Cảnh sát Nam Định trả lời tin "nhận cò" cho xe quá tải né trạm cân

Trước dư luận cho rằng hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định có tình trạng lái xe ôm đứng ra "làm luật" với cảnh sát giao thông để giúp các xe quá tải né trạm cân, chiều 16/10, phóng viên TTXVN đã làm việc với Đại tá Trần Văn Luân, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Nam Định.

 

Ảnh minh họa.

 

Tại buổi làm việc, Đại tá Trần Văn Luân khẳng định: Lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra tải trọng xe (gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động và thanh tra giao thông) của Nam Định làm việc rất nghiêm túc, không có dấu hiệu tiêu cực.

 

Mới đây, dư luận địa phương và một số tờ báo thông tin rằng, các xe chở hàng lưu thông trên tuyến quốc lộ 10 qua địa bàn tỉnh Nam Định thường được các xe ôm đứng ra làm “trung gian” để “lách” trạm cân. Theo đó, có hai hình thức xe ôm đứng "làm cò": Xe ôm dẫn đi đường tắt để né trạm cân hoặc đứng ra “làm luật” thay cho chủ xe. Mỗi chủ xe phải chung chi cho những xe ôm này từ 300 - 500 ngàn đồng.

 

Trao đổi với phóng viên TTXVN về thông tin này, Đại tá Trần Văn Luân cho biết: Có thể có một số lái xe ôm tự giới thiệu là có "quan hệ" và có thể nhận làm "cò" cho xe quá tải né trạm cân, nhưng thực chất đây là những đối tượng lừa đảo. Các lái xe khi đưa tiền cho họ là bị lừa. Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và một số lực lượng cảnh sát tham gia khác làm nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe được quản rất chặt. Hơn nữa, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Nam Định cũng tổ chức kiểm tra thường xuyên, không phát hiện dấu hiệu tiêu cực. Lực lượng liên ngành kiểm tra tải trọng xe của Nam Định đã làm việc rất cố gắng với thời gian 24 giờ/7 ngày, mặc dù còn thiếu về biên chế, khu vực cân không có nơi sinh hoạt cho cán bộ, chiến sỹ.

 

Đại tá Luân khẳng định: "Không có chuyện anh em làm nhiệm vụ nhận "cò" cho xe né trạm cân. Đại tá Luân cho biết thêm, để công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý xe quá tải đạt hiệu quả và không phát sinh tiêu cực, tháng 8/2014 Công an tỉnh Nam Định đã ban hành kế hoạch "Phòng ngừa, đấu tranh với nạn cò mồi, dẫn dắt phương tiện quả tải vượt trạm cân tải trọng".

 

Về thực trạng trạm cân chỉ được đặt một chiều nên nhiều xe quá tải thoát hợp lệ ở chiều còn lại, Đại tá Luận thừa nhận đây là thực tế trên địa bàn Nam Định do điều kiện và địa thế khó khăn. Ngành chức năng đang tiến hành khảo sát, tìm một vị trí thuận lợi vừa tránh gây ùn tắc, vừa đảm bảo an toàn giao thông để đặt trạm cân kiểm soát cả hai chiều.

 

Nam Định là địa bàn trung chuyển giữa các tỉnh, thành phố từ Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương đi Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội... Tình hình xe quá tải thực tế đã giảm nhiều vì các địa phương ra quân đồng loạt, trong đó có tỉnh Nam Định. Trong 9 tháng đầu năm 2014, lực lượng liên ngành kiểm tra tải trọng xe của Nam Định đã thực hiện kiểm tra 1.661 trường hợp, xử phạt 333 trường hợp xe quá tải, buộc hạ tải 1.825 tấn hàng hóa, nộp kho bạc Nhà nước hơn 1,4 tỷ đồng.

 

Nguyễn Trường

Xe quá tải quần nát đường giao thông biên giới
Xe quá tải quần nát đường giao thông biên giới

Bất kể ngày hay đêm, những chiếc ô tô tải trọng lớn vẫn thay nhau “cày nát” tuyến đường của huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, khiến cuộc sống của nhiều hộ dân trong khu vực bị đảo lộn. Và mặc dù nắm được thực trạng trên song chính quyền các cấp đều đành “bó tay làm ngơ”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN