Các nước Trung Đông sẽ đi theo hướng nào?

Ba năm đã trôi qua kể từ khi nổ ra phong trào “Mùa xuân Arập”, một câu hỏi đang được đặt ra là những thay đổi hiện nay liệu có mang đến kết quả tốt đẹp cho thế giới Arập hay không?

Tuần hành ủng hộ chính phủ Syria tại thị trấn Baniyas, thành phố biển miền nam Latakia ngày 25/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong năm 2014, các nước trong khu vực Trung Đông sẽ đi theo các hướng khác nhau, trong đó có những quốc gia sẽ hướng đến quá trình cải cách triệt để, trong khi một số nước khác sẽ tiếp tục duy trì những chính sách cũ và tìm cách né tránh các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội đang tồn tại.


Ai Cập trong năm 2014 sẽ chứng kiến những sự kiện quan trọng, như bầu cử tổng thống và nghị viện. Hiến pháp mới được cho là có những điều khoản bất lợi cho phe Hồi giáo, cũng như sẽ làm gia tăng quyền hành đối với lực lượng quân đội. Người ta đã biết Tướng Abdel Fattah Al - Sisi, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ai Cập, sẽ ra tranh cử tổng thống và được dự đoán sẽ giành thắng lợi áp đảo. Tuy nhiên, điều này chưa chắc đem lại ổn định cho Ai Cập ngay trong năm 2014.


Tại Libya, năm 2014 bắt đầu một quá trình phục hồi một cách dần dần với cuộc bầu cử quốc hội và cuộc đối thoại dân tộc dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, để những nỗ lực này mang lại hiệu quả, cần phải tổ chức tốt các vòng đối thoại dân tộc và giải giáp vũ khí của các tay súng tự do, tái hòa nhập họ với xã hội một cách có hiệu quả.


Trong khi đó, tại Syria, dự đoán trong năm 2014, chiến sự vẫn tiếp tục tàn phá đất nước này và hai bên sẽ tiếp tục ở thế giằng co, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày một lo ngại về sự phát triển của các nhóm Hồi giáo cực đoan tại nước này.


Các nước Arập có chế độ quân chủ cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, tuy có phần khác so với những gì mà các nước cộng hòa đang phải gánh chịu. Các nước vùng Vịnh giàu có đã tìm cách giải quyết tình trạng bất ổn bằng các biện pháp tài chính (trừ trường hợp Bahrain). Trong khi đó, tại các nước nghèo hơn như Morocco hay Jordan, chính quyền lại ban hành các chính sách “cải cách từ thượng tầng” nhằm làm hạ nhiệt các cuộc biểu tình trên đường phố.


Dù là giải pháp cải cách tài chính hay an ninh thì các nước theo chế độ quân chủ trong thế giới Arập đã tạm thời thoát khỏi tình trạng bạo loạn đang lan rộng tại nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, họ vẫn chưa giải quyết được triệt để những vấn đề tiềm ẩn về kinh tế, chính trị và xã hội. Chính điều đó khiến cho nguy cơ bất ổn vẫn luôn tiềm tàng và đe dọa đến ổn định.


Saudi Arabia đang nỗ lực để giúp họ cũng như các nước vùng Vịnh tránh xa khỏi tình trạng bất ổn trong khu vực bằng các chính sách như tăng cường trợ giá, cải cách nửa vời, hay như đưa quân đội vào Bahrain. Ngoài khuôn khổ khu vực vùng Vịnh, Riyadh nỗ lực kiềm chế sự trỗi dậy của cả tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập cũng như Iran, cùng với chính sách đối ngoại “nước đôi”, vừa viện trợ tài chính cho chính phủ lâm thời tại Ai Cập do quân đội hậu thuẫn, vừa ủng hộ viện trợ khí tài cho lực lượng phiến quân tại Syria.


Năm 2014 sẽ là một năm quyết định đối với Iran, cả về đối nội và đối ngoại. Trong khi thỏa thuận tạm thời về chương trình hạt nhân của nước này bắt đầu có hiệu lực, đã bắt đầu xuất hiện sự “lệch pha” giữa Mỹ và Iran liên quan đến một thỏa thuận toàn diện. Người ta cũng chờ xem liệu khi vấn đề hạt nhân của Iran được làm nguội bớt thì quan hệ hợp tác giữa nước này với Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề khu vực có được cải thiện một cách đáng kể hay không.


Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Israel và Palestine thực sự muốn tìm cách gỡ bỏ những trở ngại lớn trong quan hệ song phương và điều đó báo hiệu tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn bế tắc, đồng nghĩa với sự thất bại của Mỹ trong vai trò trung gian.


Tóm lại, năm thứ tư của “Mùa xuân Arập” cũng sẽ vẫn chỉ là một trong những trang đầu của một cuốn sách rất dài về lịch sử thế giới Arập.


Phạm Phú Phúc (Theo báo "As - Sharki Al - Ausat", Trung Đông)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN