Bầu cử Iran làm tan hy vọng thỏa thuận hạt nhân của Tổng thống Biden

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định việc ông Ebrahim Raisi sắp nhậm chức Tổng thống Iran sẽ không ảnh hưởng tới tiến trình khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. Tuy nhiên, đã có dấu hiệu cho thấy mục tiêu của Mỹ khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran càng thêm khó khăn.

Theo hãng tin AP, không khí lạc quan rằng các bên sắp đạt được thỏa thuận đã giảm hẳn khi các đàm phán mới nhất kết thúc ngày 20/6 mà không có dấu hiệu tiến triển đáng kể nào. 

Chú thích ảnh
Ông Ebrahim Raisi, người vừa được bầu làm tổng thống Iran. Ảnh: AP

Ngày 21/6, trong phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi được bầu làm tổng thống Iran, ông Raisi đã bác bỏ mục tiêu mở rộng thỏa thuận hạt nhân của Tổng thống Biden nếu các nhà đàm phán có thể cứu vãn thỏa thuận cũ.

Đồng thời, ông Raisi có thể nâng cao yêu cầu giảm trừng phạt để đổi lại việc Iran tuân thủ thỏa thuận. Bản thân ông Raisi cũng đã là đối tượng trừng phạt của Mỹ.

Bà Karim Sadjapour, thành viên cấp cao tại tổ chức cố vấn đối ngoại Carnegie và là người đã cố vấn cho nhiều chính quyền Mỹ về vấn đề Iran, nhận định: “Tôi cho rằng chính quyền Mỹ giờ đang muốn khẩn cấp rà soát thỏa thuận trước khi ông Raisi và chính quyền cứng rắn hơn nhậm chức”.

Tổng thống Biden đã coi việc Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran là một ưu tiên chính sách đối ngoại. Thỏa thuận là một trong những thành tựu nổi bật của chính quyền Barack Obama và bị chính quyền Donald Trump loại bỏ.

Giới chức Mỹ cho rằng cho dù ông Raisi làm tổng thống thì Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei mới là người sẽ có quyết định cuối cùng và ông Khamenei cũng là người đã ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Ngày 21/6, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói: “Quan điểm của Tổng thống và quan điểm của chúng tôi là người ra quyết định chính là lãnh tụ tối cao Iran. Trước và sau bầu cử ở Iran cũng vẫn vậy và về sau này cũng sẽ như thế”. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói: “Chúng tôi hy vọng lãnh tụ tối cao Iran vào tháng 8 tới vẫn là cùng một người như bây giờ, như trước bầu cử, như năm 2015 khi thỏa thuận được ký lần đầu”.

Tuy nhiên, hy vọng đạt tiến triển đáng kể đã tan dần từ tuần trước, trước cuộc bầu cử Iran. Có nhiều đồn đoán về ảnh hưởng của cuộc bầu cử với quá trình đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ ở Vienna.

Các nhà ngoại giao từng cho rằng vòng đàm phán thứ sáu ít nhất cũng có thể mang lại kết quả hữu hình, cho dù chưa đạt được thỏa thuận toàn diện.

Tuy nhiên, vòng đàm phán thứ sáu đã kết thúc và chưa có lịch trình cho vòng đàm phán thứ bảy khi mà ông Raisi bác bỏ quyết liệt yêu cầu Iran phải thực hiện điều gì nhiều hơn mức tuân thủ tối thiểu theo thỏa thuận năm 2015.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Các chuyên gia về Iran cho rằng Tổng thống Biden sẽ gặp khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi, trong việc thuyết phục Iran đồng ý cam kết nhiều hơn so với khuôn khổ thỏa thuận. 

Bà Sadjapour nhận định: “Khi chúng ta bỏ trừng phạt để họ quay lại thỏa thuận, tôi cho rằng họ sẽ không có thêm động lực để nhượng bộ thêm. Nếu chúng ta ép họ bằng trừng phạt để quay trở lại đàm phán, họ sẽ nói rằng chính chúng ta bãi bỏ thỏa thuận hạt nhân”.

Theo ông Rich Goldberg, quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia thời Tổng thống Trump, cho rằng rõ ràng người Iran sẽ không bao giờ đàm phán thứ gì ngoài thỏa thuận hạt nhân cũ. Ông nói rằng ông Raisi còn không quan tâm tới các cuộc đàm phán tương lai.

Điều phức tạp với tiến trình đàm phán ở Vienna là ông Raisi sẽ trở thành tổng thống Iran đầu tiên bị chính quyền Mỹ trừng phạt trước khi lên cầm quyền. Tình hình này sẽ khiến các chuyến thăm cấp nhà nước và bài phát biểu tại các diễn đàn quốc tế của ông Raisi thêm phức tạp.

Trong khi đó, cả bà Psaki và ông Price đều khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục bắt ông Raisi chịu trách nhiệm vì những hành vi mà Mỹ cho là vi phạm nhân quyền và bị chính quyền trước trừng phạt.

Trong bối cảnh đó, tương lai của tiến trình đàm phán tại Vienna ngày càng mờ mịt.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Quan hệ Mỹ-Israel trước ngã rẽ mới thời hậu Trump và Netanyahu
Quan hệ Mỹ-Israel trước ngã rẽ mới thời hậu Trump và Netanyahu

Với hai nhà lãnh đạo mới, trong một thời kỳ mới, cách thức Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Naftali Bennett xử lý mối quan hệ hai nước sẽ định hình triển vọng cho hòa bình và ổn định ở Trung Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN