mưa, đường trơn, trên đường kéo pháo ra, tới dốc Chuối - một dốc nghiêng 70 độ, đường hẹp và cong rất nguy hiểm - Tô Vĩnh Diện cùng đồng chí Ty xung phong lái pháo. Nửa chừng, dây tời bị đứt, pháo lao nhanh xuống dốc, Tô Vĩnh Diện vẫn bình tĩnh giữ càng, lái cho pháo xuống thẳng đường. Nhưng không may, một trong bốn dây kéo pháo lại bị đứt tiếp, khẩu pháo càng lao nhanh, đồng chí Ty bị hất xuống suối. Trong hoàn cảnh hiểm nghèo đó, Tô Vĩnh Diện hô anh em “Thà hy sinh, quyết bảo vệ pháo” và buông tay lái chạy lên phía trước, lấy thân mình lao vào chèn bánh pháo. Khẩu pháo bị vướng, nghiêng dựa vào sườn núi và dừng hẳn. Đơn vị kịp ghìm giữ được khẩu pháo dừng lại, đưa Tô Vĩnh Diện ra ngoài.

Khi được đồng đội ứng cứu, anh chỉ kịp hỏi: “Pháo có việc gì không?” rồi kiệt sức, hy sinh. Lúc đó là 2 giờ 30 phút ngày 1/2/1954. Tấm gương hy sinh cứu pháo của Tô Vĩnh Diện được toàn mặt trận cảm phục, noi gương đưa pháo ra an toàn. Đồng chí được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Ngày 7/5/1956, đồng chí Tô Vĩnh Diện được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân theo Quyết định số 118/LCT.

Những kỉ vật của Liệt sĩ Tô Vĩnh Diện tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ:

Trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có hàng ngàn tài liệu, hiện vật có giá trị trong đó có nhóm hiện vật đặc biệt, là kỷ vật của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Vĩnh Diện. Hiện vật tuy đơn sơ, mộc mạc, nhỏ bé nhưng chứa đựng giá trị lịch sử và tình cảm thiêng liêng.

- Con dao: được làm bằng thép, có kích thước dài 40cm, rộng bản 5.2cm. Đây là di vật đã gắn liền với đồng chí Tô Vĩnh Diện. Theo lời kể của đồng chí Trần Quốc Trân nguyên Trung đội trưởng của đồng chí Tô Vĩnh Diện thì vào chiều ngày 1/2/1954, đồng chí Tô Vĩnh Diện đã sử dụng con dao này vào rừng để chặt cây ngụy trang cho pháo tránh sự phát hiện của máy bay Pháp.

- Bi đông: có kích thước cao 18cm, đường kính miệng 3,3cm, chu vi 37cm được làm bằng nhôm màu xanh quân sự. Trên bi đông có chữ Phạm 83. Đây là chiếc bi đông được cấp phát trong thời gian đồng chí Tô Vĩnh Diện tham gia khóa học về pháo tại Nam Ninh - Trung Quốc.

 - Bát sắt: cũng giống với chiếc bi đông, chiếc bát sắt này cũng được cấp phát trong thời gian đồng chí Tô Vĩnh Diện tham gia khóa học về pháo tại Nam Ninh - Trung Quốc.

- Áo bông: đây là chiếc áo đồng chí Tô Vĩnh Diện đã mặc trong suốt thời gian kéo pháo. Mặc dù thời tiết vào mùa đông lạnh giá nhưng chiếc áo đã thấm đẫm những giọt mồ hôi trong khi kéo pháo. Áo đã bạc màu nhưng giá trị lịch sử của nó vẫn còn nguyên vẹn như minh chứng cho lòng quyết tâm, quả cảm của đồng chí nói riêng và của các chiến sĩ Điện Biên nói chung.

Hiện nay, hài cốt của liệt sĩ Tô Vĩnh Diện được Nhà nước quy tập và an táng tại nghĩa trang đồi A1, thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Di tích Đường kéo pháo bằng tay năm xưa đã được xây dựng, ở đó có đặt một tượng đài kéo pháo hoành tráng mô phỏng cảnh trung đội pháo của đồng chí Tô Vĩnh Diện đang kéo khẩu pháo xuyên rừng, vượt dốc vào trận địa. Nơi đồng chí Tô Vĩnh Diện hy sinh cũng được đặt bia nhằm tôn vinh sự hành động “Vì nước quên mình” của đồng chí.

- Khẩu pháo 37mm, mang số hiệu 510681 do Liên Xô sản xuất năm 1939,  (hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân) gắn liền với tấm gương hy sinh của liệt sĩ Tô Vĩnh Diện được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận là Bảo Vật quốc gia đợt 1 (ngày 1/10/2012) cùng 29 hiện vật tiêu biểu khác trong hệ thống bảo tàng, di tích quốc gia Việt Nam.

- Tên của Liệt sĩ Tô Vĩnh Diện đã được đặt cho nhiều tên đường và tên trường học ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

 

[Nguồn: Chân dung anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 162; Chuyện kể Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr. 190, 191]

Hoàng Yến (tổng hợp)
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Vang mãi bản hùng ca
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Vang mãi bản hùng ca

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), ngày 9/4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình tổ chức gặp mặt 70 đại biểu đại diện cho gần 300 chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến quê hương Thái Bình trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN