Ukraine: Những nẻo đường di cư

Chiến sự bùng nổ, nhiều người Ukraine bỏ lại quê nhà lên đường di cư. Nhưng cuộc sống đi tìm một chốn yên ổn để tị nạn nơi đất khách quê người của họ chỉ đi từ bất ổn này đến mờ mịt khác.

Anh Zelenyuk là một trong số hàng trăm ngàn người Ukraine đang ở Ba Lan.


Mang theo hai túi hành lí và một thẻ tín dụng, anh Volodymyr Zelenyuk cùng vợ rời thành phố Antratsyt ở Đông Ukraine, bắt đầu một hành trình dài qua bán đảo Crimea (Crưm), thủ đô Kiev và cuối cùng đến Ba Lan xin tị nạn. “Nếu bị từ chối, tôi không biết sẽ làm gì. Nhưng tôi cũng không thể quá lạc quan”.

Kể từ khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ đầu năm ngoái, dòng người Ukraine di cư đến Ba Lan và các quốc gia châu Âu khác xin tị nạn không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu tỏ ra thận trọng, miễn cưỡng trong việc mở cửa biên giới cho dòng người nhập cư tìm kiếm việc làm. Hồ sơ xin tị nạn họ cũng vì thế hoặc phần lớn bị từ chối, hoặc bị giam trong bàn giấy.

Theo bà Marta Jaroszewicz, điều phối viên dự án di cư tại Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông ở thủ đô Vacsava (Ba Lan), lí do người Ukraine bị từ chối “rất rõ ràng”. “Ukraine là một đất nước có diện tích lớn. Chỉ một phần nhỏ lãnh thổ quốc gia này đang không an toàn, vì vậy họ có thể di cư ở trong nước”.

Con số những người di cư Ukraine sẽ là nhỏ nếu so với hàng chục ngàn người từ Trung Đông hay châu Phi liều mình băng qua Địa Trung Hải vào Italy, song vẫn tiếp tục tăng lên và nhóm người Ukraine giờ đây trở thành nhóm xin tị nạn lớn nhất ở nhiều quốc gia châu Âu.

Năm 2013, có 1.060 người Ukraine xin tị nạn ở Liên minh châu Âu. Năm 2014, sau khi cuộc xung đột bùng nổ ở Đông Ukraine, con số này tăng lên 14.040 người. “Họ đến Ba Lan, Đức, Italy, Pháp, Thụy Điển và Tây Ban Nha, gần như khắp châu Âu”, ông Robert K. Visser, giám đốc điều hành của Văn phòng Hỗ trợ Tỵ nạn Châu Âu ở Malta nói.

Chiến lược của một số người Ukraine di cư là tìm cách xin thị thực công vụ ngắn hạn, bước đi đầu tiên để tiến tới việc được cấp tư cách công dân chính thức. Với hàng ngàn người khác, xin tị nạn là lựa chọn duy nhất. Nhưng vận may không phải lúc nào cũng mỉm cười. Năm 2014, trong số 2.985 người Ukraine đăng ký tỵ tạn nộp hồ sơ vào Liên minh châu Âu, chỉ 150 người được cấp tư cách tị nạn đầy đủ, 2.335 người bị từ chối và số còn lại nhận được các dạng bảo vệ khác. Tỉ lệ được chấp nhận chỉ chiếm 22%.

Một buổi hòa nhạc tại Thế giới Ukraine.


Trường hợp của vợ chồng anh Zelenyuk dù được xem là suôn sẻ song vẫn không thể làm hài lòng đôi vợ chồng này. Qua được biên giới dù không có thị thực, vợ chồng anh hoàn tất các thủ tục điền mẫu đơn, chụp ảnh, lấy dấu vân tay và được thông báo đến một trung tâm tị nạn trong hai ngày.

Nhưng vỡ mộng khi chứng kiến trung tâm tị nạn nằm “ở chỗ khỉ ho cò gáy”, anh Zelenyuk, như nhiều người khác, tiếp tục lên đường đến thủ đô Vacsava, nơi anh làm những công việc lặt vặt ở Thế giới Ukraine, một trung tâm dành cho những người Ukraine di cư tại địa điểm từng là hộp đêm trên một đại lộ lớn của thủ đô Ba Lan.

Hy vọng

Với khoảng 6 người Ukraine ngồi xung quanh, cô Anastasia Pavlychenko, 32 tuổi, đang theo một khóa học để đủ tiêu chuẩn xin thị thực, tại ngôi trường kĩ thuật Vacsava đang phải căng ra trước nhu cầu xin tị nạn của người Ukraine. “Tôi sẽ không bận tâm nộp đơn xin tị nạn. Tôi sẽ không được cấp. Sẽ chẳng ai được cấp”, cô chia sẻ.

Trong khi đó, với tâm thế “còn nước còn tát”, hai vợ chồng ông bà Albert và Natalia Bakurova, vẫn ấp ủ hy vọng được cấp phép tị nạn. “Chúng tôi đã cố kiếm sống ở Ukraine, nhưng chẳng có việc gì, vì vậy chúng tôi… đến Ba Lan”, ông Bakurova nói. Nếu lần thứ hai xin tị nạn không thành công, cả hai vợ chồng sẽ buộc phải quay lại Ukraine, nơi hơn một năm trước họ rời thành phố ở Đông Ukraine.

Ở một góc khác, tiếng đàn guitar của người đàn ông sắc tộc Cossack có mái tóc chupryna truyền thống từng tham gia biến cố Maidan, bắt đầu vang lên. Mọi người lắc lư theo điệu nhạc Cossack chậm, buồn phát ra từ cây đàn guitar có một sợi ruy băng màu đỏ trắng màu của Ba Lan được buộc cùng một sợi khác màu xanh dương, vàng của Ukraine.

“Đó là bài hát kể về sự trở về sau cuộc chiến. Người ở nhà không biết bao giờ chồng và con trai họ trở về, còn những người lính trên chiến trường cũng không biết chiến tranh khi nào sẽ chấm dứt. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, vì vậy tất cả họ chỉ có thể hy vọng”, cô Reka nói.


Anh Tiếu (Theo New York Times)
Những “cánh đồng mìn” ở Donetsk
Những “cánh đồng mìn” ở Donetsk

Giữa những “tạm lắng” của chiến sự ở miền Đông Ukraine trong bối cảnh hai phe li khai và quân đội chính phủ Ukraine thực thi lệnh ngừng bắn mong manh, một mối nguy mới nảy sinh từ lòng đất: đó là những quả mìn ở vùng Donetsk.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN