Nhật Bản tìm mọi cách kéo dân về nông thôn

Các vùng quê của Nhật Bản ngày càng trở nên vắng vẻ do tỷ lệ sinh thấp và tình trạng người trẻ bỏ lên thành phố mưu sinh. Đủ mọi hình thức khuyến khích đã được thực hiện, song nhiều tỉnh, thị trấn vẫn trong tình trạng đi đâu cũng thấy người già, thậm chí có nguy cơ trở thành “thị trấn ma”.

Mishima, thành phố nhỏ với 379 người dân ở phía nam Nhật Bản, đang phải đối mặt với tình trạng dân số sụt giảm mạnh. Các quan chức địa phương sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đảo ngược tình trạng này. Và họ đã có một ý tưởng độc đáo, đó là lập chương trình tặng bò sữa miễn phí cho cư dân mới. Bất kỳ ai sẵn lòng đóng gói hành lý và chuyển tới sinh sống ở đây sẽ được tặng miễn phí một con bò hoặc 500.000 yen tiền mặt (khoảng 95 triệu đồng). Tuy nhiên, ý tưởng này đã không mang lại kết quả như mong đợi. Shingo Hidaka, một quan chức địa phương, cho biết: “Chương trình đã được thực hiện hơn 20 năm nay, nhưng cho đến giờ mới chỉ có một người tới nhận bò”.

Nhật Bản đang đối mặt với vấn nạn dân số già.

Mishima không phải là nơi duy nhất thực hiện sáng kiến thu hút dân cư. Trong nỗ lực nhằm thu hút người dân, các thành phố nhỏ trên khắp đất nước Nhật Bản đã tìm mọi cách từ tặng gạo, miễn phí bữa trưa, dịch vụ chăm sóc y tế và cả vé vào các khu tắm nước nóng - một dịch vụ cực hút khách ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy những nỗ lực trên không thể giải quyết được hai mối đe dọa lớn đối với đất nước mặt trời mọc là dân số già tăng nhanh và tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Chính phủ nước này ước tính dân số có thể giảm xuống còn 86 triệu dân trong vòng 40 năm tới từ mức 127 triệu dân hiện tại. Dự kiến sẽ có tới 40% dân số Nhật Bản trên 65 tuổi trong thập kỉ tới, tăng 25% so với hiện nay. Giới chuyên môn cảnh báo rằng tới năm 2040, khoảng một nửa các tỉnh, thành của Nhật Bản sẽ đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng sụt giảm dân số khó có thể cứu vãn, mà chủ yếu là do sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng nữ giới ở nông thôn. Bên cạnh đó, sụt giảm dân số còn gây tổn thương cho nền kinh tế vĩ mô và làm trầm trọng hơn khủng hoảng nợ công ở Nhật Bản.

Người di cư vào các thành phố lớn chủ yếu là người trong độ tuổi lao động. Họ đổ xô về Osaka và Tokyo. Hai thành phố này hiện là nơi sinh sống của khoảng 30 triệu dân, bằng 1/4 dân số cả nước. Ông Hiroya Masuda, cựu Bộ trưởng Nội vụ và Bưu chính, nhận định: “Nhật Bản sẽ mất đi sự cân bằng khi dân số Tokyo bị quá tải, còn ở nông thôn thì lại chả có ai sinh sống. Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc”.

Ngôi làng Nanmoku, cách thủ đô Tokyo 100 km về phía tây bắc, là một ví dụ. Nanmoku là nơi có dân số già nhất cả nước với 57% dân số trên 65 tuổi. Chính phủ ước tính rằng sẽ chỉ có 700 người còn sinh sống ở Nanmoku vào năm 2040, so với 2.200 người hiện nay. Nanmoku hiện đang đưa ra những ưu đãi như miễn phí bữa trưa và dịch vụ y tế tại các trường học cho bất cứ người nào sẵn lòng chuyển tới sống tại đây.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết kế hoạch hành động cho đến cuối năm nay nhằm kiềm chế tình trạng sụt giảm dân số và ổn định dân số Nhật Bản ở mức 100 triệu người. Một quan chức cấp cao trong chính phủ cho biết: “Chính phủ Nhật Bản đã thực sự cảm nhận được sự khủng hoảng về vấn đề sụt giảm dân số nghiêm trọng ở các vùng nông thôn”.

Các dự án xây dựng tại khu vực xảy ra thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2011 đã tạo ra nhiều việc làm. Nhưng nhiều người lo ngại rằng sẽ khó có thể ngăn được những người trẻ tuổi di cư tới các thành phố lớn vì các dự án này chỉ mang tính tạm thời.

Manami Suziki, một người dân, chia sẻ: “Nếu các con tôi quyết định lập nghiệp tại những thành phố lớn khi chúng trưởng thành, tôi nghĩ là mình sẽ chẳng có lí do gì để ngăn cản chúng. Tôi thực sự không thể tưởng tượng nổi thị trấn nơi tôi sống sẽ ra sao trong 30 năm nữa khi lũ trẻ lần lượt bỏ đi”.

Yến Vy

Thế giới chưa sẵn sàng đối mặt tình trạng dân số già
Thế giới chưa sẵn sàng đối mặt tình trạng dân số già

Dự báo với tốc độ già hóa dân số toàn cầu hiện nay, tới năm 2050, số người cao tuổi trên thế giới (tính từ 60 tuổi trở lên) sẽ lần đầu tiên vượt số thiếu niên dưới 15 tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN