Bảy lý do khiến Mỹ “ngại” Saudi Arabia

Quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia đang ở trong giai đoạn khó khăn với việc Riyadh nhiều lần lên tiếng phàn nàn về chính sách của Mỹ đối với Trung Đông. Xung quanh vấn đề này, mạng tin "Alalam" cho rằng có 7 kịch bản mà nếu Saudi Arabia thực hiện có thể trở thành "ác mộng" với các quan chức các bộ Ngoại giao và Quốc phòng của Mỹ.

Dầu mỏ luôn được Saudi Arabia coi là một “vũ khí” sắc bén trên chính trường. Ảnh: Getty 


Thứ nhất, Saudi Arabia sử dụng vũ khí dầu lửa. Quốc gia này có thể cắt giảm sản lượng khai thác, vốn đã được tăng lên hơn 10 triệu thùng/ngày theo yêu cầu của Washington nhằm bù đắp vào phần thiếu hụt từ nguồn xuất khẩu của Iran. Việc giảm nguồn cung của Riyadh có thể sẽ khiến giá dầu tăng vọt ở thị trường Mỹ, gây đe dọa tới sự phục hồi kinh tế và có tác động ngay lập tức tới ý kiến của dân chúng nước Mỹ.


Thứ hai, Saudi Arabia có thể tìm đến Pakistan mua các loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Saudi Arabia lâu nay có dấu hiệu quan tâm và bị cáo buộc tài trợ một phần cho chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan. Năm 1999, Bộ trưởng Quốc phòng của Saudi Arabia khi đó là Hoàng thân Sultan đã được Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif chào đón tới nhà máy Kahuta, nơi Pakistan làm giàu urani ở mức cao. Ngoài ra, Quốc vương Saudi Arabia Abdullah đã từng tuyên bố với quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ là ông Dennis Ross hồi tháng 4/2009 rằng nếu như Iran có vũ khí hạt nhân thì Saudi Arabia cũng sẽ tìm cách có vũ khí hạt nhân.


Thứ ba, Riyadh có thể "hất cẳng" Mỹ ra khỏi Bahrain. Khi Bahrain bị rung chuyển bởi những cuộc biểu tình năm 2011, Saudi Arabia đã dẫn đầu các nước vùng Vịnh can thiệp vào Bahrain nhằm củng cố sự cầm quyền của chế độ hoàng gia ở đây. Vì vậy, Saudi Arabia có tiếng nói mang sức nặng trong việc khuyến khích Bahrain để buộc Hạm đội 5 của Mỹ rời khỏi căn cứ ở Manama. Ngoài ra, những người theo đường lối cứng rắn trong hoàng gia Bahrain cũng đã chán ngấy với những lời chỉ trích của Mỹ về các vụ đàn áp đối với những cuộc biểu tình của người Hồi giáo dòng Shi'ite.


Thứ tư, Saudi Arabia có thể cung cấp các loại vũ khí mới, nguy hiểm cho lực lượng nổi dậy ở Syria. Riyadh đang mở rộng sự can thiệp chống lại chính phủ Tổng thống Assad bằng cách tuồn tiền và vũ khí cho các nhóm Salafi theo đường lối cứng rắn ở Syria.


Thứ năm, Saudi Arabia ủng hộ một phong trào nổi dậy mới trong các vùng lãnh thổ của Palestine. Palestine chính là một lý do hàng đầu trong việc Riyadh từ chối chiếc ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Nếu như Saudi Arabia thật sự cảm thấy rằng không có triển vọng nào cho cuộc hòa đàm, nước này có thể sẽ lặng lẽ ủng hộ các lực lượng bạo lực ở Bờ Tây tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng và người định cư Israel.


Thứ sáu, Riyadh tăng cường ủng hộ chế độ do quân đội lãnh đạo ở Ai Cập. Riyadh hiện là một trong những nhà bảo trợ chủ yếu của Ai Cập thông qua việc cam kết viện trợ 5 tỷ USD ngay sau khi quân đội lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi. Sự ủng hộ như vậy sẽ cho phép những người cầm quyền mới ở Ai Cập phớt lờ lời đe dọa cắt giảm viện trợ, phá hỏng nỗ lực của Washington trong việc lèo lái Cairo theo “quỹ đạo dân chủ”.


Thứ bảy, Saudi Arabia sẽ gây áp lực đòi một chiếc ghế cho các nước Hồi giáo trong HĐBA. Mỹ và các nước đang giữ quyền phủ quyết khác tất nhiên sẽ tìm cách phản đối bất kỳ nỗ lực nào làm giảm ảnh hưởng của họ trong HĐBA. Nhưng thậm chí nếu kế hoạch của Riyadh thất bại thì Saudi Arabia cũng có thể cho rằng sự phản đối của Mỹ là một hành động chống Hồi giáo. Một nỗ lực như vậy sẽ phá hỏng hình ảnh của Mỹ ở Trung Đông.


TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN