Đẩy mạnh cho vay tín chấp tiêu dùng

Hướng vào thị trường tiêu dùng, thời gian qua các ngân hàng (NH) chạy đua giành thị phần tín dụng. Vì rằng, nếu so với cho vay thế chấp thì cho vay tín chấp tiêu dùng đem lại lợi nhuận cao hơn. Việc các NH tập trung đẩy mạnh cho vay tín chấp để tăng lợi nhuận kinh doanh là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay.

Tăng lợi nhuận

Không bị các NH “truy tìm” dồn dập như thời gian trước đây 1 năm, nhưng trung bình 1 tháng, chị Trần. T. M. Dung, cán bộ văn phòng của một cơ quan nhà nước tại quận 3 cũng nhận không ít vài cuộc gọi mời làm thẻ tín dụng, vay tín chấp với lãi suất hấp dẫn ở các NH ngoại lẫn nội. Chị Dung cho hay, nếu làm thẻ tín dụng, lãi suất các NH mời chào thường hơn 2%/tháng, chưa kể phí thường niên (tùy theo chuẩn thẻ) từ 350.000 đồng đến 2 triệu đồng/năm. Nếu vay tín chấp tiêu dùng, lãi suất sẽ vào khoảng 20,5%/năm.

Ông Vũ Hồng Dụ, Giám đốc chi nhánh NH Agribank Lý Thường Kiệt, quận 10, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, cuối tháng 6 vừa qua NH đã chủ động làm việc với chính quyền và các đoàn thể trên địa bàn quận để giới thiệu sản phẩm gói tín dụng dành riêng cho các cán bộ, công nhân viên chức (CBCNVC) của NH, phối hợp triển khai gói tín dụng này đến các đơn vị, cơ quan, đoàn thể. Agribank còn hạ lãi suất cho vay xuống mức 7 - 9%/năm và mở rộng máy EDC/POS để tăng nguồn thu từ thẻ... Nhờ vậy, trong năm 2014, tổng số thẻ phát hành năm là 57.246 thẻ, 211 máy EDC/POS với doanh số giao dịch đạt 96,5 tỷ đồng, tăng 30,7 tỷ đồng so với năm 2013. Tổng doanh thu phí dịch vụ cũng đạt 8,635 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với năm 2013.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, lợi nhuận cho vay tín chấp chiếm gần 90% lợi nhuận của NH. Để khai thác hết tiềm năng của thị trường này và đón đầu thông tư của Ngân hàng nhà nước (NHNN) về yêu cầu bắt buộc các ngân hàng thương mại (NHTM) muốn cho vay tiêu dùng phải thành lập công ty tài chính (CTTC), nhiều NH thay vì thành lập mới đã mua lại các CTTC để đẩy mạnh mảng cho vay tiêu dùng. Điển hình đầu tháng 4/2015, HDBank và Tập đoàn Tài chính Credit Saison của Nhật Bản đã hoàn tất các thủ tục góp vốn tại HDFinance và đổi tên thành Công ty TNHH Tài chính HD Saison (HD Saison Finance).

Lo ngại rủi ro

Đánh giá về việc các NHTM đua nhau thành lập và mua lại CTTC để đẩy mạnh phát triển dịch vụ NH bán lẻ, đặc biệt là hướng đến phân khúc thị trường cho vay tiêu dùng, TS Lê Hồ An Châu, Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho biết, các NHTM muốn chuyên môn hóa việc cung cấp sản phẩm dịch vụ này. Mặc khác, các CTTC không chịu nhiều ràng buộc về tài sản đảm bảo, quy trình quản trị rủi ro… do đó cơ chế hoạt động linh hoạt hơn và có thể chuyên môn hóa trong kiểm soát rủi ro. Ngoài ra, đặc thù của sản phẩm này là giá trị của khoản vay nhỏ và thường không yêu cầu về tài sản đảm bảo, thủ tục nhanh chóng, điều kiện cho vay cũng không quá chặt chẽ so với các loại hình cho vay khác, lãi suất cao, nên hứa hẹn lợi nhuận và cơ hội tăng trưởng cao, nên các NHTM đều đẩy mạnh cho vay tín chấp. Tuy nhiên, TS Lê Hồ An Châu cũng lo ngại rủi ro thu hồi nợ khi các NHTM, CTTC “mải mê” cho vay mà quên quản trị doanh nghiệp.

Trong khi biên lợi nhuận trong cho vay doanh nghiệp hiện chỉ còn 2 - 2,5%, thậm chí thấp hơn, thì với tín dụng nhỏ lẻ, các ngân hàng vẫn hưởng mức chênh lệch 6 - 7%/năm.

Ngay cả bản thân khách hàng vay tín chấp cũng dễ gặp rủi ro nếu không đọc kỹ hợp đồng vay vốn. Thực tế cho thấy, với gói vay tín chấp thấu chi qua lương CBCNVC mà Agribank Lý Thường Kiệt đã triển khai, thì lãi suất 7 - 9%/năm chỉ áp dụng cho thời gian 3 tháng và 6 tháng đầu tiên của năm vay, thời gian còn lại sẽ áp dụng theo lãi suất thả nổi (dựa trên lãi suất huy động 12 tháng cộng thêm 4%). Trong khi đó, lãi suất cứ 6 tháng mới điều chỉnh một lần, nếu lãi suất huy động tăng cao vào lúc thời điểm điều chỉnh thì người vay vốn sẽ bị trả lãi cao trong thời gian dài.

Một số ngân hàng còn đưa ra gói lãi suất ưu đãi 0%/năm trong tháng đầu giải ngân, với kỳ vọng thu hút khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, tuy nhiên, lãi suất những tháng sau ở mức cao 15 - 17%/năm. Đáng chú ý, có những ngân hàng, nhất là ngân hàng nước ngoài tính lãi suất trên dư nợ ban đầu, thay vì dư nợ giảm dần, nên tổng lãi vay thực trả mà khách hàng phải trả cho nhà băng gấp đôi lãi danh nghĩa.

Theo lý giải của các NH, việc áp dụng mức lãi suất cao là để bù đắp rủi ro lớn có thể xảy ra đối với loại hình tín dụng này. Vì trong thời gian qua, các NH gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ. Lãnh đạo một NH ở chi nhánh Vũng Tàu cho biết, NH đã gặp vài rắc rối khi cho vay tiêu dùng mua ô tô. Theo nguyên tắc, khi cho vay tiêu dùng mua ô tô, khách hàng chỉ thế chấp cà vẹt gốc. Thế nhưng, nhiều khách hàng làm ăn thua lỗ, đã tìm cách báo mất cà vẹt ô tô để được cấp cà vẹt mới, rồi từ đó bán tháo ô tô khiến NH mất trắng tiền, nếu kiện cáo cũng theo “hầu” rất lâu, mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.


Hải Yên
Vốn cho vay hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả cao
Vốn cho vay hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả cao

Tổng vốn cam kết cho vay trong chương trình kết nối ngân hàng (NH) – doanh nghiệp (DN) đến ngày 21/6 đã lên đến 65.300 tỷ đồng, vượt hơn 5 ngàn tỷ đồng so với kế hoạch cả năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN