Ba lựa chọn cho Anh em Hồi giáo thời hậu Morsi

Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) nhận thức được rằng ông Mohamed Morsi sẽ không thể quay lại nắm giữ chức tổng thống. Tuy nhiên, thông qua các cuộc biểu tình hiện nay đòi phục chức cho nhà lãnh đạo này, MB muốn khẳng định những gì mà họ cho là quyền hợp pháp của tổng thống và cho thấy chính họ là nạn nhân của cuộc đảo chính quân sự nhằm thu được những lợi ích về mặt chính trị. Ngoài ra, MB cũng muốn các đối thủ của mình phải trả giá đắt.


Biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi tại thủ đô Cairô, Ai Cập, ngày 12/7/2013. Ảnh: Kyodo/TTXVN

 

Phân tích trên mạng "Tin Trung Đông", ông Abdul Rahman Al-Rashed, chuyên gia các vấn đề quốc tế và là người đứng đầu đài truyền hình "Al-Arabiya" của Arập Xêút, cho rằng MB hiện có ba lựa chọn cho giai đoạn hậu Morsi. Thứ nhất là tham gia các cuộc bầu cử sắp tới và có thể sẽ ra tranh cử với nhiều danh sách bầu cử khác nhau, với các ứng cử viên độc lập hoặc các ứng cử viên trẻ. Thứ hai là tăng cường các hoạt động biểu tình, tuần hành nhằm cản trở tiến trình chính trị và việc thành lập chính phủ mới. Lựa chọn thứ ba và nguy hiểm nhất là rút vào hoạt động bí mật và lựa chọn hình thức đấu tranh bạo lực giống như các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Angiêri từng làm trong những năm 90 của thế kỷ trước. Với tư tưởng thánh chiến, các lực lượng Hồi giáo ở Angiêri đã tìm cách lật đổ chế độ bằng các hoạt động khủng bố. Hậu quả của hành động này là chế độ cầm quyền từng bị người dân căm ghét đã gia tăng quyền lực và trở thành người bảo vệ của nhân dân.


Ban lãnh đạo của MB biết rõ rằng lựa chọn thứ ba là điều tồi tệ nhất. Điều này sẽ tạo thêm cớ cho quân đội truy đuổi các thành viên của MB và đóng cửa các tổ chức của họ. Tuy nhiên, nếu lựa chọn hòa giải với các đối thủ, mạng lưới các chi nhánh rộng lớn của MB được xây dựng rất công phu dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak sẽ bị đe dọa sau một thời gian dài "đình chiến". Một điều chắc chắn là công chúng Ai Cập sẽ tẩy chay MB nếu tổ chức này sử dụng bạo lực, nhất là khi chính quyền mới hiện nay đang có ảnh hưởng rất lớn đối với giới truyền thông và có khả năng huy động công luận chống lại MB.


MB coi ông Morsi là hiện thân của "tính hợp pháp" và họ đang yêu cầu khôi phục tính hợp pháp như một điều kiện để tái tham gia các hoạt động chính trị. Trước cuộc đảo chính quân sự ngày 3/7, MB đã chuẩn bị sẵn sàng cho một thỏa thuận về việc tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn song lời đề nghị này đã được đưa ra quá muộn màng. Chín ngày trước làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ vào cuối tháng 6 vừa qua, MB đề xuất ít nhượng bộ hơn. Tuy nhiên, sau làn sóng biểu tình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử Ai Cập, việc ông Morsi từ chức đã trở thành điều không thể tránh khỏi.


MB đã tìm cách giành sự ủng hộ của các đồng minh Hồi giáo. Tuy nhiên, Đảng Salafist Al-Nour, lực lượng có thành viên đông đảo nhất và có ảnh hưởng lớn nhất tại Ai Cập sau MB, đã khiến họ phải thất vọng khi lựa chọn lập trường trung lập. MB cũng cầu viện các đồng minh Hồi giáo của họ ở Tuynidi, Thổ Nhĩ Kỳ và Xuđăng. Song các lực lượng này lại không có mấy ảnh hưởng tại Ai Cập cũng như trong thế giới Arập. Trong khi đó, các quốc gia lớn trong khu vực như Arập Xêút, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Gioócđani lại ủng hộ chính quyền mới ở Ai Cập về mặt chính trị và kinh tế, đồng thời nhận ra rằng tình trạng bất ổn ở quốc gia Bắc Phi này sẽ là mối đe dọa cho toàn bộ khu vực. Trước đó, khi còn nắm quyền, thông qua các động thái xích lại gần Iran và Nga trong bối cảnh khu vực Trung Đông đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng bạo lực tại Xyri, Irắc và Libăng, ông Morsi và MB đã khiến các quốc gia vùng Vịnh rất quan ngại.


Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Ai Cập) 

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN