Thị trường lao động ở Séc: Thiếu kết hợp giữa đào tạo và tuyển dụng

Theo số liệu của Cơ quan thống kê Séc, tình hình việc làm của giới trẻ ở CH Séc đang được cải thiện, song khá chậm chạp. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên vẫn đứng ở mức khá cao bởi các công ty và doanh nghiệp thường có xu hướng chọn những người lớn tuổi hơn và đã có kinh nghiệm làm việc.

Nhà máy thiết bị điện tử Tatung của Đài Loan ở tỉnh Plzeň tạo nhiều việc làm cho thanh niên Séc. Ảnh: Quang Vinh.


Trong năm 2013 tình hình đã được cải thiện chút ít, song tỷ lệ trung bình những người ở độ tuổi từ 15 đến 34 không thể tìm được việc làm vẫn vượt mức 20%. Năm 2013 tỷ lệ không có việc làm sau khi tốt nghiệp một trường nào đó trong thanh niên ở mức 24,6% và con số này là 28% trong năm 2012.

Giới trẻ là tầng lớp bị tác động trước tiên bởi những biến động kinh tế. Năm 2010 khi khủng hoảng kinh tế lên tới đỉnh điểm, tỷ lệ thanh niên ở độ tuổi từ 15 đến 34 bị thất nghiệp lên tới 30,8%. Trong khi đó tỷ lệ này năm 2008 chỉ là 19,1%.

Căn cứ theo con số thống kê tại Séc, trình độ học vấn càng cao thì cơ hội việc làm càng lớn. Những người tốt nghiệp đại học thường gặp ít vấn đề khó khăn về công ăn việc làm. Trong số này chỉ có khoảng 15% không tìm được việc làm. Đối với những người tuy đã có trình độ trung học phổ thông nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận trưởng thành thì khả năng thất nghiệp là 30%. Còn các bạn trẻ chỉ có giấy chứng nhận tốt nghiệp trường tiểu học bình thường (9 năm) thì hầu như không tìm được việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp trong số này lên tới gần 80%.

Điều đáng lưu ý là các công ty và doanh nghiệp thường chọn những nhân viên có kinh nghiệm và cố gắng giữ chân những người đang làm việc bởi họ không muốn đầu tư kinh phí cho việc đào tạo những người mới. Theo Cơ quan thống kê Séc, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp thường cố gắng không sa thải nhân viên.

Trong khi đó chỗ làm việc mới rất hiếm vì thế những sinh viên mới ra trường lâm vào tình cảnh không thể xin việc. Có thể hình dung tình cảnh của các sinh viên vừa tốt nghiệp ở Séc qua một ví dụ cụ thể: một chỗ trống trên thị trường lao động thu hút tới 80 ứng cử viên trong vòng sáu tháng.

Theo các chuyên gia, không tìm được việc làm ngay sau khi ra trường là nguyên nhân của vô số hiện tượng tiêu cực: kỹ năng làm việc bị mai một, mức sống thấp, bi quan, chán nản, tương lai ngày càng mù mịt... Lối thoát cho tình trạng này là sự phối hợp chặt chẽ giữa khâu đào tạo và khâu tuyển dụng vốn được ứng dụng thành công ở một số nước Tây Âu như Đức và Áo.


 Ngọc Mai (P/v TTXVN tại Praha)


Nâng cao ý thức nghiên cứu, học tập của sinh viên Việt tại Séc
Nâng cao ý thức nghiên cứu, học tập của sinh viên Việt tại Séc

10 nghiên cứu sinh, sinh viên Việt Nam tại CH Séc đã tham gia Hội thảo sinh viên nghiên cứu khoa học tại Séc lần thứ nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN