Chuyên gia chỉ ra những rủi ro và thách thức nếu can thiệp quân sự vào Niger

Bất kỳ động thái nào như vậy đều chứa đựng những rủi ro về hoạt động và chính trị - từ việc tập hợp lực lượng can thiệp đến gây thương vong cho dân thường.

Chú thích ảnh
Những người ủng hộ đảo chính trong một cuộc biểu tình bên ngoài một căn cứ không quân của Pháp gần Niamey. Ảnh: AFP

Theo hãng tin AFP ngày 14/8, Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đang cân nhắc can thiệp quân sự để khôi phục quyền lực cho vị tổng thống đắc cử của Niger, Mohamed Bazoum, sau khi ông này bị đội cận vệ bắt giữ vào ngày 26/7.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng bất kỳ động thái nào như vậy đều chứa đựng những rủi ro về hoạt động và chính trị - từ việc tập hợp lực lượng can thiệp đến gây thương vong cho dân thường. Theo họ, dưới đây là những vấn đề chính:

Về huy động lực lượng, ECOWAS hôm 10/8 đã yêu cầu triển khai “lực lượng dự phòng để khôi phục trật tự hiến pháp” ở Niger.

Lực lượng này đã 6 lần can thiệp vào các thành viên ECOWAS kể từ năm 1990, trong các sự kiện như nội chiến hoặc bất ổn chính trị.

Marc-Andre Boisvert, một chuyên gia về Sahel thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách FrancoPaix ở Montreal, cho biết, ngày nay cũng như trước đây, không có sự thống nhất rõ ràng giữa các thành viên ECOWAS về các thành phần lực lượng.

Theo chuyên gia Boisvert, việc tập hợp lực lượng “phụ thuộc vào ý chí của những bên đóng góp” – một nỗ lực đòi hỏi các cuộc đàm phán kéo dài và vượt qua “sự nghi ngờ to lớn”.

Trong số 15 thành viên ECOWAS, ba nước - Mali, Guinea và Burkina Faso - đã bị đình chỉ là thành viên của tổ chức này vì các cuộc đảo chính quân sự.

Trong số các quốc gia khác, các nước Tây Phi như Nigeria cũng như Benin, Bờ Biển Ngà và Senegal nói rằng họ sẵn sàng triển khai binh sĩ, mặc dù họ cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong nước về việc này.

Về phần mình, Elie Tenenbaum thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) nêu quan điểm: “Về cơ bản, lực lượng dự phòng châu Phi không được hình thành để khôi phục trật tự hiến pháp ở một quốc gia đã xảy ra đảo chính”.

Về quân số, tướng Senegal Mansour Seck cho biết: “Một chiến dịch kiểu này cần huy động từ 3.000 đến 4.000 binh sĩ”.

Cho đến nay, chỉ có Bờ Biển Ngà công khai nêu rõ số lượng binh lính mà họ sẽ triển khai – khoảng 1000 quân.

Chuyên gia Tenenbaum nói: “Các quốc gia châu Phi thường có sự kiểm soát chặt chẽ đối với chủ quyền của họ khi nói đến an ninh và quốc phòng. Ngoài ra, thật khó để tập hợp binh lực trong số những quân đội vốn đã yếu và thiếu trang bị”.

Lực lượng vũ trang của Niger có khoảng 30.000 quân, trong đó 11.000 quân được triển khai để chiến đấu với các chiến binh thánh chiến, theo số liệu do ông Bazoum đưa ra năm ngoái.

Các chế độ quân sự ở Mali và Burkina Faso cũng đã tuyên bố rằng bất kỳ sự can thiệp nào vào Niger sẽ được coi là "tuyên bố chiến tranh" nhằm vào họ. Mặt khác, lực lượng vũ trang của họ còn yếu và đã bị lôi kéo vào cuộc chiến chống quân nổi dậy thánh chiến.

Chú thích ảnh
Các nhà lãnh đạo trong cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum của Niger muốn "truy tố" vị tổng thống này về tội "phản quốc" và "phá hoại an ninh" của quốc gia. Ảnh: Anadolu

Về rủi ro hoạt động, lật đổ chế độ ở Niger, một quốc gia rộng lớn khô cằn, có nghĩa là cần tập trung lực lượng vào thủ đô Niamey.

Một cuộc tấn công trên bộ có nghĩa là phải vượt qua vài trăm km địa hình đầy thù địch. Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng mấu chốt nằm ở khả năng cơ động trên không, có thể sử dụng sân bay của Niamey làm cứ điểm chuẩn bị để nhắm mục tiêu vào dinh tổng thống nơi ông Bazoum đang bị giam giữ.

Amadou Bounty Diallo, một nhà phân tích và cựu quân nhân người Niger, đánh giá các chỉ huy quân sự của ECOWAS “muốn chiếm sân bay Niamey và bắn phá dinh tổng thống, nhưng chúng tôi có hệ thống phòng không hiện đại có thể bắn hạ máy bay của họ”.

Bên cạnh đó, khả năng chống lại sự can thiệp sẽ dựa vào lực lượng bảo vệ tổng thống, một lực lượng tinh nhuệ gồm 700 người, trong khi sự sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội khác là một vấn đề tranh luận.

Các thành phần khác của quân đội bề ngoài tán thành cuộc đảo chính “để tránh đổ máu – họ không muốn tham gia vào một cuộc chiến tranh; ngay khi mọi thứ bắt đầu trở nên nghiêm trọng, có thể sẽ xuất hiện nhiều đơn vị tan rã”, một cố vấn của ông Bazoum cho biết.

Về thương vong dân sự, theo chuyên gia Tenenbaum, đây là một trong những rủi ro lớn. Những người ủng hộ đảo chính đã tụ tập nhiều lần ở thủ đô, nhiều người trong số họ tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ quân đội của họ nếu bị tấn công.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo AFP)
Chính quyền quân sự Niger tuyên bố sẽ truy tố Tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum
Chính quyền quân sự Niger tuyên bố sẽ truy tố Tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum

Chính quyền quân sự ở Niger tuyên bố sẽ truy tố Tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum với tội danh "phản quốc" và làm suy yếu an ninh quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN